“Dịch Covid – 19 như thêm một cái tát vào mặt”
Dịch virus corona (Covid-19)diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đang khiến ngành du lịch Việt Nam lao đao. Trong đó, hệ thống các cơ sở dịch vụ lưu trú như khách sạn, homestay, nhà trọ,… đặc biệt “ngấm đòn”.
Nhìn vào màn hình camera, cảnh quạnh hiu của các cơ sở khách sạn, homestay thuộc hệ thống hiện lên. Anh Nguyễn Dương Trí, chủ một hệ thống gồm 8 khách sạn, homestay nằm rải rác trên các quận của TP. HCM buồn rầu cho biết, chỉ trong chưa đầy 2 tháng, doanh thu của ngành dịch vụ lưu trú đã tụt giảm nghiêm trọng.
Anh Trí cho biết, đặc thù cuộc sống tại TP. HCM có rất nhiều dịch vụ giải trí về đêm. Lượng khách du lịch nội địa hoặc nước ngoài đến từ các nước trên thế giới đều rất đông. Từ đầu năm 2020, khi Nghị định 100 bắt đầu có hiệu lực, lượng khách tại các hàng quán đã giảm hẳn khiến các khách sạn, homestay cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đến khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020, dịch Covid – 19 bùng phát và diễn biến phức tạp, các cơ sở lưu trú mới thật sự “ngấm đòn”. Chỉ trong thời gian gần 2 tháng từ đầu năm, chủ các khách sạn, homestay đã thiệt hại ước tính lên tới hàng tỷ đồng.
“Từ đầu năm 2020, khi Nghị định 100 có hiệu lực, doanh số của chúng tôi đã liên tục sụt giảm. Nhưng vẫn nghĩ là ngành dịch vụ ăn uống mới ảnh hưởng lớn nhất. Đến thời điểm sau tết khi dịch Covid – 19 bùng phát thì chúng tôi như phải nhận hai cái tát vào mặt. Hiện tại, chỉ tính riêng lương nhân viên trên toàn hệ thống đã vào khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/tháng.
Ngoài ra, còn các khoản chi phí khác như điện, nước, vệ sinh,… Không giống các ngành dịch vụ khác như ăn uống, quán nhậu, nếu kinh doanh hiệu quả kém có thế đóng cửa tạm thời, cho nhân viên nghỉ để đỡ thiệt hại. Các cơ sở lưu trú thì không thể làm như vậy được, dù không có khách vẫn phải chi phí đủ các khoản. Dù đã cố cắt giảm, bớt nhân viên nhưng thiệt hại thì ngày một lớn”, anh Trí lo lắng chia sẻ.
Ngoài ra, cũng theo anh Trí chia sẻ, mặc dù đã phải đưa ra nhiều “chiêu” để mời gọi khách hàng như giảm giá, tăng thêm các ưu đãi dịch vụ như đưa đón, ăn sáng hoặc đổ thêm chi phí quảng cáo online nhưng lượng khách vẫn rất ít.
Tại thủ đô Hà Nội, trong các khu phố cổ, rất nhiều các khách sạn vừa và nhỏ cũng đã phải giảm giá rất sâu do lượng khách quá ít ỏi. Theo thông lệ, giai đoạn cao điểm đón khách quốc tế tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 10 đến hết tháng 3, 4 năm sau.
Nhận định của giới chuyên môn cho hay, công suất các khách sạn trung bình sẽ khoảng 80%, nhiều nơi trên 90%. Tuy nhiên ảnh hưởng của dịch bệnh đã phủ bóng đen lên ngành khách sạn. Hiện tại, mặc dù đang mùa du lịch nhiều khách sạn tại Hà Nội đã treo biển “big sale” giảm 50-60% giá phòng vì vắng khách.
Không chỉ đối với các cơ sở dịch vụ lưu trú vừa và nhỏ, mới đây, trên các trang mạng xã hội lan truyền video quay lại cảnh một nữ quản lý khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel thông báo cho nhân viên nghỉ việc tạm thời.
Theo đó, đại diện Hanoi Emerald Waters Hotel cho biết, trong thời gian nghỉ việc, các nhân viên của khách sạn sẽ được hỗ trợ lương thất nghiệp 1,5 triệu/người/tháng. Theo đó, chính sách này sẽ được áp dụng ngay từ 1/3. Ngoài ra, đối với các nhân viên không muốn nghỉ có thể tiếp tục đi làm với mức lương bị giảm rất nhiều như: bếp trưởng 20 triệu/tháng còn 4 triệu tháng,…
Theo Tổng cục Du lịch, đối tượng chịu tác động mạnh nhất do dịch Covid-19 gây ra là các doanh nghiệp lữ hành, hệ thống resort - khách sạn, dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi giải trí. Trong 3 tháng tới, nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ước tính thiệt hại của ngành du lịch sẽ vào khoảng 5,9 - 7 tỉ USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận