24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Học
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

'Dịch Corona cũng là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế'

Dịch Corona chắc chắn ảnh hưởng rất xấu đến nền kinh tế của Việt Nam vì chúng ta phụ thuộc rất nhiều từ Trung Quốc, từ các nguyên vật liệu đến các sản phẩm dân dụng, công nghiệp, ông Lâm Bình Bảo - CEO ProMinent Dosiertechnik Việt Nam nhìn nhận.

Theo ông Bảo, dịch Corona này là điển hình của thế giới VUCA chúng ta đang sống.

'Dịch Corona cũng là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế'

Ông Lâm Bình Bảo - CEO ProMinent Dosiertechnik Việt Nam

"Đó là thế giới đầy Biến động (Volatility) với những thay đổi chóng mặt, bất ngờ và đa chiều, dịch này tiến triển rất nhanh, bất ngờ. Đó là thế giới Không chắc chắn (Uncertainty). Chúng ta không thể dự đoán chính xác tiến triển của dịch này và ảnh hưởng của nó đến xã hội.

Đó là thế giới Phức tạp (Complexity): Quá nhiều yếu tố liên quan, quá nhiều thông tin nhiễu loạn dẫn dến sự hoang mang của người dân. Đó là thế giới Mơ hồ (Ambiguity)! Do khó kiểm soát trong môi trường biến động, không chắc chắn và phức tạp nên mọi thứ trở nên mơ hồ, chúng ta không biết cần phải lựa chọn giải pháp nào", ông Bảo phân tích.

Theo đánh giá của ông Bảo, dịch Corona này chắc chắn ảnh hưởng rất xấu đến nền kinh tế của Việt Nam vì chúng ta phụ thuộc rất nhiều từ Trung Quốc, từ các nguyên vật liệu đến các sản phẩm dân dụng, công nghiệp. Tuy nhiên đó cũng là cơ hội để chúng ta cấu trúc lại nền kinh tế.

Kịch bản nhẹ nhất là dịch sẽ kéo dài thêm 3 tháng. Trung Quốc cần khoảng ít nhất 6 tháng đến 1 năm để hồi phục. Việt Nam thì sẽ cần từ 1 năm đến 1,5 năm để hồi phục

“Ngành nghề của tôi bị ảnh hưởng ngay lập tức. Các khóa học phải dừng lại vì nỗi e ngại khi tụ tập đông người. Khi kinh tế đi xuống thì đầu tư cho đào tạo là khoản đầu tư bị cắt trước tiên”, ông Bảo nói.

Nhà thiết kế Chương Đặng nhìn nhận dưới một góc nhìn khác: “Cách cơ bản nhất để nhìn thấy ảnh hưởng kinh tế từ đại dịch này là sự ngưng trệ. Ngoại trừ khẩu trang, nước sát khuẩn và một số nhu yếu phẩm, còn hầu như trong bất kì hoạt động thương mại nào đều nghe thấy sự hoạt động cầm chừng, giảm mạnh thậm chí tạm dừng vô thời hạn.

Chỉ tưởng tượng, một vài ngành nghề lúc này lúc khác bị ảnh hưởng đã thấy tác hại rồi, huống hồ đồng loạt tất cả. Chưa kể việc phòng dịch ảnh hưởng không nhỏ đến thói quen sinh hoạt và giảm hiệu suất làm việc của tất cả mọi người; chưa nói đến những tác động tiêu cực về mặt tâm lí; cũng như những trách nhiệm phát sinh ngoài kiểm soát (ví dụ: con phải nghỉ học ở nhà, cha mẹ phải thay nhau chăm sóc con, ảnh hưởng đến thời gian và tinh thần làm việc).

Kịch bản nặng nhất là suy thoái kinh tế không theo chu kì, không theo qui luật từng có. Suy thoái vì một tai nạn toàn cầu. Nhẹ nhất có thể là cũng như trên, nhưng mức độ ít nghiêm trọng hơn.

'Dịch Corona cũng là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế'
Nhà thiết kế Chương Đặng

Với riêng ngành nghề của tôi, một dự án startup phải tạm dừng vì mọi thứ đều xáo trộn ít nhiều, các nhà đầu tư đều chưa sẵn sàng vào thời điểm này. Lịch làm việc, đàm phán kinh doanh đáng lẽ khởi động sau Tết đều phải tạm ngưng. Bản thân tôi không di chuyển như đã lên kế hoạch trước Tết!

So với ảnh hưởng của dịch SARS, ngay cả lúc cao điểm của SARS theo tôi nhớ được, thì hầu hết các hoạt động thương mại vẫn diễn ra. Tôi vẫn đến Hồng Kông làm việc vào thời điểm đó. Trong khi hiện tại, theo giới chuyên môn nhận định là Corona chưa đến cao điểm, nhưng ngay cả những vùng chưa thấy khan hiếm khẩu trang, chưa tích trữ nước rửa tay hay nhu yếu phẩm mà rất nhiều hoạt động kinh doanh đã ảnh hưởng rồi”.

Chia sẻ nỗi lo của mình, bà Nguyễn Việt Hoà - CEO Công ty dây sợi Asia Dragon cho biết, Corona không phải là dịch thông thường mà là đại dịch, không chỉ Vũ Hán hay Trung Quốc nói riêng mà ảnh hưởng đến toàn cầu vì mọi con đường giao thương đều bị chặn đứng do lo sợ sự lây nhiễm lan nhanh của virus Corona.

Mọi người đều mong chờ “tiên dược” sẽ được tìm ra, những người mắc bệnh sẽ được cứu chữa, tâm lý ổn định hoạt động kinh doanh sẽ được ổn định lại mặc dù tính đến thời điểm này, mức độ thiệt hại không phải là nhỏ.

Ngày nào chưa tìm được phương pháp điều trị dứt điểm thì mức độ nghiêm trọng sẽ tăng lên rất nhiều, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, hệ lụy sẽ kéo theo và tệ nạn xã hội sẽ leo thang khi khó khăn chồng chất khó khăn, đạo đức xã hội sẽ bị ảnh hưởng, mức độ phân hóa sẽ càng cao.

Doanh nghiệp nên chuẩn bị ứng phó như thế nào?

Theo ông Lâm Bình Bảo, một số ngành có thể có nhiều cơ hội phát triển như các ngành liên quan đến phòng tránh và bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên rất nhiều ngành sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Doanh nghiệp cần rà soát ngay các nhóm khách hàng bị ảnh hưởng, tính chất và mức độ ảnh hưởng đến khách hàng. Từ đó rất nhanh chóng vạch ra chiến lược ứng phó. Đánh giá các nhóm phát sinh chi phí và có kế hoạch cắt giảm chi phí. Tìm các nhóm khách hàng mới, nguồn cung cấp mới

“Các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp cần chia sẻ thông tin, cùng hỗ trợ lẫn nhau phân chia lại chuỗi giá trị cung ứng. Vai trò của nhà nước là cần phải chuẩn bị kịch bản thực hiện các bước giúp nhanh chóng hồi phục kinh tế. Có thể giảm thuế, giảm các thụ tục hành chính, cung cấp ngân sách và các nguồn vốn để hỗ trợ doanh nghiệp. Mặt khác vai trò của các phòng thương mại tại nước ngoài đóng vai trò quan trọng. Họ có thể tìm hiểu tác động của bệnh dịch này vào thương mại của Trung Quốc tại các nước đó. Chắc chắn giá cả từ Trung Quốc sẽ tăng lên và có sự thiếu hụt sản phẩm. Đó là cơ hội lớn cho Việt Nam. Các phòng thương mại nên đề xuất các phương án giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh thương mại váo các nước đó. Chính phủ cần tạo các điều kiện tốt nhất để đẩy nhanh thương mại vào các quốc gia đó”, ông Bảo kiến nghị.

Đề xuất những việc cần làm ngay với doanh nghiệp, nhà thiết kế Chương Đặng cho biết, doanh nghiệp nên chuẩn bị tập huấn cho nhân viên ý thức về phòng dịch, tìm các kênh thông tin chính thống và đáng tin; ổn định tinh thần người lao động. Hoạt động chấn chỉnh, cấu trúc bộ máy làm việc, team building. Làm những công việc mang tính chất “bài tập” để giữ tinh thần làm việc và độ nhạy bén của nhân viên. Sẵn sàng quay trở lại khi đại dịch đi qua. Vệ sinh, dọn kho, trang trí văn phòng, và những hoạt động thiết thực, hữu ích cho cá nhân và tập thể.

Theo bà Nguyễn Việt Hoà, khi nền kinh tế toàn cầu ảnh hưởng thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng không là ngoại lệ, riêng với lĩnh vực kinh doanh dây thừng và sợi nông nghiệp, khách hàng cũng bắt đầu chia sẻ về sản lượng sụt giảm do người dùng cuối bị ảnh hưởng trực tiếp.

Tâm lý nhân sự cũng không ổn định vì lo sợ đại dịch lan nhanh, lo cho mình, cho người thân và đã có những thông tin cho biết doanh nghiệp nào có người mắc bệnh thì doanh nghiệp đó sẽ bị khoanh vùng giám sát, mức độ rui rỏ cho doanh nghiệp là rất lớn nếu đơn hàng đã nhận mà không trả đúng hạn công với viêc đầu tư không thu hồi vốn, không sinh lời sẽ dễ dẫn đến phá sản. Rất mong các nhà nghiên cứu sớm tìm được giải pháp trị liệu.

So với ảnh hưởng của dịch cúm SARS, mức độ ảnh hưởng của dịch Corona đáng sợ hơn nhiều, có thể phải nói lớn hơn gấp 5 gấp 10 lần, các nhà khoa học đã phân tích các chỉ số lây nhiễm và nghiêm trọng của 2 đại dịch này dựa trên số liệu nhiều thập kỷ qua.

'Dịch Corona cũng là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế'
Bà Nguyễn Việt Hoà - CEO Công ty dây sợi Asia Dragon

Doanh nghiệp ngay và luôn phải cập nhật thông tin thường xuyên để nắm bắt diễn biến của đại dịch, tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế trong nước và thế giới để phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và doanh nghiệp như đeo khẩu trang, rửa tay, tránh tụ tập ở các khu vực đông dân cư, vệ sinh nơi sinh sống và làm việc sạch sẽ …

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải phối hợp với khách hàng, đối tác chia sẻ các thông tin thuận lợi khó khăn để cùng phối hợp tháo gỡ và chia sẻ rủi ro nếu có và cùng vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.

Diễn biến xấu nhất là việc ngưng sản xuất kinh doanh thì phải báo trước cho các bên liên quan và cùng tìm giải pháp hỗ trợ để không dẫn đến khủng hoảng.

“Chưa bao giờ doanh nghiệp cần đến sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh mẽ như bây giờ. Cần nhìn chung về 1 mục tiêu là bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường trước thay vì chỉ nghĩ cho cá nhân, xâm lấn, lợi dụng cơ hội để làm lợi mà bỏ mặc đồng loại. Đây cũng là thời điểm tốt để ưu tiên “Người Việt dùng hàng Việt”, tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp trong nước bình ổn và dòng tiền không bị lưu chuyển đi nước ngoài. Nhà nước cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước, giảm thuế, tạo điều kiện hỗ trợ kinh doanh và nâng dịch vụ công lên mức cao nhất có thể; truyền thông mạnh mẽ và sẵn sàng ứng phó 24/24”, bà Hòa nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả