24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Như Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dịch chuyển FDI vào Việt Nam ra sao sau thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung?

chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt, Việt Nam được nhận định vẫn là thị trường hấp dẫn với vốn đầu tư nước ngoài nhờ những lợi thế vốn có.

Kể từ khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ, Việt Nam được xem là một trong những người hưởng lợi hàng đầu khi các doanh nghiệp tìm kiếm địa điểm mới cho sản xuất, tránh bị gia tăng thuế quan lên các mặt hàng. Điều này thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong bối cảnh suy giảm chung của dòng FDI toàn cầu, việc vẫn duy trì được mức tăng trưởng vốn thực hiện là thành quả đáng khích lệ.

Điều đáng chú ý trong năm 2019 là Hồng Kông liên tục đứng đầu bảng trong danh sách đối tác đầu tư của Việt Nam và chỉ bị Hàn Quốc vượt qua vào tháng cuối năm với khoảng cách rất nhỏ. So với năm 2018, FDI từ Hồng Kông năm ngoái tăng tới 2,4 lần.

Trong cùng thời gian trên, FDI Trung Quốc vào Việt Nam cũng đáng chú ý khi tăng gần 1,65 lần. Tổng hai đối tác này chiếm tới hơn 39% lượng FDI tới Việt Nam năm ngoái.

Trong diễn biến mới nhất, Washington và Bắc Kinh đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, rút lại một số thuế quan và đẩy mạnh việc mua sản phẩm Mỹ của Trung Quốc, hạ nhiệt chiến tranh thương mại.

Chia sẻ với TheLEADER, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đánh giá việc đạt được thỏa thuận giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng phần nào tác động đến dòng FDI từ Trung Quốc và Hồng Kông, tuy nhiên không quá lớn.

Nguyên nhân là do bản thân Việt Nam cũng nổi lên là một địa điểm thu hút FDI có nhiều lợi thế như lao động giá rẻ, sở hữu hàng loạt hiệp định thương mại (FTA). Do đó, dù không có thương chiến Mỹ - Trung, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tìm đến Việt Nam nhằm tận dụng các ưu đãi đó và căng thẳng thương mại chỉ là yếu tố thúc đẩy mạnh hơn.

Dịch chuyển FDI vào Việt Nam ra sao sau thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung?

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách.

Bên cạnh đó, FDI mang tính lâu dài và các nhà đầu tư phải phân bổ rủi ro. Dù Washington và Bắc Kinh hiện đã đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 nhưng tương lai vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn.

“Những doanh nghiệp có ở cả Trung Quốc và Việt Nam thì sẽ phân bố bớt phần sản xuất sang Việt Nam nhằm giảm thiểu rủi ro. Các doanh nghiệp mới lựa chọn Việt Nam bởi những lợi thế rõ ràng hơn nhiều nước xung quanh”, ông Thế Anh phân tích.

Chia sẻ cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cao cấp, Giám đốc Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV, lưu ý dòng vốn đầu tư, nhất là từ Hồng Kông và Trung Quốc đã di chuyển sang Việt Nam trong một số năm vừa qua chứ không chỉ năm 2019 do chiến tranh thương mại. Căng thẳng tranh mại là một xúc tác khiến tiến trình dịch chuyện đó diễn ra nhanh hơn và nhiều hơn.

Ông Lực cho rằng trong năm 2020, dòng vốn này sẽ tiếp tục dịch chuyển bởi kinh tế Trung Quốc đang giảm đà tăng trưởng và việc sản xuất kinh doanh tại đây ngày càng đắt đỏ hơn.

Rủi ro trong thời gian tới được đánh giá vẫn còn tồn tại, liên quan đến cạnh tranh thương mại, cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ dù thỏa thuận một phần đã được ký kết.

Kinh tế tăng trưởng tốt, quy mô thị trường, đặc biệt liên quan đến tiêu dùng, thu nhập bình quân đầu người cũng như tầng lớp trung lưu giúp Việt Nam có nhiều tiềm năng và sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

“Đặc biệt, Nhà nước, Chính phủ cũng đang tiếp tục quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sức hấp dẫn đầu tư hơn nữa”, ông Lực nhấn mạnh.

Trong thông báo ngày hôm qua (16/1), Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc, đại diện là Phó thủ tướng Lưu Hạc.

Theo đó, Trung Quốc cam kết tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ thêm ít nhất 200 tỷ USD theo lộ trình hai năm và thậm chí có khả năng tiếp tục cả sau năm 2021. Đổi lại, Washington cam kết sẽ không áp thêm thuế quan lên hàng hóa của Bắc Kinh nhưng sẽ không vội dỡ bỏ hoàn toàn các mức thuế quan đã áp.

Theo nội dung đạt được vào tháng 12 năm ngoái, thuế quan theo dự kiến áp lên điện thoại di động, đồ chơi, máy tính xách tay của Trung Quốc được hủy bỏ.

Thuế suất áp lên 120 tỷ USD, bao gồm TV màn hình phẳng, tai nghe bluetooth và giày dép, được giảm một nửa về mức 7,5%. Trước đó, mức thuế này là 15%, có hiệu lực từ ngày 1/9/2019.

Tuy nhiên, mức thuế 25% áp lên 250 tỷ USD giá trị hàng xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ, bao gồm các sản phẩm công nghiệp và linh kiện, vẫn giữ nguyên cùng thuế quan trả đũa của Bắc Kinh lên 100 tỷ USD hàng từ Washington.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả