menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Sao Mai

Dịch bệnh do corona bộc lộ những điểm yếu trong quản trị của Trung Quốc

Phản ứng chậm trễ của Trung Quốc nhằm khống chế dịch bệnh viêm phổi cấp gây ra bởi chủng virus corona mới, cho thấy những điểm yếu cốt lõi trong hệ thống quản trị của một đất nước có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dân toàn cầu.

Khi tin tức về chủng virus corona (nCoV) mới gây viêm phổi cấp ở TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc được đưa tin rộng rãi với số ca nhiễm bất ngờ tăng nhanh vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, đó cũng là lúc cơn bùng phát dịch bệnh này dường như đã trở thành cuộc khủng hoảng toàn diện.

Sự xác nhận chậm trễ về mức độ nghiêm trọng của dịch virus corona dường như là mẫu hình quen thuộc ở Trung Quốc. Nó cho thấy rằng các quan chức địa phương có thể đã cố tình giảm nhẹ các dấu hiệu cảnh báo ban đầu hoặc đơn giản là thiếu sự phối hợp đầy đủ để nhận thấy quy mô rộng lớn của vấn đề.

Nhiều người nghi ngờ việc Trung Quốc che giấu dịch là nguyên nhân khiến virus corona lan nhanh nhưng các chuyên gia nhìn thấy điều đáng lo ngại hơn nhiều: những điểm yếu cốt lõi trong hệ thông thống quản trị của Trung Quốc.

Hệ thống hành chính phân cấp theo chiều dọc khiến các quan chức địa phương ngại báo cáo các tin tức xấu với các quan chức trung ương. Hệ thống này cũng tạo ra sự cô lập lớn giữa các quan chức, khiến họ khó nhận ra, chứ chưa nói đến quản lý, quy mô đầy đủ của các cuộc khủng hoảng nhen nhúm.

“Đó là lý do vì sao bạn chưa bao giờ thực sự nghe thấy các vấn đề từ cấp địa phương tại Trung Quốc. Lúc mà bạn nghe thấy, chúng đã lan đến cấp trung ương. Đó là lý do chúng trở thành vấn đề khổng lồ”, John Yasuda, Phó giáo sư ở Đại học Indiana (Mỹ), chuyên gia nghiên cứu cách tiếp cận của Trung Quốc trong các cuộc khủng hoảng y tế, nói.

Dịch bệnh do corona bộc lộ những điểm yếu trong quản trị của Trung Quốc
Các nhân viên y tế ở Bệnh viện Hội Chữ thập đỏ Vũ Hán, nơi đang điều trị nhiều ca nhiễm virus Corona. Ảnh: AFP

Cuộc khủng hoảng dịch virus corona, cũng như các cuộc khủng hoảng y tế trước đây ở Trung Quốc, bộc lộ những điểm yếu thâm căn cố đế trong hệ thống quản trí của Trung Quốc.

Những điểm yếu này chi phối mọi thứ từ tốc độ phản ứng của các quan chức trước cơn bùng phát dịch virus corona hiện nay cho đến sự bất lực trong nhiều năm của Trung Quốc nhằm giải quyết các rủi ro y tế mà giới chuyên gia từ lâu đã cảnh báo có thể dẫn đến các cơn bùng phát dịch bệnh.

Trung Quốc đang huy động nguồn lực toàn quốc để khống chế dịch virus corona và đó được xem là một trong những điểm mạnh trong hệ thống quản trị của nước này. Nhưng cơn khủng hoảng virus Corona hiện nay cho thấy các điểm yếu trong quản trị có thể gây ra hậu quả cho Trung Quốc và cho cả thế giới nếu dịch bệnh này lây lan rộng.

“Khi quan sát diễn tiến của dịch virus Corona, bạn thấy nó rất giống với những gì đã xảy ra với dịch SARS. Chúng có mẫu hình phản ứng rất giống nhau”, Phó giáo sư Yasuda nói.

Đại dịch virus SARS (gây hội chứng suy hô hấp cấp nặng khiến gần 800 người tử vong vào năm 2002 và 2003. Virus SARS lây lan nhanh và không bị kiểm soát vì các quan chức Trung Quốc cố tình giảm nhẹ các thông tin ban đầu về dịch bệnh.

Họ che dấu mức độ nghiêm trọng của dịch không phải vì họ lo bất ổn xã hội mà vì họ sợ gặp rắc rối với các quan chức ở trung ương, những người kiểm soát đường công danh sự nghiệp của họ.

Giáo sư vi trùng học Guan Yi ở Đại học Hồng Kông, người giúp nhận diện virus SARS, chỉ trích nhà chức trách Trung Quốc từng nhiều lần trì hoãn hành động, bao gồm việc ngăn cản ông điều tra về dịch SARS.

“Đây tiếp tục là một vấn đề lớn trong mối quan hệ chính quyền trung ương và địa phương ở Trung Quốc. Bạn không muốn là người báo cáo tin xấu”, Vivienne Shue, một học giả nghiên cứu về Trung Quốc ở trường Đại học Oxford (Anh), nói.

Bà cho rằng hố sâu khoảng cách thông tin giữa các lãnh đạo trung ương và các quan chức địa phương là vấn đề nan giải cốt lõi trong cách vận hành của hệ thống quản trị ở Trung Quốc.

Bà cho biết sự chia rẽ của các quan chức ở hai phía trung ương và địa phương đặc biệt là vào những thời khắc khủng hoảng, khiến họ làm nhiều điều phản tác dụng và phi lý khi họ tìm cách thao túng lẫn nhau và đổ lỗi cho nhau. Chẳng hạn, các quan chức địa phương cố ém nhẹm những thông tin cho thấy nguy cơ khủng hoảng do dịch virus corona với hy vọng sẽ giải quyết vấn đề trước khi các lãnh đạo trung ương phát hiện ra.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nỗ lực tập trung quyền lực bằng cách thành lập các tổ công tác ở Bắc Kinh để kiểm soát các vấn đề nằm ngoài thủ đô. Nhưng hệ thống quản trị như vậy bộc lộ những mẫu thuẫn. Khi ông Tập Cận Bình siết chặt quyền lực quản lý, tất cả lãnh đạo địa phương càng lo ngại việc công bố những tin xấu, khiến họ có thể bị khiển trách. Điều này dẫn đến chính quyền trung ương khó giám sát chặt chẽ những vấn đề ở địa phương.

Khi Trung Quốc ngày càng hiện đại hóa với các hệ thống hậu cần (logistics) và phân phối mở rộng, các tỉnh thành ngày càng hội nhập với nhau, do vậy, những sai lầm ở cấp địa phương có thể biến thành các cuộc khủng hoảng quốc gia ngay cả trước khi Bắc Kinh nhận ra chúng giống như cơn bùng phát dịch virus corona hiện nay.

Tuy vậy, hệ thống quản trị với quyền lực tập trung ở trung ương có những điểm mạnh, chẳng hạn năng lực huy động sức mạnh toàn quốc trong một cuộc khủng hoảng giống như cách mà Bắc Kinh đang làm hiện nay: phong tỏa nhiều thành phố lớn để kiểm soát tốc độ lây lan của virus corona.

Phó giáo sư Yasuda nói: “Một khi vấn đề đã xuất hiện rõ ràng, hệ thống quản trị của Trung Quốc điều phối các nguồn lực rất tốt. Nhưng hệ thống như vậy không giúp giải quyết hiệu quả các vấn đề mới xuất hiện. Vì vậy, hệ thống này được xây dựng để phản ứng thay vì chủ động ứng phó trước các vấn đề”.

Dịch bệnh do corona bộc lộ những điểm yếu trong quản trị của Trung Quốc

Tính đến ngày 27-1, có 81 ca tử vong vì nhiễm virus corona ở Trung Quốc. Số ca nhiễm tăng lên con số 2.827 người với 461 người đang trong tình trạng nguy cấp. 5.794 người khác đang bị nghi nhiễm, 32.799 người đang được giám sát vì có tiếp xúc gần gũi với những người nhiễm.

Bên ngoài Trung Quốc đại lục, có hơn 50 ca nhiễm ở hai đặc khu hành chính Hồng Kông, Macau và các nước gồm Mỹ, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nepal, Pháp, Úc, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan.

Bộ Tài chính Trung Quốc và Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo phân bổ 60,33 tỉ nhân dân tệ (gần 9 tỉ đô la Mỹ) cho các nỗ lực khống chế sự lây lan của virus corona.

Cùng ngày, ông Chu Tiên Vượng, Thị trưởng Vũ Hán, thông báo sẵn sàng từ chức như là hành động bày tỏ lời xin lỗi nếu điều này giúp khống chế sự lây lan của dịch bệnh.

Ông nói: “Nếu ban đầu, chúng tôi biết sự lây lan của virus nghiêm trọng như vậy, việc tìm kiếm các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát sẽ hiệu quả hơn nhưng vấn đề là chúng tôi thường không thể nhận ra mức độ nghiệm trọng ngay từ đầu”.

Theo New York Times

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả