Địa điểm hàng loạt con đò xuất phát đi cứu trợ lũ, là "vùng đất thiêng" đẹp như tranh, hút khách bậc nhất Việt Nam
Hình ảnh những con đò trên sông nối tiếp nhau, do những "siêu anh hùng" cầm lái đi cứu trợ đồng bào đang bị lũ lụt sau cơn bão Yagi đã khiến cho khung cảnh của vùng đất này càng thêm đẹp và ấm lòng.
Tối 9/9, mạng xã hội lan truyền thông tin những người lái đò ở chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) mang đò đi ứng cứu người dân vùng lũ, ngập úng tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Bài đăng chia sẻ hình ảnh bến đò với hàng trăm chiếc thuyền, kèm nội dung: "Bà con Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) huy động mọi xuồng đò để đến vùng lũ Thái Nguyên hỗ trợ ngay trong đêm" đã thu hút sự quan tâm của cả cõi mạng.
Những chiếc đò tại chùa Hương được huy động ngay trong đêm.
Đò được chất lên và di chuyển bằng xe tải.
Theo đó, ngay khi nhận được thông tin về nhu cầu thuyền vận chuyển nhu yếu phẩm tại thành phố Thái Nguyên, trong đêm 9/10, 12 chiếc thuyền tại Chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã được người dân vận chuyển lên Thái Nguyên. Đến sáng ngày 10/9, những chiếc thuyền này đã được phân phối đi nhiều khu vực ngập lụt trong thành phố Thái Nguyên để thực hiện các công tác hỗ trợ người dân. Hành động ấm lòng này đã khiến nhiều cư dân mạng cảm động.
Trước khi được xem là một trong những nơi "ấm áp" nhất Việt Nam lúc này, chùa Hương vốn là một địa điểm du lịch tâm linh vô cùng nổi tiếng. Chùa Hương hay còn được biết đến với tên gọi khác là chùa Hương Sơn, là một quần thể danh lam thắng cảnh tọa lạc ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Quần thể chùa Hương được du khách thập phương phong cho danh hiệu “Biệt chiếm nhất Nam thiên”, là một trong những danh lam thắng cảnh đẹp nhất Việt Nam. Nơi đây xưa kia được coi là biểu tượng tín ngưỡng Phật giáo của thủ đô Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung.
Khu tập kết đò tại quần thể chùa Hương.
Được xây dựng vào những năm cuối của thế kỷ 17, tuy nhiên do ảnh hưởng của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa gần như đã bị phá hủy hoàn toàn, ngôi chùa như hiện tại là một phần được phục dựng và trùng tu dưới sự hướng dẫn của cố hòa thượng Thích Thanh Chân vào năm 1988.
Sở hữu động Hương Tích - "Nam thiên đệ nhất động"
Được bao quanh bởi thung lũng suối Yến, cả quần thể chùa Hương gồm có chùa Ngoài và chùa Trong. Chùa Ngoài hay còn được gọi là chùa Trò, với tam quan được cất trên khoảng sân rộng lớn và tháp chuông được dựng ở sân thứ ba.
Nếu như chùa Ngoài được cải tạo dưới bàn tay của con người, thì chùa Trong nằm trong động Hương Tích là tác phẩm tuyệt diệu của tạo hóa với những hang động cổ kỳ vĩ đẹp lay động lòng người. Đường lên thăm động Hương Tích du khách cần phải đi qua các bậc đá cheo leo, dân gian quan niệm rằng, có khổ ải mới đến được chân phương. Vì vậy nơi đây chưa bao giờ vì sự khó khăn của địa hình mà cản trở bước chân của các tín đồ đến đây hành hương.
Động Hương Tích khi xưa còn là nơi vua chúa thường hay lui tới vãn cảnh, năm 1770 Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đã lưu lại nơi đây 5 chữ Hán “Nam thiên đệ nhất động”, từ đó danh xưng này được lưu truyền cho đến ngày hôm nay.
Là địa điểm hút hàng triệu lượt khách mỗi dịp đầu năm
Chùa Hương không chỉ đẹp bởi những kiến trúc chùa chiên mà còn nổi tiếng là một miền đất Phật thu hút hàng triệu các lượt du khách trong và ngoài nước đến hành hương, và thể hiện lòng tâm linh. Chùa Hương nằm sâu trong núi, ẩn hiện mơ màng trong mây. Ngồi trên đò, ngược dòng Yến Vỹ, mùi hương đất trời, cỏ cây bảng lảng trong sương khói, khiến du khách như lạc vào chốn bồng lai, tiên cảnh.
Núi ở chùa Hương không hùng vĩ chất ngất như nhiều dãy núi khác ở Việt Nam, nhưng lại có vẻ đẹp kỳ thú với gắn liền với đời sống hiện thực như núi ba đài rượu, núi con trăn, núi mâm xôi, núi con gà, núi voi, núi đổi chèo…
Một số lưu ý khi đến tham quan chùa Hương
- Trước tiên, bạn cần lựa chọn cho mình những trang phục lịch sử nhã nhẵn không được quá ngắn hoặc quá hở hang, tránh gây phản cảm nơi cảnh chùa.
- Nên mang giày thể thao, nón, gậy để phục vụ cho quá trình leo núi.
- Bảo quản đồ đạc mang theo mình một cách cẩn thận, tránh lúc di chuyển đông người xảy ra rơi rớt hoặc mất cắp.
- Vào chùa không được tự ý đụng chạm vào tượng hay bất cứ thứ gì thuộc về phạm vị nhà chùa mà chưa được sự cho phép của ban quản lý.
- Không ngắt hoa bẻ cành, không cười đùa gây gổ đánh nhau.
- Đặc biệt cần chú ý giữ gìn vệ sinh chung, không được xả rác bừa bãi trong quá trình di chuyển.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận