Đi tìm sự khác biệt giữa thông minh và khôn ngoan
Có nhiều ý kiến cho rằng người thông minh chính là những người khôn ngoan. Nhưng trên thực tế, liệu quan niệm trên có phải là đúng?
Và nếu không phải, thì đâu là sự khác biệt giữa người thông minh và người khôn ngoan? Cùng ELLE giải đáp qua bài viết dưới đây.
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA KHÔN NGOAN VÀ THÔNG MINH
Nếu trí thông minh thể hiện khả năng học hỏi và tiếp thu kiến thức thông qua lý thuyết thì trí tuệ lại đến từ những kinh nghiệm mà chúng ta có được nhờ sự trải nghiệm. Lấy ví dụ, nếu bạn đang tìm kiếm nhân sự cho một dự án nghiên cứu khoa học thì việc chọn người thông minh sẽ là phương án tối ưu hơn cả. Ngược lại, trong trường hợp bạn tìm kiếm nhà tư vấn tâm lý thì một người khôn ngoan sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích nhất. Không có ai quan trọng hơn ai và mỗi người đều đóng một vị trí quan trọng trong bộ máy vận hành của xã hội.
Có thể mô tả rằng người thông minh như một cuốn bách khoa toàn thư biết đi còn người khôn ngoan như một bức tranh đa sắc về cuộc sống. Tất nhiên, con người không chỉ có đen và trắng. Có những người vừa thông minh vừa khôn ngoan và cũng có một số người dù không thông minh nhưng vẫn rất khôn ngoan.
MỘT NGƯỜI CÓ THỂ VỪA THÔNG MINH VỪA KHÔN NGOAN KHÔNG
Đối với một số người có chỉ số thông minh (IQ – Intelligence quotient), họ có thể giải được những bài toán khó nhất nhưng lại không thể sắp xếp được những công việc vụn vặt hàng ngày như dọn nhà, trồng cây… Tại sao họ lại thiếu đi những kỹ năng sống cơ bản như vậy? Điều này có thể đến từ sự giáo dục của gia đình và tính cách đặc trưng của mỗi người. Có thể là vì có khả năng tiếp thu và học tập tốt nên từ bé họ đã được định hướng đi theo con đường học vấn và nghiên cứu. Do đó, họ chuyên tâm đi theo con đường học hành và thiếu đi các kỹ năng thực tế.
Ngược lại, một số người khôn ngoan dù không được học hành đầy đủ, nhưng lại có khả năng tự học và không ngừng trau dồi bản thân về mặt kiến thức lẫn kỹ năng. Do đó, họ bước vào đời với kiến thức và kinh nghiệm có được nhờ sự trải nghiệm thực tế – điều giúp họ đưa ra những quyết định sáng suốt.
Sự khôn ngoan không phải là khả năng bẩm sinh của con người. Chúng ta hoàn toàn có thể thông qua tiếp xúc, học hỏi và lĩnh hội từ mọi người xung quanh để hình thành nên phẩm chất này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người thông minh cảm thấy hài lòng với những gì mình có và họ cũng không có nhu cầu rèn luyện các kỹ năng sống trên.
MỐI QUAN HỆ GIỮA TRÍ TUỆ VÀ TRÍ THÔNG MINH
Bất kỳ sự việc gì cũng có hai mặt, thông minh và khôn ngoan có thể giúp con người đạt được sự thành công trong cuộc sống nhưng cũng có thể trở thành công cụ của những tên tội phạm nguy hiểm. Do đó, trong quá trình tôi rèn sự khôn ngoan, chúng ta phải kết hợp với việc tu dưỡng đạo đức. Theo đó, sự khôn ngoan được xây dựng dựa trên công thức là trí thông minh cộng với khả năng chiêm nghiệm, bắt chước và kinh nghiệm sống phong phú. Kinh nghiệm sống này có thể được hình thành từ những nền văn hóa, tôn giáo khác nhau – điều gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến tính cách của mỗi con người.
CÂN BẰNG CHÍNH LÀ CHÌA KHÓA
Trong một số tình huống nhất định, việc bạn thể hiện mình là người thông minh hơn đôi khi sẽ dẫn đến sự khó xử trong mối quan hệ. Chính vì vậy mà sự khôn ngoan sẽ cho bạn biết nên ứng xử như thế nào là phù hợp. Thỉnh thoảng, lùi một mà tiến ba. Bên cạnh đó, bạn cũng khó có thể nào mà thuyết phục mọi người nếu bạn không đủ khả năng và tri thức. Cho nên, sự cân bằng giữa khôn ngoan và thông minh mới chính là chìa khóa giúp bạn đạt được những gì mình muốn cũng như nắm bắt được cảm xúc và có được sự tin cậy đến từ mọi người xung quanh. Có thể nói, việc sử dụng trí thông minh của mình theo cách khôn ngoan với mục đích giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn chính là cách duy nhất để bạn trở thành người thông minh và khôn ngoan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận