Đi sau Thái Lan, 'hành động mới' để Việt Nam vượt đối thủ
Mở cửa từ 15/3, du lịch Việt Nam vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ ngay từ các nước trong khu vực. Cũng giàu tiềm năng, thị trường nào có sản phẩm và cung cách phục vụ khác biệt sẽ thắng.
Lợi thế của người đi sau
Câu chuyện Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ tại Diễn đàn Du lịch Quốc gia “Phục hồi Du lịch Việt Nam - Định hướng mới, Hành động mới” ngày 4/1 cho thấy, cạnh tranh về du lịch ngày càng gay gắt ngay trong khu vực Đông Nam Á, đòi hỏi các nước ngoài chính sách linh hoạt, thông thoáng cần có cách đi riêng để thu hút khách quốc tế.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, sau 2 năm, tất cả các quốc gia trên thế giới, kể cả các nước du lịch phát triển mạnh, đều về vạch xuất phát. Quốc gia nào tận dụng được lợi thế, có sự chuẩn bị tốt và xuất phát tốt sẽ thành công.
Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác, đều có rất nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch. Đây cũng là khu vực mà một số các nước có động thái mở cửa du lịch đầu tiên. Trong đó, Thái Lan luôn luôn đi tiên phong. Họ có những chính sách rất nhanh chóng, rất kịp thời, rất hiệu quả.
Việt Nam mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới từ 15/3 |
Ví dụ, Thái Lan chính thức mở cửa đón khách quốc tế từ 1/7/2021, trước Việt Nam 4 tháng và đặt ra yêu cầu khách phải mua bảo hiểm với mức chi trả tối thiếu 100.000 USD. Đến cuối tháng 11/2021, nước ta mới thí điểm đón khách giai đoạn 1. Khi đó, chúng ta yêu cầu mức bảo hiểm là 50.000 USD, ngay lập tức ngày hôm sau Thái Lan cũng hạ xuống còn 50.000 USD. Việt Nam vừa công bố giai đoạn 2 thí điểm đón khách quốc tế, mức bảo hiểm giảm còn 20.000 USD, thì Thái Lan cũng tiếp tục giảm tương tự.
Riêng với Thái Lan, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho hay, trước khi có dịch (năm 2019) đón được 40 triệu khách quốc tế. Ngành du lịch đóng góp trên 20% vào GDP nên quốc gia này tìm mọi cách mở lại kinh tế, mà du lịch là trọng tâm.“Thậm chí, hôm nay (1/4), họ công bố đón khách quốc tế mà không cần phải test, đây là một trong những bước đi quyết liệt, cạnh tranh rất mạnh mẽ với các điểm đến du lịch khác. Đây có thể coi là đối thủ chính của du lịch Việt Nam” ông nhận xét.
Việt Nam tuy đi sau, công nghệ khai thác từ khách du lịch thua kém vì xuất phát điểm chậm hơn, nhưng chúng ta có lợi thế của những người đi sau.
Ông Khánh phân tích, trong du lịch có phân tích độ bão hòa của điểm đến. Thái Lan vốn là điểm đến rất thân thuộc và nổi tiếng trong khu vực cũng như trên thế giới, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng khách gần đây có chững lại. Tức là, họ bắt đầu có dấu hiệu bão hòa. Trong khi đó, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến mới có nhiều tiềm năng, sản phẩm mới, có cung cách phục vụ mới. Chúng ta cần phải khai thác tối đa lợi thế này.
Hơn nữa, với những nỗ lực hiện nay, cộng với sự chuẩn bị tốt sau 2 năm đóng cửa và lợi thế điểm đến mới, được các tổ chức du lịch thế giới vinh danh nên ông Khánh kỳ vọng du lịch Việt Nam sẽ bứt phá trong thời gian tới.
"Hành động mới” để du lịch hồi phục
Đó là kỳ vọng của vị tư lệnh ngành, trên thực tế, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm theo đúng chủ đề của diễn đàn là “hành động mới” để hoạt động du lịch hồi phục.
Khách Nga tạm dừng đến Việt Nam do ảnh hưởng chiến sự |
Đầu tiên là vấn đề visa. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhận xét, chính sách cấp thị thực nhập cảnh hiện nay làm giảm tính cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam so với các nước ASEAN. Chẳng hạn, Việt Nam chỉ áp dụng miễn thị thực cho khách du lịch trong thời gian ngắn, bằng 15-50% so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philipines, Indonesia... Chi phí cấp thị thực du lịch tại cửa khẩu của Việt Nam cao gần gấp đôi so với Campuchia, Lào hay Indonesia.
Trong khi, theo ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop on - Hop off, vấn đề này đặt ra đầu tiên trước khi nghĩ đến xúc tiến, quảng bá. Ông Luân ví von, chuyện mở visa giống như "nhà bạn có đẹp đến mấy, sang trọng đến mấy mà cửa đóng thì ai vào được".
Thứ hai nữa là sản phẩm du lịch. Giám đốc Flamingo HanoiRedtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, không thể duy trì quan điểm về thị trường như trước nữa. Về ngắn hạn, cần xác định có sản phẩm gì bán được là bán, thị trường nào bán được là bán ngay, ví như du lịch nghỉ dưỡng, cho nhóm gia đình, thị trường gần,... - đối tượng có thể đi du lịch ngay lập tức. Tới đây, cần tập trung vào dòng khách MICE.
"Quan điểm thị trường nào vào được Việt Nam trước thì tiếp đón phục vụ trước, không phân biệt chi trả cao hay chi trả thấp. Việc thu hút khách hiện nay phụ thuộc chính vào đường bay (có mở hay không, tần suất bay càng nhiều cơ hội càng lớn) và chính sách xuất nhập cảnh, y tế của nước bạn”, ông Hoan nói.
Ngoài ra, theo ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, cần chuẩn bị sẵn sàng sản phẩm du lịch. Hiện rất nhiều cơ sở du lịch, khách sạn còn đóng cửa, hoặc cần chỉnh trang; lao động tạm thời nghỉ việc chưa sẵn sàng. Ngoài ra là dữ liệu về thị trường nguồn, đối tượng khách hướng đến. Khi đã làm tốt sản phẩm và thị trường, đồng thời với việc tuyên bố mở cửa, việc mời ngay các đoàn famtrip, fresstrip các nước đến Việt Nam sẽ giúp chuyển tải, lan tỏa thông tin ra thế giới.
Ngọc Hà
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận