ĐHĐCĐ TVN: Kế hoạch kinh doanh 2021 “đi lùi” do ảnh hưởng từ công tác tái cơ cấu
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 được tổ chức vào sáng ngày 28/06, Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (UPCoM: TVN) đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2021 cũng như báo cáo tiến độ tái cấu trúc của Công ty trong năm vừa qua.
Kế hoạch kinh doanh 2021 “cẩn trọng”
Đối với năm 2021, TVN đặt mục tiêu kinh doanh giảm so với kết quả năm trước do lo ngại ảnh hưởng tiêu cực từ các khoản đầu tư tại Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM), CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và Mỏ sắt Thạch Khê. Cụ thể, tổng doanh thu và lãi trước thuế hợp nhất 2021 của TVN được kỳ vọng đạt lần lượt 30,500 tỷ đồng và 400 tỷ đồng, giảm gần 5% và 41%.
Trong công tác quyết toán cổ phần hóa, TVN cho biết Công ty sẽ phải thực hiện phân bổ giá trị lợi thế vị trí địa lý vào kết quả sản xuất kinh doanh trong 3 năm và nộp bổ sung “số phải nộp về cổ phần hóa” cùng phần lãi chậm nộp, do đó kết quả kinh doanh của Công ty năm 2021 sẽ bị giảm một phần tương ứng.
Kết quả kinh doanh giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch năm 2021 của TVN. Đvt: Tỷ đồng
Đối với kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2021, doanh thu hợp nhất và lãi ròng của TVN ghi nhận 9,445 tỷ đồng và 335 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và gấp 22 lần so với cùng kỳ. So với kế hoạch được thông qua tại Đại hội, TVN đã thực hiện được gần 6% đối với chỉ tiêu doanh thu và hơn 23% đối với chỉ tiêu lợi nhuận sau quý đầu năm.
Kế hoạch giai đoạn 2021-2026 phụ thuộc vào tiến độ tái cơ cấu
Giai đoạn 2021-2026, TVN đề ra 2 kế hoạch kinh doanh dựa trên tiến độ tái cơ cấu của Công ty. Trong trường hợp giữ nguyên các khoản đầu tư tại các công ty con như hiện tại, TVN đặt mục tiêu tổng doanh thu và lãi trước thuế hợp nhất đạt 170,500 tỷ đồng và 1,950 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và giảm 47% so với giai đoạn 2016-2020.
Còn trường hợp nếu TVN thoái vốn thành công ở một số đơn vị, chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2026 sẽ chuyển thành 142,900 tỷ đồng doanh thu và 1,800 tỷ đồng lãi trước thuế, chỉ tiêu doanh thu đi ngang trong khi chỉ tiêu lợi nhuận giảm hơn 51% so với giai đoạn trước.
Liên quan đến công tác tái cơ cấu, thoái vốn năm 2020, ông Nguyễn Đức Phúc - Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT TVN cho biết Công ty đã thoái vốn thành công khỏi 9 đơn vị gồm CTCP Trúc Thôn, CTCP Thép Đà Nẵng, CTCP Đầu tư Xây dựng miền Nam, CTCP Tân Thuận, CTCP Tân Thành Mỹ, CTCP Cơ điện luyện kim Thái Nguyên; cùng các công ty TNHH như Ống thép Nippon Steel & Sumikin Việt Nam, Tây Đô, và Ống thép Việt Nam.
Tuy nhiên, trong 9 đơn vị kể trên, TVN vẫn chưa thoái vốn hoàn toàn khỏi 5 đơn vị gồm CTCP Trúc Thôn, CTCP Thép Đà Nẵng, CTCP Tân Thành Mỹ và 2 công ty TNHH Ống thép Việt Nam và Ống thép Nippon Steel. Đại diện TVN cho biết, những công ty này đã được TVN chào bán cho cả thành viên hiện hữu và nhà đầu tư bên ngoài nhưng đều không thành công do điều kiện chào bán không thuận lợi.
Riêng Tisco và VTM, đây là 2 đơn vị trực thuộc TVN nằm trong danh mục 12 dự án doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương. Tại Đại hội, ông Lê Song Lai – Chủ tịch HĐQT TVN cho biết Công ty đã trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đề án tái cơ cấu và phương án xử lý 2 đơn vị này, ban lãnh đạo Công ty sẽ cập nhật thông tin cho cổ đông sau khi được phản hồi.
Bên cạnh thoái vốn tại các đơn vị kinh doanh kém hiệu quả, TVN đã góp thêm vốn để bảo toàn tỷ lệ sở hữu 28% tại Công ty TNHH Cơ khí Việt Nhật cũng như hoàn tất công tác thanh lý giải thể Công ty TNHH thép Việt Hàn.
Trong giai đoạn 2021-2026, TVN hướng đến phát triển các sản phẩm thép dài thông qua Công ty Thép Miền Nam. TVN dự kiến đầu tư khoảng 7,000-10,000 tỷ đồng để xây dựng nhà máy mới với kỳ vọng có thể nâng công suất luyện thép lên 1 triệu-1.5 triệu tấn/năm. Đối với các sản phẩm thép dẹt, TVN lấy Tôn Phương Nam làm trọng tâm với mục tiêu mở rộng nâng công suất lên trên 1 triệu tấn/năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận