Dệt may lo mất đơn hàng, vắc xin là thứ quan trọng nhất lúc này
Doanh nghiệp dệt may lo mất đơn hàng trong bối cảnh Covid-19 đe dọa thường trực trong quá trình sản xuất...
Khó thực hiện 3 tại chỗ
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may ở phía Nam đã tổ chức làm việc 3 tại chỗ nhưng gặp nhiều trở ngại dẫn đến việc duy trì sản xuất theo phương án này sẽ không được lâu dài.
Nguyên nhân do lực lượng lao động đăng ký ở lại nhà máy tham gia sản xuất 3 tại chỗ không đồng đều, có nơi chỉ tổ chức được 10-20% trên tổng số lao động của nhà máy, năng suất lao động giảm.
Hơn nữa, các nhà máy may của doanh nghiệp đóng trú tại các địa phương khác nhau với quy định của mỗi nơi có điểm khác biệt, nhiều cán bộ đang công tác tại các địa phương mắc kẹt không về được.
Đặc biệt là các nhà máy trong địa bàn TP HCM hầu như ngưng trệ từ ngày 26/7 quy định người dân không được ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau.
Trong khi việc tổ chức theo phương thức này làm gia tăng nhiều chi phí như xét nghiệm sàng lọc Covid-19, chi phí cho 3-4 bữa ăn/ngày, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho người lao động ở lại, chi bồi dưỡng thêm cho người lao động… Đây chỉ được coi là giải pháp trước mắt trong ngắn hạn từ 3-4 tuần để có thể hoàn thành nốt các đơn hàng đã ký kết với khách hàng giảm thiểu thiệt hại.
Hầu hết các doanh nghiệp đang gặp phải tình trạng khó khăn chưa từng có và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp đang hết sức lo ngại nếu xuất hiện ca F0 trong nhà máy làm gián đoạn sản xuất, có thể phá hỏng toàn bộ những cố gắng mà doanh nghiệp đang thực hiện.
Do đó, rủi ro nguy cơ khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác là hiện hữu và khi hết thời gian phong tỏa các nhà máy có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt đơn hàng…
Ngoài những vấn đề trên, hiện nay doanh nghiệp còn khó khăn ở khâu vận chuyển nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất kho do quy định chặt chẽ của các địa phương trong việc lưu thông, quy định phải có chứng nhận xét nghiệm PCR mới được thông hành…
Với mục tiêu hàng đầu là giữ được khách hàng, đảm bảo chuỗi cung ứng và việc làm cho người lao động; ngoài giải pháp liên kết chia sẻ thị trường hỗ trợ cùng nhau vượt qua khó khăn thì tất cả các doanh nghiệp đều có chung một kiến nghị là làm sao để người lao động được tiêm đủ vắc xin ngừa Covid-19 trong thời gian sớm nhất.
"Đây chính là giải pháp căn cơ và lâu dài giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển", đại diện các doanh nghiệp dệt may nhấn mạnh.
Vắc xin là giải pháp căn cơ, lâu dài
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết, chuỗi cung ứng dệt may đang đối mặt với nguy cơ đứt gãy do thiếu sự điều hành thống nhất của các địa phương trong sản xuất và lưu thông hàng hóa, nguyên liệu.
Về sản xuất, quy mô của doanh nghiệp may rất lớn nên khó đáp ứng được yêu cầu sản xuất 3 tại chỗ. Rất ít doanh nghiệp có đủ khả năng lo chỗ ăn, ở, ngủ cho cả nghìn người lao động nên chỉ có thể vận hành “ba sản xuất” cho các bộ phận cần thiết để không mất đơn hàng cho mùa vụ tới.
Việc thực hiện "1 cung đường - 2 điểm đến" cũng gặp nhiều khó khăn vì 19 tỉnh phía Nam đang thực hiện cấp độ phòng, chống dịch cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi điểm đến đều phải đi qua các trạm kiểm soát dịch Covid-19 trong khi không có hướng dẫn rõ ràng, thống nhất của các địa phương về yêu cầu đối với người lao động qua chốt.
Do đó, từ tốc độ phục hồi mạnh mẽ trong quý II với lượng đơn hàng đã ký đến hết năm và quý I/2022, doanh nghiệp dệt may lâm vào tình cảnh không thể sản xuất được. Toàn ngành dệt may hiện chỉ vận hành được 10 đến 15% công suất.
Theo ông Giang, may mặc là mặt hàng thời trang, không ai muốn nhận sản phẩm khi thời vụ đã qua nên nhiều doanh nghiệp bị đối tác thúc ép giao hàng bằng máy bay, phát sinh chi phí rất lớn.
Doanh nghiệp phía Nam phải xoay sở gửi đơn hàng cho doanh nghiệp phía Bắc sản xuất hộ nhưng lại không vận chuyển được nguyên, phụ liệu và cán bộ kỹ thuật ra Bắc cũng khó khăn vì khó “thông chốt” qua nhiều địa phương.
Hơn nữa, chi phí vận tải tăng rất cao, tăng khoảng 4 lần kể từ khi các địa phương nâng cấp độ phòng chống dịch. Đã có những doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đóng cửa và cũng đã có những đơn hàng dịch chuyển sang nước thứ ba.
“Với giả thiết tình hình dịch bệnh được kiểm soát ngay từ tháng 8 để khôi phục sản xuất, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm cũng chỉ đạt khoảng 32-33 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 39 tỷ USD đặt ra. Hầu như không doanh nghiệp dệt may nào dám nghĩ đến khả năng sản xuất kinh doanh hiệu quả trong năm 2021 này", ông Giang nói.
Không chỉ dừng ở sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu, mối lo lắng của doanh nghiệp dệt may là, nhận thấy khả năng sản xuất không ổn định ở Việt Nam, đối tác sẽ dịch chuyển đơn hàng, ảnh hưởng đến sản xuất trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đối mặt với thách thức lớn khi người lao động ở các địa phương đang ồ ạt rời khỏi các trung tâm sản xuất lớn ở phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Trung Nam Bộ để tránh dịch.
Chủ tịch Vitas nhận định trường hợp nếu người lao động quay lại thì dự kiến số lao động chỉ đạt được 60-65%, nên nguy cơ thiếu nguồn lực, rất thách thức cho tháng 8/2021 và quý III năm nay.
Vì vậy, để giữ chân lao động, đại diện Vitas đề xuất Chính phủ đánh giá thực trạng của các khu công nghiệp, trong đó có khu công nghiệp dệt may ở các địa phương để có chính sách ưu tiên tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.
Theo đại diện Vitas, hiện 62% kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may nằm ở các nhà máy thuộc khu vực phía Nam. Nhưng hiện nay chỉ có TP HCM triển khai tiêm vắc xin cho công nhân của doanh nghiệp dệt may trong các khu công nghiệp; trong khi đó 18 tỉnh, thành phía Nam khác thì tỷ lệ tiêm vắc xin cho công nhân ngành may rất thấp.
“Chính phủ sớm đưa ra giải pháp tiêm vắc xin cho người lao động trong các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, gỗ vì những ngành này đóng góp tỷ trọng lớn vào xuất khẩu”, ông Giang kiến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận