Dệt may có đơn hàng trở lại, công nhân quay lại nhà máy
Một số doanh nghiệp sản xuất ở ngành dệt may, da giày đã có đơn hàng trở lại, đủ cho khâu vận hành sản xuất từ nay đến cuối năm. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng đang tuyển công nhân hoặc gọi công nhân quay lại làm việc.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) tại Hội nghị “Đánh giá công tác thực thi quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)” do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 17-10 tại TPHCM cho biết, sau khi suy giảm mạnh vào quí 2 thì từ quí 3, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành đã phục hồi. Và một số doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất đến hết năm.
“Sang năm thì còn phải chờ tình hình”, bà Xuân nói với TBKTSG Online bên lề hội nghị và nhấn mạnh, các đơn hàng trở lại mới chỉ là tín hiệu, không phải ồ ạt ập đến và đầy ắp. Và tất nhiên, các đơn hàng sẽ về từ từ và “đi từ cao xuống thấp”, tức từ các doanh nghiệp lớn xuống nhỏ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có đơn hàng bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lẫn doanh nghiệp Việt Nam.
Nhờ có đơn hàng nên một số nhà máy FDI tuyển dụng trở lại, gọi công nhân cũ quay lại làm việc.
Việc các đơn hàng da giày quay trở lại, theo bà Xuân, nhờ Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát dịch Covid rất tốt cũng như có kế hoạch tốt để duy trì tình trạng này. Các nhãn hàng trong bối cảnh đang tái cơ cấu, giảm các đơn hàng ở Trung Quốc thì Việt Nam với tình hình kiểm soát dịch bệnh và có lợi thế đang thực thi EVFTA đã được ưu tiên.
Tuy nhiên, các đơn hàng đang nhỏ hơn nhưng yêu cầu giao hàng nhanh hơn, chỉ 60 ngày, thay vì 90 ngày như trước.
Bà Phan Thị Thanh Xuân chia sẻ, theo kết quả cuộc khảo sát mà LEFASO tiến hành với 457 nhà cung ứng (nhà máy sản xuất tại Việt Nam) và 27 nhãn hàng thực hiện từ tháng 4 đến tháng 7-2020 thì 48% nhãn hàng tăng mua hàng ở Việt Nam trong thời gian tới, 50% còn đang lưỡng lự vì chi phí tăng. Các nhãn hàng đang giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc và chiến lược là sẽ phân chia 1/2 đơn hàng ở Trung Quốc, phần còn lại sẽ ở các nước ngoài Trung Quốc. Và họ chấp nhận giá mua hàng ở các thị trường ngoài Trung Quốc có thể tăng 8-15% so với giá sản phẩm khi đặt hàng sản xuất tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Trong khi đó, ở ngành dệt may, tại Diễn đàn Kinh doanh 2020 do Tạp chí Forbes tổ chức hôm 15-10, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, trong quí 3, các đơn hàng bắt đầu có trở lại sau quí 2 giảm sâu.
Các mặt hàng đang được đặt nhiều là đồ thun, đồ mặc nhà. Riêng các mặt hàng quan trọng của ngành Dệt may như veston, sơ mi cao cấp… thì vẫn chưa quay lại, vẫn giảm tới 80% so với mọi năm.
Qua 9 tháng, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành đạt 27 tỉ đô la Mỹ, giảm 11% cùng kỳ.
Tuy nhiên, ông Giang cho biết, quí 4, các đơn hàng sẽ bứt phá và dự kiến các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu cả năm 2020 được 34-35 tỉ đô la Mỹ. Khi đó, mức giảm so với năm 2019 chỉ là 6%.
“Chúng tôi đánh giá ngành sẽ còn khó hết 2021. Phải đến quí 3-2022 mới trở lại tương đối bình thường”, ông Giang nhận định.
Trao đổi với TBKTSG Online mới đây, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký kiêm trưởng văn phòng đại diện của VITAS tại TPHCM cho biết, bà mới đi thăm hai nhà máy tại miền Trung sản xuất đồ mặc nhà và thấy tình tình rất “ấm”. Các doanh nghiệp ở khu vực này cũng đang có lợi thế về chi phí nhờ lương công nhân thấp hơn nhiều nơi khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận