“Đèn xanh” hay “đèn đỏ” đối với hoạt động P2P
Hiện nay, có khoảng 40 công ty Fintech hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) nhưng chưa có khuôn khổ pháp lý cụ thể nào cho hoạt động này.
Rủi ro tiềm ẩn của hoạt động P2P
P2P Lending là hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng (TCTD). Sự phát triển nhanh chóng của mô hình P2P Lending trên thế giới trong khoảng một thập niên trở lại đây đã tạo ra một kênh cung ứng vốn mới trên thị trường và góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển. Tuy nhiên, mô hình này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên tham gia, có thể gây ra mất ổn định kinh tế xã hội do các bên có liên quan không trả được nợ; để lại những hệ lụy kéo dài, hết sức nặng nề mà nhiều nước trên thế giới đã phải trả giá thời gian qua.
TS Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính - Đại học Kinh tế Quốc dân và ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước điều phối tại Tọa đàm Khoa học " Cho vay ngang hàng: Lợi ích, rủi ro và quản lý"
Theo TS Cấn văn Lực, hoạt động P2P bắt đầu triển khai ở Việt Nam vào năm 2016 và đang phát triển một cách nhanh chóng, mỗi ngày có hàng nghìn đơn xin vay nhưng chưa có các quy định về giám sát, kiểm soát chặt chẽ như đối với các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư không được bảo vệ trước những rủi ro mà công ty Fintech gặp phải như rủi ro tín dụng, rủi ro công nghệ (sập sàn, mất dữ liệu,…), rủi ro đạo đức (công ty fintech thiếu minh bạch, lừa đảo, trốn nợ, đòi nợ kiểu xã hội đen,…), đặc biệt, công ty P2P có thể phá sản thì nhà đầu tư sẽ được bảo vệ như thế nào?
Thực tế hoạt động của mô hình này cho thấy vẫn còn tồn tại như việc quảng cáo không minh bạch về mức lợi nhuận, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác về các rủi ro mà các bên tham gia có thể gặp phải, đưa ra mức lãi suất cao phi thực tế để lôi kéo người cho vay tham gia. Nếu xảy ra tranh chấp do việc không đòi được các khoản đã cho vay, người cho vay có thể mất tiền, khó truy đòi trách nhiệm từ các công ty cung ứng nền tảng P2P Lending.
Ông Lê Tuấn Anh – Trưởng phòng nghiên cứu Phát triển, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết thêm trong khoảng 40 công ty Fintech về P2P Lending hoạt động tại Việt Nam như Tima, Trustcircle, We Cash, Interloan, Lendbiz,…(có khoảng 10 công ty đến từ Trung Quốc, một số đến từ Indonesia, Malaysia, Singapore,…). Hoạt động này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có thể có những mô hình biến tướng, không minh bạch, mất an toàn theo kiểu tín dụng đen. Mặc dù có hệ thống chấm điểm riêng những vẫn chưa tiếp cận được với nguồn thông tin từ CIC để đánh giá khách hàng vay, hiện vẫn chưa có cơ chế giám sát người vay.
Không những thế, thông tin cá nhân của các bên tham gia có thể bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật; hệ thống lưu trữ thông tin của Công ty P2P Lending có thể bị chiếm quyền kiểm soát hoặc bị đánh sập bởi hackers dẫn đến toàn bộ thông tin giao dịch của các bên bị mất hoặc xóa; một số đối tượng ẩn danh và núp bóng giao dịch trên các nền tảng P2P Lending để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố; hoặc biến tướng để huy động tài chính đa cấp khiến người cho vay, người đi vay trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn bất hợp pháp; hoặc nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen "núp bóng" các nền tảng P2P Lending để cho vay với mức lãi suất rất cao, vượt xa mức trần lãi suất 20%/năm của khoản tiền vay được qui định tại Điều 468 Bộ Luật Dân sự năm 2015.
Theo PGS-TS Trần Đăng Khâm – Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài Chính, Đại học Kinh tế Quốc, muốn phát triển Fintech phải dựa trên nền tảng công nghệ cao, tài chính và dân trí phải rất cao những điều này Việt Nam chưa hẳn đã có, thế mà Việt Nam có tới 40 công ty Fintech, tôi cho rằng trong số đó phần lớn là các công ty đến từ Trung Quốc. Chúng ta phải hết sức cẩn thận có không sẽ tạo ra yếu tố bất ổn cho nền kinh tế. Khi tôi đi xác minh lý lịch cho học sinh thì thấy P2P Lending đang tiếp cận không phải những người có dân trí cao, hiểu về công nghệ mà len lỏi đến các địa phương và những người dân chưa hiểu nhiều về P2P Lending nhưng rất mong mỏi đồng tiền của mình sinh lời. Vậy chúng ta phải quản lý như thế nào để hình thức này không phát triển theo hình thức đa cấp.
Hiện nay hoạt động P2P Lending vẫn được coi là các giao dịch dân sự và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật NHNN và Luật Các TCTD, rất khó có những chế tài và kiểm soát được rủi ro.
Theo TS Lương Thế Bảo - Tổ trưởng Bộ Môn Tín dụng quốc tế - ĐH Kinh tế quốc dân, nếu để ra được quy định, hành lang pháp lý thì phải mất 12 tháng đến 18 tháng, trong thời gian này đã có thể xảy ra những rủi ro cho người dân và nền kinh tế, vậy Chính Phủ và NHNN cần đưa ra những biện pháp cụ thể đến kiểm soát và hạn chế tối đa những rủi ro mà P2P Lending đem lại.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, dựa trên kinh nghiệm của các nước trên thế giới như Tây Ban Nha đưa ra 4 mục chính đối với công ty P2P: Tiêu chuẩn giấy phép và hoạt động (phải có vốn tối thiểu, có kế hoạch giải quyết vụ việc khi công ty P2P phá sản); quy định nguyên tắc KYC (về nhà đầu tư), yêu cầu công bố thông tin; giới hạn vốn tối thiếu đối với nhà đầu tư cá nhân. Một số nước khác như Malaysia và Indonesia giao cho một cơ quan quản lý, quy định trần lãi suất, hạn mức, yêu cầu ký quỹ và có tài khoản định danh tại ngân hàng trong thời gian hoạt động,…
Để có thể kiểm soát được những rủi roc ho vay ngang hàng cần sớm có hành lang pháp lý để chi phối, quản lý hoạt động cho vay ngang hàng, cần qui định tiêu chuẩn cấp phép và hoạt động, quy định và kiểm tra, giám sát hoạt động, đưa ra các biện pháp quản lý và bảo vệ nhà đầu tư; Sớm xác định cơ quan đầu mối có trách nhiệm cấp giấy phép và quản lý hoạt động cho vay P2P và trách nhiệm của các bên liên quan, xây dựng các biện pháp quản lý rủi ro lan truyền thị trường, ban hành và thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, đẩy mạnh giáo dục tài chính, nâng cấp hạ tầng CNTT,…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận