Đến năm 2030, cần khoảng 135 tỷ USD đầu tư cho nguồn và lưới điện
Mới đây, Bộ Công Thương vừa có tờ trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Trong đó, kế hoạch đã xác định vốn đầu tư nguồn và lưới điện truyền tải dự kiến trong giai đoạn 2021-2030, theo báo Công Thương.
Về phân kỳ vốn đầu tư, dự thảo cho biết giai đoạn 2021-2025 cần 57,1 tỷ USD, trong đó phát triển nguồn điện là 48,1 tỷ USD và lưới truyền tải là 9 tỷ USD.
Vốn đầu tư giai đoạn 2026-2030 là 77,6 tỷ USD, trong đó nguồn điện 71,7 tỷ USD và lưới truyền tải là 5,9 tỷ USD.
Các đề án/dự án ưu tiên về hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường năng lực của ngành điện sử dụng nguồn vốn đầu tư công . Ước tính nhu cầu vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng.
Ngoài ra, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã xác định chi tiết việc phát triển đối với các dự án nguồn điện phù hợp cơ cấu nguồn điện đến năm 2030.
Kế hoạch cũng xác định công suất các nguồn điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời mái nhà, điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, thủy điện nhỏ đến cấp tỉnh, vùng phù hợp với cơ cấu nguồn điện đến năm 2030.
Công suất các nguồn điện linh hoạt, điện nhập khẩu, điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được xác định phù hợp với cơ cấu nguồn điện đến năm 2030.
Đối với nguồn điện linh hoạt dự kiến phát triển 300 MW ưu tiên phát triển tại các khu vực có khả năng thiếu hụt công suất dự phòng; tận dụng hạ tầng lưới điện sẵn có.
Đối với nhập khẩu điện, giai đoạn tới năm 2030, dự kiến nhập khẩu khoảng 5.000 MW từ Lào, có thể tăng lên 8.000 MW khi có điều kiện thuận lợi với giá điện hợp lý để tận dụng tiềm năng nguồn điện xuất khẩu của Lào.
Đối với nguồn điện từ năng lượng tái tạo, những vị trí có tiềm năng xuất khẩu điện ra nước ngoài là khu vực miền Trung và miền Nam với quy mô xuất khẩu từ 5.000 MW đến 10.000 MW năm 2030 khi có các dự án khả thi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận