Đến lượt Quảng Bình xuất hiện “dự án ma”
Lợi dụng cơn sốt đất diễn ra tại khu vực dọc ven biển huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, một số cá nhân, tổ chức đã thu mua đất riêng lẻ trong dân sau đó tự ý vẽ ra các dự án bất động sản và chuyển nhượng trái phép.
Huy động vốn trái phép
Thời gian gần đây, trên các trang diễn đàn nhà đất Quảng Bình, cũng như mạng xã hội facebook xuất hiện thông tin một số cá nhân tiến hành quảng cáo và rao bán Dự án Sandasea Farmstay tại khu vực xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Lần theo số điện thoạt hotline được giới thiệu trên trang website quảng cáo về Dự án Sandasea Farmstay, trong vai khách hàng, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã liên hệ và nhận được thông tin phản hồi từ một nhân viên tư vấn bán hàng tên Tr. Qua thông tin tư vấn, Tr. cho biết mình là nhân viên của Công ty cổ phần BRE có trụ sở tại TP. HCM, hiện là chủ đầu tư Dự án Sandasea Farmstay.
Tr. cho biết, dự án có diện tích 37,5 ha, sở hữu vị trí đối diện tổ hợp Dự án FLC Quảng Bình và liền kề khu dân cư hiện hữu. Dự án được chia thành các lô khác nhau với diện tích từ 500 - 1.000 m2 mỗi lô, giá bán trung bình từ 1 triệu đồng/m2 trở lên.
Tuy vậy, Tr. nói thêm, thời điểm này, các lô đất Dự án Sandasea Farmstay vẫn là đất nông nghiệp, nên giá bán vẫn còn rất rẻ so với tiềm năng. Trong thời gian tới, khi dự án hoàn thiện xong hạ tầng, xuất hiện dân cư hiện hữu, cũng như Dự án Tổ hợp FLC đi vào hoạt động, thì giá bán sẽ tăng cao hơn rất nhiều, do đó rất phù hợp với nhu cầu để ở hoặc đầu tư.
“Anh xem xét mua sớm chứ trong vòng 7 - 8 tháng nữa, giá đất Quảng Bình sẽ tăng lên rất nhiều và công ty bọn em sẽ không bán giá này đâu”, Tr. thúc giục khách chốt sớm.
Cũng theo Tr., nếu đồng ý mua thì khách hàng sẽ tiến hành đặt cọc với số tiền 30 triệu đồng/lô, sau đó chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của công ty theo từng đợt trong thời hạn 6 tháng. Trong đó, giai đoạn sau khi đặt cọc 3 -5 ngày, khách hàng sẽ đóng số tiền tương ứng 50% giá trị lô đất và tiếp tục đóng số tiền còn lại theo từng đợt khác nhau cho đến hết kỳ hạn 6 tháng.
Nếu cá nhân, tổ chức muốn phân lô bán nền thì phải lập dự án đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền duyệt và được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Khi phóng viên thắc mắc về khả năng chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở, Tr cho biết, khu đất của dự án này được công ty mua lại với số lượng lớn và là đất sạch, được chính quyền địa phương xác nhận phù hợp quy hoạch phát triển trong tương lai, nên hoàn toàn đủ điều kiện chuyển nhượng sang đất ở.
Cách đó không xa, tại xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), Công ty TNHH Xây dựng và Bất động sản Quảng Minh Thành (có trụ sở tại Đà Nẵng) cũng đang tiến hành huy động vốn cho dự án có tên “Khu đô thị sinh thái ven biển Hải Ninh- Quảng Bình”.
Theo thỏa thuận đặt chỗ, khách hàng sẽ giữ chỗ mỗi sản phẩm dự án nói trên với số tiền 100 triệu đồng cho đến thời điểm khi Công ty Quảng Minh Thành chính thức thông báo về thông tin sản phẩm được mở bán (bao gồm diện tích, đơn giá, phương thức thanh toán, quy trình giao dịch). Trường hợp đồng ý giao dịch, khách hàng sẽ tiến hành ký “Thỏa thuận góp vốn” (thay vì hợp đồng mua bán theo quy định).
Dự án không có thật
Trước thông tin xuất hiện một số dự án bất động sản “lạ” trên địa bàn huyện Quảng Ninh, đại diện Sở Kế hoạch vầ Đầu tư tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay tại khu vực xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh chỉ có một dự án được cấp quyết định đầu tư là Dự án nhà ở thương mại Khu đô thị Dinh Mười III (quy mô hơn 9,3 ha) do Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Ngoài ra, không có dự án nào mang tên Sandasea Farmstay, cũng như Dự án Khu đô thị sinh thái ven biển Hải Ninh - Quảng Bình tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Võ Văn Tuần, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Quảng Bình) cho biết, hiện nay, việc người dân tự mua đất và tách thửa theo quy định vẫn được phép nếu phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, nếu muốn phân lô bán nền thì cá nhân, tổ chức phải lập dự án đầu tư và phải được cơ quan có thẩm quyền duyệt và được chấp thuận chủ trương đầu tư.
“Không có trường hợp ngoại lệ. Cái này (những dự án nêu trên - PV) có thể là lừa gạt thông tin hoặc dự án ma. Sở sẽ rà soát và kiểm tra thông tin để có biện pháp xử lý”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, hiện nay, với các vi phạm của cá nhân, tổ chức về việc huy động vốn trái phép, hoặc lập dự án trái phép thì pháp luật đều có các chế tài xử lý vi phạm. Trong đó, bao gồm cả chế tài xử lý hình sự và dân sự.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, luật sư Nguyễn Văn Quân, Văn phòng Luật Hoàng Long cho biết, Điều 41, Nghị định 43/2013/NĐ-CP quy định về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong đự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp với cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền có đưa ra một số điều kiện bắt buộc như: Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải…
“Chiếu theo các quy định liên quan, cả 2 dự án nói trên hoàn toàn không đủ cơ sở cho việc mua bán chuyển nhượng khi hạ tầng chưa đồng bộ, hoàn thiện, các thủ tục về cấp phép dự án chưa có. Đặc biệt, cả 2 dự án này đều có dấu hiệu lừa đảo khách hàng, vi phạm nghiêm trọng về quy định về việc ký hợp đồng huy động vốn trái phép không đúng với các quy định tại Điều 68, Điều 69 của Luật Nhà ở 2014. Do vậy, khách hàng cần hết sức chú ý, nghiên cứu kỹ pháp lý dự án và các quy định liên quan để tránh tiền mất, tật mang”, luật sư Quân cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận