Đến lâu đài Monte-Cristo nhớ Alexandre Dumas
Ở tuổi 42, Alexandre Dumas đã đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp văn chương của mình nhờ thành công vang dội của tuyệt tác “Ba người lính ngự lâm”. Lúc này, ông muốn xây dựng một tuyệt tác khác, đó là một tòa lâu đài huyền thoại, một tòa lâu đài trong đời thực chứ không phải chỉ được miêu tả trên giấy qua những trang tiểu thuyết.
Lâu đài Monte-Cristo, một tuyệt tác trong đời thực đã hình thành từ trí tưởng tượng hết sức phong phú, là hình ảnh của người đã sáng tạo ra nó: hơi điên khùng, nồng hậu và gần như hoang tưởng…
1.“Ở ngay tại chỗ này, anh hãy họa cho tôi một khu công viên theo kiểu Anh; ở phần trung tâm, tôi muốn có một tòa lâu đài theo phong cách Phục Hưng, đối diện là một biệt thự theo lối Gothique có dòng nước bao quanh… có những con suối chảy róc rách đêm ngày, và anh sẽ tạo cho tôi cả những dòng thác nữa nhé”. Đó là những gì mà cha đẻ của “Ba người lính ngự lâm” đã ủy thác cho kiến trúc sư Hippolyte Durand nhân một chuyến đi dạo trong một công viên rộng 9 ha, ở thành phố Port-Marly thuộc tỉnh Yvelines, ngoại ô phía tây Paris hiện nay. Khi phát biểu điều này thì Alexandre Dumas vẫn còn cư trú ở thành phố Saint Germain-en-Laye, cách đó không xa.
Khu đất ông vừa tậu được nằm trên một sườn đồi quay ra sông Seine, chế ngự khắp vùng, bao gồm những cánh đồng và rừng cây. Ông muốn cho xây tại đó một dinh thự theo phong cách của riêng mình. Và ông đã thuê một trong những kiến trúc sư nổi tiếng nhất thời bấy giờ là Hippolyte Durand để thiết kế bản vẽ và xây dựng.
Công trình được khởi công vào năm 1844 và hơn 2 năm sau, Dumas là ông chủ hạnh phúc của tòa lâu đài ấy, một tòa lâu đài ra đời từ chính những ước mơ của ông, được ông đặt tên là Lâu đài Monte-Cristo, bởi tất cả những gì hiện diện ở đó đều được rút ra từ chính hình mẫu của những chi tiết mà ông đã miêu tả trong tác phẩm của mình.
Tòa nhà chính, một tuyệt tác duyên dáng mang phong cách Phục Hưng, là một lâu đài xinh xắn có bốn mặt tiền đều được điêu khắc một cách tuyệt mỹ. Ta tìm thấy ở đó những họa tiết ít nhiều liên quan đến Alexandre Dumas và những gì ông quan tâm: Lịch sử, Nghệ thuật và Thiên nhiên đều hiện diện thông qua những biểu tượng thời phong kiến, những tiên đồng, những giàn hoa, những nhạc cụ khác nhau và những con vật kỳ lạ cổ quái và vũ khí cổ như cung kiếm...
Alexandre Dumas muốn biến nơi đây thành một ngôi đền văn chương, tưởng nhớ các nhà văn vĩ đại. Phía trên mỗi ô cửa sổ tầng trệt, Dumas cho đặt một tấm biển nhỏ là chân dung của một trong những nhà soạn kịch danh tiếng của mọi thời đại trước ông như Homer, Dante, Goethe, Shakespeare, Chateaubriand… Và như để chào đón khách mời, ngay phía trên bậc tam cấp dẫn vào cửa chính, là chân dung của ông, khách tham quan có cảm tưởng như đang được đón tiếp một cách trọng thể.
Đến lâu đài này, có thể cảm nhận được sự hiếu khách của chủ nhà khi phòng khách được trang trí theo phong cách của người Maure. Nơi đây, Dumas, với tính hiếu khách huyền thoại của mình thường kết bạn và giao hữu với tất cả các tầng lớp, từ quý tộc cao sang đến những người dân tầm thường trong xã hội, đã từng cùng lúc đón tiếp hàng trăm khách mời. Và trong những buổi đón tiếp đông đúc như thế, ông chủ nhà không hề nề hà mà sẵn sàng xắn tay áo vào bếp, tự tay chế biến các món ăn và nấu nướng như một đầu bếp thực thụ. Trong một phòng của tòa lâu đài hiện nay (vốn là phòng bếp), trên một bàn lớn còn trưng bày các đĩa hoa quả và thực phẩm, minh họa cho tính cách này của đại danh hào.
Chuyện kể rằng sau lễ tân gia, tòa lâu đài sống trong thời kỳ cực thịnh nhất. Alexandre Dumas sẵn sàng để cho khách sử dụng toàn bộ ngôi nhà của mình. Có rất nhiều người hầu, và ai nấy đều hối hả phục vụ ngay khi khách có nhu cầu. Ở đây còn có một bầy thú quen thuộc mà Dumas đã miêu tả trong tác phẩm “Chuyện về những con vật của tôi”. Chúng cùng nhau vui đùa trong công viên: đàn mèo đông đúc, một chú chó săn Scotland và bầy bạn lông mao đủ loại của nó, hai con vẹt sống trong cái vòng quay nhào lộn, một con kền kền tên là Jugurtha, sống ở một cái thùng lớn, ba con khỉ, rất nhiều chim công, vịt, gà, đông không đếm xuể… Một trại gia cầm đáng ngưỡng mộ…
2.Đương thời, Alexandre Dumas thường tự ví mình là “tù khổ sai của nghề viết”, vậy làm sao có thể làm việc trong yên tĩnh khi ngôi nhà luôn có khách mời? Vậy là Dumas, người đã cho xây tòa lâu đài tuyệt diệu này với hy vọng được làm việc trong cảnh thái điền viên, thì bất ngờ buộc phải “trốn” trong khu phụ được gọi là “lâu đài If”. Một tòa lâu đài nhỏ nằm giữa một hồ nước nhỏ, nó cụ thể hóa sự biệt lập của nhà văn, ngăn cách bằng những con hào nhỏ, mà thời ấy, người ta chỉ có thể đến được bằng một cây cầu rút. Nếu tòa lâu đài chính được ví như một thiên đường nơi hạ giới thì lâu đài If là nơi làm việc tập trung tinh hoa trí tưởng tượng của Dumas. Ngoài những hồi tưởng về thời trung cổ, Dumas còn cho khắc tên của 88 tác phẩm của ông trên những phiến đá gắn tường. Trên các tấm biển nổi ở mặt tiền bên ngoài, giờ đây vẫn còn tên những tác phẩm và hình ảnh những nhân vật huyền thoại của chủ nhân lâu đài. Khác với tòa lâu đài chính, hiện nay nơi đây chỉ mở cửa vào một số thời gian nhất định trong năm và một số ngày trong tháng.
Điều đáng buồn là ngay cả những cuốn tiểu thuyết hay nhất, thú vị và ly kỳ nhất thì cũng vẫn có đoạn kết. Dumas và tòa lâu đài của ông cũng không ngoại lệ. Hơn nữa lại rất chóng vánh, bởi vinh quang của nó kéo dài chưa đến… 1 năm. Ngay cả thời Dumas còn sống, lâu đài Monte Cristo chưa bao giờ được hoàn thiện vì lý do tài chính. Khách và chủ thường “cắm trại” nhiều hơn là sống ở nơi này. Chính vì vậy mà sau này nhà văn Alexandre Dumas con đã tuyên bố khi nói về cha mình: “Ông đã muốn có một ngôi nhà của riêng mình... và ông chưa bao giờ được thực sự sống trong đó".
Do cứ thết đãi bạn hữu một cách phóng khoáng (có một giai thoại kể rằng trong lễ tân gia của lâu đài diễn ra ngày 25/7/1847, có đến 600 quan khách đến tham dự tiệc trong khi chủ nhà đã chỉ gửi đi có… 50 thiệp mời); những thất bại khi ông đầu tư vào sân khấu và những vở kịch và nhất là sau khi nhà hát của ông bị phá sản thì ông lâm vào cảnh khánh kiệt. Năm 1848, Alexandre Dumas buộc phải bán dần các đồ nội thất và tranh, rồi đến tòa lâu đài này và toàn bộ điền trang.
Theo bản kiểm kê của nhân viên tòa án, chỉ riêng danh sách rao bán ngày 21/5/1848, ông đã bán: “đồ nội thất các loại, hiện đại và cổ xưa, Gothic, Trung cổ, Phục hưng... nội thất phòng khách và phòng ngủ bằng gỗ hồng tâm, gỗ phong, đồ gỗ chạm khắc và mạ vàng, đồ khảm, đàn piano neuf octaves et demi... một chiếc đèn chùm bằng đá tuyệt đẹp, những bức tranh sơn dầu, phấn màu, màu nước của Decamps, Delacroix, Boulanger, Jadin, Huet... một chiếc xe hơi được gọi là xe Mỹ và rất nhiều rượu vang thượng hạng khác nhau”.
Chủ nhân mới của lâu đài huyền thoại không ai khác mà chính là kiến trúc sư Hippolyte Fontaine, người đã thiết kế toà lâu đài. Sau khi mua lại, Hippolyte Fontaine đã trùng tu vào năm 1894.
3.Năm tháng qua đi, cả khu điền trang lại bị bỏ hoang và chìm vào quên lãng, xuống cấp nghiêm trọng và lâu đài Monte-Cristo gần như biến mất vào những năm 1960, thậm chí thiếu chút nữa thì đã bị phá bỏ vào năm 1969 do cơn sốt của thị trường bất động sản ở Pháp.
Để ngăn việc tòa lâu đài bị phá hủy, nhà sử học Alain Decaux đã thành lập Hội Những người bạn của Alexandre Dumas (SAAD) để quyên góp và thuyết phục giữ lại tòa lâu đài. Nhờ các thành phố Port-Marly, Marly-le-Roi và Le Pecq cùng với sự trợ giúp của Hội Những người bạn của Alexandre Dumas, họ đã cùng nhau đóng góp tiền để tái tạo lại giấc mơ miền đồng quê này. Vì vậy, từ năm 1970, nơi đây là tài sản chung của 3 thành phố: Port-Marly, Marly-le-Roi và Pecq. Và cuối cùng khách tham quan lại có thể thong thả tản bộ trên những con đường mà cha đẻ của “Ba người lính ngự lâm đã từng đi”.
Lâu đài đã được trùng tu lớn nhờ một Mạnh thường quân giàu có và có thế lực, đó chính là vua Maroc Hassan II, người rất hâm mộ Dumas. Năm 1985, Hassan II đã tài trợ để trùng tu lâu đài, nhờ đó toàn bộ phòng khách Maure và phòng ngủ, những nơi hiếm hoi còn giữ được diện mạo gốc. Nhưng để có được hình hài như ngày hôm nay thì đó là nhờ vào cuối năm 2015, dự án trùng tu, phục dựng lớn được triển khai với kinh phí 921.000 euro. Nhờ đó mà cảnh quan bên ngoài với tiếng róc rách của nước chảy trong những con suối, tiếng reo của thác nước, từng khiến nhà văn đắm say lại vang lên trong các hòn non bộ. Khu vườn kiểu Anh lấy lại được dáng vẻ ban đầu.
Từ năm 1994, nơi đây đã trở thành Bảo tàng Quốc gia dành riêng cho Alexandre Dumas, được xếp hạng Di tích lịch sử được bảo vệ vào năm 2016. Vào ngày Di sản quốc gia, thường vào giữa tháng 9 hàng năm, sẽ có những nghệ sỹ với trang phục của các nhân vật của Dumas đến trò chuyện với du khách và ngẫu hứng diễn lại một số màn trong những vở kịch được chính Dumas sáng tác.
Đến thăm tòa lâu đài, đi dạo giữa các hang động, suối, nước chảy và độ dốc tự nhiên, địa hình của vùng đất nằm trên sườn đồi mang lại một vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi cho việc thể hiện trí tưởng tượng văn học. Ngoài ra, không khí của các tác phẩm tiểu thuyết vẫn còn hiện hữu ở đó, như Dumas đã từng mong muốn: “Ở Monte-Cristo, tôi sẽ đặt cho mỗi lối đi tên của một tác phẩm của mình. Nơi đây sẽ là một Công viên văn học…”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận