24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn Thuận
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

“Deadline” từ Thủ tướng và cơ hội cất cánh của Đông Nam Bộ

Tháng Bảy được xem như là tháng “được mùa” của TPHCM khi ngay sau Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được ký ban hành (có hiệu lực từ ngày 01/08), từ ngày 15/07, Văn phòng Chính phủ công bố quyết định của Thủ tướng về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Phó Trưởng ban. Thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ.

“Deadline” từ Thủ tướng và cơ hội cất cánh của Đông Nam Bộ
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ (Ảnh: VGP).

Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp và Kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện nghị quyết; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền và đề xuất các giải pháp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định các bất cập phát sinh trong thực tiễn.

Điều này sẽ khắc phục nhược điểm lớn từ việc ban hành, triển khai NQ 54 trước đó khi sự phối hợp chỉ đạo, phối hợp cùng các nguồn lực thực thi khác đã bị… bỏ quên, dẫn tới Nghị quyết 54 chưa phát huy hết hiệu quả.

Ngày 18/07, người đứng đầu Chính phủ cùng một số tư lệnh ngành có mặt ở TPHCM. Buổi sáng ông chủ trì Hội nghị lần thứ nhất của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ; buổi chiều, ông cùng đoàn lãnh đạo cao cấp, chuyên gia khảo sát thực địa hai dự án lớn đang được triển khai những bước đầu tiên là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và dự án đô thị lấn biển Cần Giờ. Qua đó, những đề xuất cụ thể như của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho phép TPHCM vay một khoản đủ lớn khoảng 20 tỷ USD để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch, nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông.

Hoặc ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, với tư cách là phó chủ tịch thường trực hội đồng - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu lên giải pháp huy động vốn đầu tư bao gồm nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng. Bộ này cũng cam kết với Thủ tướng Chính phủ sẽ trình vào quý 4 để đẩy nhanh quá trình thực thi.

Bởi thực tế trong 10 năm qua, hiệu quả sử dụng vốn của vùng luôn thấp nhất và đều thấp hơn so với bình quân của cả nước, dẫn tới kinh tế vùng giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế cả nước. Việc thành lập Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng sẽ công cụ tài chính chiến lược để huy động vốn, đa dạng hóa các nguồn lực cho phát triển vùng. Trong số đó là tận dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, khai thác cơ chế hợp tác đối tác công tư để tăng vốn cho các dự án hạ tầng, kể cả lĩnh vực văn hóa - thể thao (vừa được Nghị quyết 98 thông qua). Hơn nữa, là nguồn vốn từ trung ương, địa phương, từ nguồn tài trợ quốc tế, huy động trái phiếu, từ nguồn lực đầu tư từ tư nhân trong nước, nhà đầu tư quốc tế, các định chế tài chính quốc tế, quỹ quốc tế đầu tư hạ tầng.

Rõ ràng, chưa bao giờ việc ban hành các nghị quyết dẫn đường lại đi kèm động thái “hướng dẫn sử dụng” nhanh, cụ thể, quyết liệt, có hẳn “deadline” như hiện nay. Đánh giá cơ hội phát triển rất lớn của dự án cảng Cần Giờ và cảng Cái Mép Thị Vải, nó có sức cạnh tranh trong việc thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế với các cảng lớn của khu vực như Singapore, Malaysia và các cảng trên quốc tế, Thủ tướng đưa ra luôn yêu cầu hoàn thiện hồ sơ dự án ngay trong tháng 7 này.

Ở hầu hết các dự án trọng điểm, đích thân Thủ tướng, Bí thư Thành ủy, Bộ trưởng các bộ ngành liên quan, Chủ tịch tỉnh, thành phố là trưởng ban, thành viên chỉ đạo điều hành, theo dõi, kiểm tra. Những cơ chế nào còn chồng chéo thì đặt “ngay và luôn” lên bàn để tháo, gỡ và ra cả định chế tài chính huy động nguồn vốn. Thật sự, nếu không có “thực” - vốn thì đừng nói đến việc “vực” bất kỳ đề án hay dự án nào khả thi.

Do đó, có thể thấy một sự chuyển động mạnh mẽ, đồng bộ từ trung ương xuống đến địa phương thông qua các dự án phát triển hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nó được khởi đi từ tín hiệu tích cực là sự khởi công đúng hẹn của Vành đai 3, các bước đi đảm bảo tiến độ của Vành đai 4, mở rộng các tuyến Metro số 1 TPHCM nối dài sang Đồng Nai, Bình Dương…

Thay cho những lời hứa hẹn, sự nhập cuộc bằng hành động trong việc mở rộng cơ chế tài chính, thúc đẩy huy động nguồn vốn, phân công nhiệm vụ và lên hẳn thời hạn báo cáo khung dự án, mô tả cụ thể lộ trình, cách thức, con người trong việc triển khai các dự án đa phương lẫn song phương - liên vùng. Đó là cơ sở để giấc mơ vùng Đông Nam Bộ cất cánh sau 50 năm hòa bình, thống nhất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả