Để “xương sống” của nền kinh tế bớt cô đơn
Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm 98% tổng số doanh nghiệp, được xác định là động lực tăng trưởng, là “xương sống” của nền kinh tế. Năm 2020, cộng đồng doanh nghiệp này mong sẽ có thêm sự đồng hành bằng việc đưa Luật Hỗ trợ DNNVV vào cuộc sống.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 được coi là nguồn năng lượng mới tiếp sức cho DNNVV phát triển, là “cú huých” quan trọng để hướng tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Theo tinh thần của Luật, DNNVV sẽ được sự hỗ trợ của Nhà nước trong tiếp cận tín dụng, chính sách thuế, kế toán, mặt bằng sản xuất, công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, mở rộng thị trường; thông tin tư vấn pháp lý, phát triển nguồn nhân lực…
Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần quan tâm tháo gỡ để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, các điều khoản hỗ trợ của Luật có giá trị thiết thực đối với hoạt động của các DNNVV.
Chờ hành lang pháp lý đầy đủ
Cho tới thời điểm này, hành lang pháp lý hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật vẫn chưa được hoàn thiện.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 về tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành rất cụ thể, nhưng đến nay, mới ban hành được đầy đủ văn bản hướng dẫn ở cấp nghị định.
Đó là, Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV; Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và Nghị định 34/2018/NĐ-CP quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV và mới đây, giữa năm 2019 mới có Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động Quỹ phát triển DNNVV.
Các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành ban hành rất chậm và đến nay chưa ban hành đủ.
Cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi sau khi Luật có hiệu lực, phải có quy định hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ DNNVV như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ; có hướng dẫn cụ thể việc thành lập cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, hình thành quỹ đất để phát triển cụm công nghiệp, khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung cho DNNVV…
Phổ cập hóa tính “mới” của Luật
Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV có chọn lọc, phù hợp mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước.
Đây là đạo luật đầu tiên của Việt Nam về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, kỹ thuật lập pháp cũng có khác.
Thường thì các luật mang tính chất điều chỉnh về tổ chức, hoạt động, chẳng hạn Luật Doanh nghiệp điều chỉnh vấn đề về thành lập, tổ chức, quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, thì Luật Hỗ trợ DNNVV là đạo luật mang tính nuôi dưỡng, trợ giúp các doanh nghiệp này phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Do vậy, cách thể hiện của luật này không giống các luật thông thường, nội dung của Luật mang tính khung chính sách và để triển khai thực hiện sẽ cần tiếp tục quy định cụ thể hoá trong văn bản hướng dẫn thi hành.
Có nghĩa là, không thể quy định cụ thể toàn bộ nội dung hỗ trợ DNNVV trong Luật, mà cần phải có các văn bản hướng dẫn dưới Luật.
Do đó, nhiều nội dung còn mang tính chung chung, mang tính khuyến khích… Đây là một trong những vướng mắc, khó khăn cho việc áp dụng vào thực tế.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi, tính cụ thể và hiệu lực thi hành kịp thời của Luật vì phải chờ sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan như: Luật thuế, luật đất đai, luật tín dụng, luật đầu tư, luật doanh nghiệp…
Rất nhiều vấn đề cần có hướng dẫn cụ thể như hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ; thành lập cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, hình thành quỹ đất để phát triển cụm công nghiệp…
Một số vấn đề được coi là “mới” nhưng Luật chỉ đặt ra khung chung, chưa chi tiết, vì vậy, dựa trên luật đó, các địa phương cân đối có thể chọn hình thức hỗ trợ phù hợp nhất.
Trong một số điều, khoản của Luật có câu “Hội đồng nhân dân tỉnh tùy điều kiện quyết định mức hỗ trợ”, các địa phương có thu nhập thấp, thu không đủ chi, chỉ trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước lấy đâu ra nguồn lực để mà hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng thời, quy định như vậy, Luật tạo ra sự không công bằng, không thống nhất, thiếu sự bình đẳng giữa các địa phương…
Cho đến nay, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho DNNVV, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn cho DNNVV từ Quỹ Phát triển DNNVV… còn đang vướng mắc do pháp luật chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, chưa thống nhất.
Việc tiếp cận tín dụng cũng chưa thực sự hiệu quả khi các gói sản phẩm tín dụng dành cho đối tượng DNNVV chưa đa dạng.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phản ánh còn gặp khó khăn trong tiếp cận các khoản vay ngân hàng do không có tài sản thế chấp.
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng quy định tại Luật như khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với DNNVV dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác chưa được triển khai hiệu quả trên thực tế.
Dành nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ
Trên thực tế, nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ còn hạn chế, dẫn đến các địa phương chưa chủ động bố trí được kinh phí hỗ trợ theo quy định của Luật.
Phần lớn các đề án, kế hoạch hỗ trợ DNNVV của các địa phương ban hành còn chưa cụ thể, chủ yếu mới dùng lại ở khâu giao nhiệm vụ cho sở, ban ngành thực hiện.
Rất ít địa phương quy định các nội dung hỗ trợ DNNVV cụ thể và đa phần chưa bố trí được kinh phí triển khai, trong khi nguồn lực Trung ương cũng chưa chủ động được để tập trung vào triển khai một số chính sách trọng tâm.
Một số bộ chuyên ngành cũng chưa chủ động xây dựng Đề án hỗ trợ DNNVV trong phạm vi lĩnh vực, ngành quản lý…
Có thể nói, chính sách trong Luật thì cởi mở, hỗ trợ tối đa, nhưng về địa phương, sự vào cuộc giúp đỡ DNNVV của chính quyền các cấp tại không ít nơi chưa mạnh mẽ, khó khăn trong bố trí kinh phí, chỉ mang tính phong trào, tuyên truyền là chủ yếu.
Cần những hỗ trợ thiết thực
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, nhiều nội dung hỗ trợ của Luật Hỗ trợ DNNVV chưa thật sự hấp dẫn, chưa đủ mạnh, chưa có động lực... để DNNVV quan tâm.
Xét về mức độ tổng thể, khái quát các lĩnh vực ưu đãi của Luật, các doanh nghiệp vẫn chưa được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ mặt bằng sản xuất, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, đổi mới công nghệ, tư vấn pháp lý...
Nhất là, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có tham gia các chuỗi giá trị sản xuất, việc “nới lỏng” chính sách tín dụng mới chỉ được thực hiện đối với hình thức cho vay thương mại, còn hình thức cho vay với lãi suất ưu đãi thì vẫn khá chặt chẽ khiến doanh nghiệp khó tiếp cận.
Hoặc, chẳng hạn như Điều 9 quy định việc bảo lãnh tín dụng cho DNNVV dựa trên tài sản bảo đảm, chứng từ có giá, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp.
Quy định như vậy không khác gì yêu cầu về hoạt động cho vay giữa doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng hiện nay, thậm chí còn làm khó cho doanh nghiệp vì thêm thủ tục, thời gian, mà cũng không biết có được hỗ trợ hay không.
Đối với hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, mặc dù đã có đề án về vấn đề này, song đến nay vẫn còn một số vướng mắc khiến quá trình chuyển đổi diễn ra chậm chạp.
Đó là, chính sách miễn thuế môn bài 3 năm, miễn lệ phí đăng ký theo quy định của Luật chưa đủ lợi ích, hấp dẫn để thu hút hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; chính sách miễn, giảm thuế cho hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp chưa được áp dụng… hoặc DNNVV khó tiếp cận với vốn vay tín dụng.
Cùng với đó, khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ quy định theo Luật Hỗ trợ DNNVV của các DNNVV còn rất hạn chế do quy định, thủ tục xét chọn, tuyển chọn, thẩm định kinh phí, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn khá rườm rà, nhiều thủ tục gây tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp khi tham gia các chương trình, đề án hỗ trợ của Nhà nước.
Năm 2020 được nhìn nhận có không ít thách thức với cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Điều quan trọng là cần giúp các DNNVV thay đổi phương thức kinh doanh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hỗ trợ mạnh các doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp họ chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, lập kế hoạch kinh doanh dài hạn, tận dụng cơ hội qua các hiệp định thương mại tự do.
Việc triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV cần sớm phát huy hiệu quả để tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận