menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dũng Chín

Đề xuất xây dựng không gian văn hoá Nhật Bản trên sông Tô Lịch, các chuyên gia nói gì?

Trước đề xuất xây dựng không gian văn hóa Nhật Bản trên sông Tô Lịch, nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS,TS Bùi Hoài Sơn và nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang đã bày tỏ những ý kiến đa chiều với Dân Việt.

Từ tháng 9/2020, công ty cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE Group) đã trình UBND TP.Hà Nội ý tưởng cái tạo dòng sông Tô Lịch vốn đang là một “dòng sông chết”, bị ô nhiễm nặng và đang thực hiện chức năng tiếp nhận các nguồn thải sinh hoạt từ các quận nội thành mà dòng sông đi qua.

Trong 3 hợp phần mà JVE đề xuất (gồm tuyến cao tốc ngầm; các bể chứa nước – thoát nước – không gian văn hoá), ý tưởng xây dựng không gian văn hoá – tâm linh bên trên bề mặt sông Tô Lịch, nhất là khi phần tái hiện các hình ảnh tiêu biểu của các triều đại/thời đại theo chiều dài lịch sử dân tộc được nhiều chuyên gia ủng hộ.

Tuy nhiên, ý tưởng dành một phần diện tích để xây dựng “Không gian văn hóa Nhật Bản” và được gọi tên là “Công viên Hữu nghị Việt-Nhật” trên sông Tô Lịch lại đang gây nhiều bàn luận trái chiều. Phóng viên Dân Việt đã có những trò chuyện với các chuyên gia văn hóa về vấn đề này.

Sông Tô Lịch là "dòng sông tâm linh" của Hà Nội chứ không phải bình thường!

Chia sẻ với Dân Việt, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: "Điều băn khoăn đầu tiên của tôi về dự án cải tạo sông Tô Lịch không phải là chuyện đặt không gian văn hóa Nhật Bản bên cạnh không gian lịch sử các triều đại Việt Nam mà là "Liệu con sông Tô Lịch có sống lại được không?". Bởi vì, có thể hôm nay chúng ta thấy nó đang vượt xa khả năng nhưng trong tương lai không gì không thể làm được cả.

Sông còn "sống" chỗ nào thì cố gắng giữ lại chỗ đấy. Nếu nó bị ô nhiễm môi trường hoặc lí do gì khác thì cố gắng tìm giải pháp để khắc phục, làm sống lại. Chẳng hạn như giải pháp phân luồng nước, tách nguồn nước tự nhiên với nguồn nước thải dân sinh… Trước đây, phía đơn vị thi công Nhật Bản bắt tay vào phục hồi và chống ô nhiễm cho sông Tô Lịch thì tôi rất ủng hộ. Tôi rất trân trọng và vui mừng vì việc này.

Giải pháp biến dòng Tô Lịch thành hầm chứa nước cũng tốt thôi nhưng quan trọng hơn là giữ lại hình ảnh của dòng sông Tô Lịch ngày xưa để con cháu mai sau có cái nhìn rõ nét hơn về lịch sử. Bây giờ san lấp, xây bằng rồi… thì dù hay, dù đẹp đến mấy thì giá trị của những công trình mới cũng không bằng giá trị xưa.

Liên quan đến chuyện xây dựng không gian văn hóa Nhật Bản trên dòng sông Tô Lịch, tôi cho rằng, văn hóa của Nhật Bản là điều chúng ta rất trân trọng. Hà Nội không thiếu gì đất để xây dựng không gian như thế này. Công viên Quốc tế hoặc Công viên Hữu nghị chẳng hạn. Chúng ta có thể làm một vườn Nhật, vườn Anh, vườn Ý… Không nên ghép câu chuyện văn hóa – lịch sử của Nhật Bản vào Việt Nam. Phương pháp so sánh cũng là một ý hay nhưng không nhất thiết phải ghép như thế. Tất nhiên, đơn vị đầu tư giúp chúng ta làm công trình này thì chúng ta trân trọng nhưng không vì thế mà thỏa hiệp được.

Đề xuất xây dựng không gian văn hoá Nhật Bản trên sông Tô Lịch, các chuyên gia nói gì?
Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: TL.

Một cái nữa tôi rất muốn trao đổi đó là ý tưởng làm công viên lịch sử. Chúng ta có rất nhiều chỗ có thể làm được công viên này, không nhất thiết phải làm trên dòng Tô Lịch. Chúng ta nên nhớ, dòng sông Tô Lịch là "dòng sông tâm linh" của Hà Nội chứ không phải bình thường".

Cần tôn vinh văn hoá Việt Nam theo đúng mục đích khi tôn tạo dòng sông Tô Lịch

PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội, Viện trưởng Văn hóa – Nghệ thuật Quốc gia chia sẻ với Dân Việt: "Sông Tô Lịch là một dòng sông lịch sử, kể nhiều câu chuyện về lịch sử - văn hóa, chứa đựng cả những biểu tượng văn hoá của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đó là lý do tại sao rất nhiều nhà khoa học và người yêu văn hoá đều mong muốn cải tạo dòng sông này, trả lại những ý nghĩa, giá trị cho sông Tô Lịch. Vì vậy, dự án cải tạo sông đang trở thành một chủ đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của đông đảo nhân dân.

Tôi cho rằng, như vậy, mục đích của chúng ta là trả lại những giá trị văn hoá, lịch sử cho sông Tô Lịch, đồng thời hài hoà với những giá trị văn hoá của xã hội đương đại, cũng như tạo ra môi trường cảnh quan sạch đẹp cho thành phố. Để đạt được nhũng mục đích đó, chúng ta cần lựa chọn những dấu ấn văn hoá, lịch sử của Hà Nội và đất nước để tạo điểm nhấn cho dòng sông này, kết hợp với những biểu tượng thể hiện khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn sắp tới.

Đề xuất xây dựng không gian văn hoá Nhật Bản trên sông Tô Lịch, các chuyên gia nói gì?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh: NVCC.

Chính vì thế, chúng ta có thể khá đồng ý, thống nhất với nhau về những dấu văn hoá, lịch sử Việt Nam được thể hiện trong đề án nhưng có thể có những băn khoăn liên quan đến những yếu tố văn hoá nước ngoài được kể xen kẽ trong dấu ấn văn hoá Việt Nam.

Chúng ta có thể hiểu mong muốn của cơ quan đề xuất, đơn vị tài trợ khi muốn thể hiện mối quan tâm, tình cảm đối với đất nước đã giúp cải tạo dòng sông. Tuy nhiên, chúng ta cũng mong những dấu ấn này được thể hiện một cách tế nhị, tinh tế để thực sự "toàn tâm, toàn ý" tôn vinh văn hoá Việt Nam theo đúng mục đích chính tôn tạo dòng sông lịch sử này. Điều đó cũng giúp tăng thiện cảm của nhân dân Hà Nội và cả Việt Nam với sự giúp đỡ vô tư, không chen những ý tưởng không phù hợp với bố cục chung, mục tiêu chính của dự án. Đó cũng chính là cách xây dựng sức mạnh mềm trong bối cảnh xã hội hiện đại!".

Làm gì với sông Tô Lịch cũng cần phải quan tâm đến giá trị từ ngàn xưa để lại

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cũng bày tỏ với Dân Việt: "Tôi cho rằng, mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản là mối quan hệ ngoại giao chiến lược, bền vững. Việc có một không gian văn hoá Nhật Bản ở Việt Nam là cần thiết, khẳng định định hướng tầm nhìn hợp tác của hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng về văn hoá. Song việc đặt không gian văn hoá ấy ở vị trí địa lý nào cho phù hợp lại là vấn đề cần phải cân nhắc thật kỹ.

Sông Tô Lịch là một huyền tích lịch sử gắn liền với chiều dài hình thành và phát triển của mảnh đất Thăng Long. Vì vậy, việc giáo dục lịch sử hay truyền thông bất cứ nội dung nào về lịch sử liên quan đến vị trí địa lý này cũng cần phải suy tính thật kỹ, để vừa lưu giữ được các giá trị lịch sử nhưng cũng vừa tránh hiểu không đúng về lịch sử.

Người Thăng Long xưa và Hà Nội nay xem con sông Tô Lịch không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là giá trị tinh thần với những huyền tích xung quanh, vì vậy, việc quy hoạch hay xây dựng bất cứ hạng mục văn hoá, nghệ thuật nào trên con sông ấy cũng cần phải quan tâm đến giá trị tinh thần, giá trị độc lập chủ quyền của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa để lại.

Cải tạo hoặc xây mới trên bất cứ di tích lịch sử nào thì điều đầu tiên bắt buộc là không được làm mất đi hoặc làm biết dạng "hồn cốt" lịch sử của di tích ấy. Đó không chỉ đơn thuần là chứng tích của lịch sử, của thời gian mà còn là chứng tích của tinh thần yêu nước, của tính độc lập tự cường mà dân tộc ấy có được trong suốt chiều dài binh biến.

Do đó, dù có xây dựng hay tôn tạo bất cứ hạng mục công trình nào trên con sông Tô Lịch huyền thoại thì điều đầu tiên cần tính đến là phải giữ cho được tính chủ quyền, tính độc lập đối với các giá trị lịch sử gắn liền với con sông ấy.

Muốn làm được điều đó thì việc nghiên cứu lịch sử hình thành và những biến động của thành Thăng Long xưa gắn liền với sông Tô Lịch phải đầy đủ tư liệu, thật chuyên sâu và kỹ càng. Chúng ta cần nhớ rằng, văn hoá là yếu tố có thể bổ sung, nhưng tuyệt đối không được đánh mất giá trị bản sắc. Nhất là với con sông Tô Lịch từng là long mạch, là nguyên khí của cả một vùng Thăng Long xưa".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại