‘Đề xuất thuê nhà từ 15m2 mới được đăng ký thường trú Hà Nội làm tăng mâu thuẫn xã hội’
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng đề xuất thuê nhà 15m2/người mới được đăng ký thường trú dẫn đến người giàu và thu nhập cao được hưởng lợi lớn, trong khi người thu nhập thấp bị ảnh hưởng. Từ đó sẽ nảy sinh mâu thuẫn xã hội rất lớn.
Hơn 3 tháng sau khi xin lùi thời gian thông qua dự thảo lần một, Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến lần hai đối với dự thảo nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.
Theo dự thảo mới, người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại 12 quận nội thành phải có diện tích ở tối thiểu 15m2, giảm 5m2 so với dự thảo lần một; khu vực ngoại thành là 8m2 (17 huyện và thị xã Sơn Tây). Diện tích nhà ở tối thiểu tính theo mét vuông sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.
Hà Nội lý giải quy định nói trên nhằm cụ thể hóa Luật Cư trú 2020, tạo cơ sở pháp lý để thành phố quản lý cư trú phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố kỳ vọng thông qua nghị quyết này sẽ góp phần ổn định an ninh trật tự, đảm bảo đời sống an sinh xã hội của người dân.
Bình luận về vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, việc Hà Nội đề xuất chính sách này được coi là giải pháp "hàng rào kỹ thuật" hay "phí ngoại trừ/thuế đô thị" trong bối cảnh Hà Nội đang chịu sức ép rất lớn về hạ tầng với dịch vụ công ích do quá tải dân số ngụ cư.
Ông Việt cho biết trong chính sách công có ví dụ phân tích về giải pháp thu "phí ngoại trừ" khắc phục tình trạng tắc nghẽn và tổn thất xã hội do số lượng người dùng quá lớn, vượt quá sức tải của hàng hóa công cộng (con đường, công viên). Tuy nhiên, khi áp dụng phí ngoại trừ này, câu hỏi rất quan trọng là ai phải gánh chịu và liệu việc áp dụng có tạo thêm các chi phí thậm chí còn vượt quá mức tổn thất xã hội ròng do tình trạng quá tải gây ra?
“Nếu áp dụng như hiện nay, vô hình trung việc áp phí ngoại trừ sẽ chỉ dành cho những người thu nhập thấp (đa phần là lao động trẻ tìm cơ hội việc làm/thu nhập tại Hà Nội và gia đình họ), trong khi những người giàu và thu nhập cao (nhất là những người đã/sẽ mua được nhà, có sẵn hộ khẩu, thậm chí có thêm căn nhà thứ 2 cho thuê) lại được hưởng lợi lớn từ chính sách này. Từ đó sẽ nảy sinh mâu thuẫn xã hội rất lớn, và đặt ra câu hỏi về tính công bằng, khả thi của chính sách khi được thông qua”, ông Việt nói.
Cùng với đó, ông Việt cũng chia sẻ: “Thật tình cờ nhìn lại chính sách đánh thuế căn nhà thứ 2 của TP. HCM đã bị rút lại trong thời gian rất ngắn. Chính sách này nhìn qua tưởng là đánh vào người có tài sản (và việc đầu cơ tài sản đất đai) nhưng nếu phân tích kỹ lại thấy người gánh chịu có thể lại là những người nghèo/thu nhập thấp. Lý do là mọi chi phí tăng thêm cuối cùng sẽ vào giá cho thuê (cửa hàng/phòng trọ) và như thế lại đè nặng chi phí lên người nghèo/thu nhập thấp, và cũng khó khả thi”.
“Để có thể hoạch định và ban hành chính sách công không hề đơn giản. Hoạch định chính sách là công đoạn đầu của chu trình chính sách, nhưng nó lại cần hỗ trợ bởi toàn bộ quy trình phân tích thấu đáo, đầy đủ và tích hợp của chính sách công. Thiếu những phân tích chính sách đúng đắn, khách quan, thấu đáo, thực chứng thì sẽ không thể có chính sách tốt, công bằng và khả thi. Do đó, cần phải có đơn vị tư vấn chính sách độc lập, có nguồn lực thực hiện đánh giá tác động chính sách một cách cẩn trọng, từ đó đề xuất các giải pháp khả thi và công bằng”, ông Việt nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận