Đề xuất thu hồi đất ngay từ khi có quy hoạch
Đại diện các ban ngành TP HCM cho rằng cần thu hồi đất ngày từ khâu quy hoạch thay vì đến khi thực hiện dự án để tránh việc đầu cơ, gom đất.
Tại hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Đất đai của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, sáng 6/10, Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố (Hepza) Hứa Quốc Hưng nói rằng các Luật Đất đai 2003, 2013 và dự thảo mới nhất đều chỉ yêu cầu thu hồi đất để thực hiện dự án. Thời điểm thu hồi này khiến nhiều dự án gặp khó khi triển khai vì chi phí bồi thường rất lớn nhưng nguồn lực tài chính hạn chế.
"Nên chăng thu hồi đất ngay từ khâu quy hoạch, tức khi đồ án được duyệt, để có quỹ đất sạch cho đấu giá, đấu thầu hoặc thực hiện dự án hạ tầng bằng vốn ngân sách", ông đặt vấn đề.
Ông Hưng lấy ví dụ dự án được quy hoạch từ 2022 nhưng 10 năm sau mới thực hiện, lúc đó giá trị bồi thường đã tăng lên rất nhiều lần. Nếu cho thu hồi đất trên cơ sở quyết định quy hoạch, lập dự án bồi thường với thủ tục như quy định có thể hạn chế được tình trạng "quy hoạch treo" ở nhiều dự án hiện nay.
Ủng hộ đề xuất này, ông Nguyễn Ngọc Tuân, Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP HCM (Maur), cho rằng thu hồi đất sau khi đã phê duyệt dự án, thậm chí điều 92 dự thảo luật mới còn yêu cầu sau khi phê duyệt phương án bồi thường, là tạo điều kiện cho nhà đầu cơ. Bởi, họ thấy dự án đã quy hoạch sẽ gom đất. Còn dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật phải 5-10 năm sau mới làm, giá đất đã hoàn toàn khác.
Bên cạnh đó, theo ông phạm Tuân phạm vi thu hồi đất theo luật cũng gây nhiều bất cập cho dự án giao thông. Cụ thể, giá trị thặng dư của công trình giao thông không phát sinh trong phạm vi thực hiện dự án, mà ở quỹ đất xung quanh. Ví dụ, tuyến Metro Số 1 diện tích thu hồi lớn nhất là 26 m hai bên, nhưng toàn bộ phạm vi 500 m đến một cây số xung quanh mới phát sinh giá trị thặng dư.
Theo tính toán chưa đầy đủ của MAUR, tuyến Metro Số 1 (dài 20 km) còn khoảng 500 ha đất dọc tuyến thuộc sở hữu nhà nước, lấy giá khoảng 100 triệu mỗi m2 thì tổng giá trị diện tích này là 50.000 tỷ (tính phạm vi bán kính khoảng 500 m xung quanh tuyến). Số tiền này dư để xây một tuyến metro mà không cần đi vay vốn như hiện nay.
"Chưa kể, từ khi dự án khởi công đến nay, giá đất dọc tuyến metro có nơi tăng 15 lần. Tuy nhiên, thực tế toàn bộ giá trị thăng dư đầy tiềm năng xung quanh các dự án giao thông chưa được quản lý", ông Tân nói và cho rằng bất cập trong thời điểm và phạm vi thu hồi đất đã tạo điều kiện cho nhà đầu cơ trong và nước ngoài "đi trước một bước", nắm quy hoạch và mua đất xung quanh dự án.
Một đề xuất khác được ông Hứa Quốc Hưng nêu ra là cho phép chủ đầu tư thực hiện dự án dựa trên diện tích đã bồi thường liền khoanh liền thửa, không da beo, thay vì chờ thu hồi hết 100% như hiện nay. Ông cho biết hiện Hepza có dự án 99 ha, chỉ còn hơn một ha chưa bồi thường được mà toàn bộ số đất đã thu hồi bị bỏ không sẽ gây lãng phí. Trong khi đó, ước tính theo giá trị thiết kế mỗi ha đất của dự án có thể thu hút đầu tư khoảng 6,7 triệu USD, chưa kể đóng thuế hàng năm cho ngân sách nhà nước.
"Tôi không đặt vấn đề thu hồi 100% mới làm, hay trên 80% thì cưỡng chế thu hồi nốt, mà xin đặt ngược vấn đề là bồi thường xong 80% thì triển khai hoặc cho thuê đất, giao đất 80% đó. 20% còn lại tiếp tục thương lượng, thoả thuận", ông nói.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết sẽ ghi nhận các kiến nghị của các đại biểu để gửi ban soạn thảo và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời góp ý trong kỳ họp Quốc hội tới. Dự thảo Luật Đất đai được xem xét, thông qua theo quy trình ba kỳ họp. Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 khai mạc trong tháng 10.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận