Đề xuất tăng mức phạt vượt đèn đỏ, đèn vàng từ năm 2025, người tham gia giao thông lưu ý
Theo dự thảo mới của Bộ Công an, mức phạt cho lỗi vượt đèn đỏ, đèn vàng đã được đề xuất tăng thêm.
Mới đây, Bộ Công an đã công bố dự thảo Nghị định về việc xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến trật tự và an toàn giao thông đường bộ, bao gồm quy định về trừ điểm và phục hồi điểm trên giấy phép lái xe (dự thảo này đang chờ Bộ Tư pháp thẩm định).
Theo nội dung của dự thảo, mức phạt cho lỗi vượt đèn đỏ, đèn vàng (hay lỗi không tuân thủ tín hiệu giao thông) được đề xuất tăng thêm 2 triệu đồng so với quy định hiện hành. Cụ thể:
Đối với xe ô tô
Người điều khiển ô tô, xe chở người bốn bánh có động cơ, xe chở hàng bốn bánh có động cơ và các loại xe tương tự sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đến 8.000.000 đồng nếu không tuân thủ hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Đồng thời, người vi phạm sẽ bị trừ 03 điểm trên giấy phép lái xe.
Hiện tại, mức phạt chỉ từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng (theo Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Đối với xe mô tô, xe gắn máy
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự sẽ bị phạt từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng nếu không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, đồng thời bị trừ 3 điểm trên giấy phép lái xe.
Hiện tại, mức phạt cho lỗi này chỉ từ 800.000 đến 1.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng (theo Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Quy định về chấp hành báo hiệu đường bộ từ năm 2025
Theo Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ năm 2025) quy định về chấp hành báo hiệu đường bộ như sau:
- Báo hiệu đường bộ bao gồm: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; đèn tín hiệu giao thông; biển báo hiệu đường bộ; vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường; cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H; thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.
- Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới như sau:
+ Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
+ Tín hiệu đèn giao thông;
+ Biển báo hiệu đường bộ;
+ Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường;
+ Cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H;
+ Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.
- Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông được quy định như sau:
+ Tay bên phải giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ ở tất cả các hướng phải dừng lại;
+ Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông đường bộ ở phía bên phải và bên trái người điều khiển giao thông được đi;
+ Tay bên phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ ở phía sau và bên phải người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông đường bộ ở phía trước người điều khiển giao thông được rẽ phải; người tham gia giao thông đường bộ ở phía bên trái người điều khiển giao thông được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phải đi sau lưng người điều khiển giao thông.
- Tín hiệu đèn giao thông có 03 màu, gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ; có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian. Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành như sau:
+ Tín hiệu đèn màu xanh là được đi; trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường;
+ Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp; trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác;
+ Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi.
- Báo hiệu của biển báo hiệu đường bộ được quy định như sau:
+ Biển báo cấm để biểu thị các điều cấm;
+ Biển báo nguy hiểm để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra;
+ Biển hiệu lệnh để báo hiệu lệnh phải thi hành;
+ Biển chỉ dẫn để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết;
+ Biển phụ để thuyết minh bổ sung cho biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn.
- Vạch kẻ đường là vạch chỉ sự phân chia làn đường, vị trí hoặc hướng đi, vị trí dừng lại.
- Cọc tiêu, tường bảo vệ để hướng dẫn cho người tham gia giao thông đường bộ biết phạm vi an toàn của nền đường và hướng đi của đường.
- Rào chắn để ngăn không cho người, phương tiện qua lại.
- Đinh phản quang, tiêu phản quang để thông tin, cảnh báo về phần đường, làn đường.
- Cột Km, cọc H để báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ về các thông tin của đường bộ.
- Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ để hỗ trợ cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông đường bộ.
- Khi ở một vị trí vừa có biển báo hiệu đặt cố định vừa có biển báo hiệu tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau, người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu tạm thời.
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, trừ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận