Đề xuất quy định vận chuyển hàng hoá nguy hiểm
Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Nghị định quy định Danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa.
9 loại hàng hóa nguy hiểm
Theo dự thảo, tùy theo tính chất hóa, lý, hàng hoá nguy hiểm được phân thành 9 loại và nhóm loại sau đây:
Loại 1. Chất nổ và vật phẩm dễ nổ gồm: Nhóm 1.1: Chất và vật phẩm có nguy cơ nổ rộng; nhóm 1.2: Chất và vật phẩm có nguy cơ bắn tóe nhưng không nổ rộng; nhóm 1.3: Chất và vật phẩm có nguy cơ cháy và nguy cơ nổ nhỏ hoặc bắn tóe nhỏ hoặc cả hai, nhưng không nổ rộng; nhóm 1.4: Chất và vật phẩm có nguy cơ không đáng kể; nhóm 1.5: Chất rất không nhạy nhưng có nguy cơ nổ rộng; nhóm 1.6: Vật phẩm đặc biệt không nhạy, không có nguy cơ nổ rộng.
Loại 2. Khí gồm: Nhóm 2.1: Khí dễ cháy; nhóm 2.2: Khí không dễ cháy, không độc hại; nhóm 2.3: Khí độc hại.
Loại 3. Chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy.
Loại 4 gồm: Nhóm 4.1: Chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy; nhóm 4.2: Chất có khả năng tự bốc cháy; nhóm 4.3: Chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy
Loại 5 gồm: Nhóm 5.1: Chất ôxi hóa; nhóm 5.2: Perôxít hữu cơ.
Loại 6 gồm: Nhóm 6.1: Chất độc; nhóm 6.2: Chất gây nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, có loại 7: Chất phóng xạ; loại 8: Chất ăn mòn và loại 9: Chất và vật phẩm nguy hiểm khác.
Các bao bì, thùng chứa hàng hoá nguy hiểm chưa được làm sạch bên trong và bên ngoài sau khi dỡ hết hàng hoá nguy hiểm cũng được coi là hàng hoá nguy hiểm tương ứng.
Phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm
Theo dự thảo, phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Thiết bị chuyên dùng của phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.
Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên và phía sau của phương tiện.
Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm, sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì phải được làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm. Việc làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện được thực hiện theo quy trình và ở nơi quy định.
Dự thảo nêu rõ, không cho phép vận chuyển các loại thuốc nổ, khí ga, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ khác đi qua các công trình hầm có chiều dài từ 100m trở lên. Không được vận chuyển người và các loại thuốc nổ, khí ga, xăng, dầu và các chất dễ cháy, nổ khác trên cùng một chuyến phà.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận