Đề xuất PVN, EVN thí điểm làm điện gió ngoài khơi: Chuyên gia nói gì?
Bộ Công Thương tỏ ra thận trọng trong các phương án chọn nhà đầu tư thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi. Chuyên gia cho rằng nên để PVN hoặc cả hai tập đoàn Nhà nước cùng thực hiện thí điểm.
Cuối tháng 7, Bộ Công Thương đã có báo cáo trình Chính phủ thực hiện Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, trong đó có phương án lựa chọn nhà đầu tư.
Cụ thể, đề án cho biết giai đoạn đầu sẽ tập trung giao tập đoàn kinh tế nhà nước, tạo tiền đề để hoàn thiện quy định pháp luật. Sau khi hệ thống pháp luật đã hoàn thiện mới tính tới giao nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tư nhân.
Về việc giao cho các tập đoàn kinh tế nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực (EVN) hoặc Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương cũng được cơ quan này đưa ra phân tích rất chi tiết.
Khó chọn nhà đầu tư
Cụ thể, với phương án giao PVN, Bộ Công Thương chỉ ra doanh nghiệp này và các đơn vị thành viên có những lợi thế nhất định. Bởi điện gió ngoài khơi sẽ có một số hạng mục, công trình tương đồng với các dự án dầu khí ngoài khơi.
Do đó, PVN có lợi thế khi sử dụng cơ sở dữ liệu như địa kỹ thuật, địa vật lý sẵn có của ngành dầu khí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng trong việc triển khai thí điểm. Từ đó, góp phần đem lại hiệu quả trong sử dụng tài sản hiện hữu, góp phần vào công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, thực hiện quyền chủ quyền trên biển.
Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng chỉ ra rằng kinh nghiệm chuyên môn của ngành công nghiệp dầu khí có thể chi phối 40-45% chi phí một dự án điện gió ngoài khơi.
Tuy nhiên, nếu chọn PVN, Bộ Công Thương cũng cho rằng cần phải được đánh giá phù hợp với chủ trương của Đảng về định hướng ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh của PVN. Bởi hiện nay PVN chưa được phép đầu tư ngoài ngành, điện gió ngoài khơi. Ngoài ra, tập đoàn cũng phải thay đổi để đáp ứng những yêu cầu đặc trưng của ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Với phương án chọn EVN, Bộ này cho rằng với nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư, quản lý vận hành các nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện. Do vậy, EVN sẽ có những lợi thế nhất định khi tận dụng kinh nghiệm, năng lực đã có trong triển khai điện gió ngoài khơi.
Hơn nữa, cơ quan quản lý cho rằng việc giao EVN đầu tư thí điểm cũng có ưu điểm nhất định do không phải tiến hành đàm phán giá điện, do EVN đồng thời là đơn vị mua điện và bán điện.
Tuy nhiên, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới, nên cơ quan quản lý cho rằng các yêu cầu sẽ có khác so với các dự án điện truyền thống. Vì vậy, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục làm rõ khi nhận được ý kiến của các bộ, ngành, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và EVN.
Cuối cùng, Bộ này đề xuất giao đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thí điểm làm dự án điện gió ngoài khơi. Bộ cho rằng phương án này cần được đánh giá phù hợp với chủ trương, tính khả thi sau khi xem xét năng lực đơn vị cụ thể của Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Quốc phòng cũng đã kiến nghị không giao thí điểm cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng vì điều kiện về năng lực và kinh nghiệm. Các đơn vị của Bộ Quốc phòng chỉ tham gia một số khâu phù hợp trong quá trình thực hiện dự án.
Chuyên gia nói gì?
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, một chuyên gia trong lĩnh vực điện gió cho rằng việc giao doanh nghiệp Nhà nước thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi là hợp lý. Bởi lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Việt Nam liên quan đến rất nhiều vấn đề, trong đó có an ninh quốc phòng, nhiều ngành nghề kinh tế khác nhau...
"Việc giao PVN hay EVN thực hiện thí điểm đều hợp lý. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, dầu khí có nhiều lợi thế hơn. Bởi đây là doanh nghiệp làm ăn có lãi và sở hữu cơ sở dữ liệu, cơ sở vật chất, trang thiết bị thi công điện sau nhiều năm tham gia ngành dầu khí", ông phân tích.
Theo vị này, PVN có kinh nghiệm, nhân lực dồi dào và cơ sở vật chất trong việc triển khai thí điểm điện gió ngoài khơi. Trong khi đó, EVN đang thua lỗ nặng nề do giá điện không hợp lý, do đó, việc vay vốn để đầu tư thí điểm điện gió ngoài khơi sẽ rất khó khăn.
Tương tự, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cũng cho rằng PVN có nhiều lợi thế để thực hiện công tác thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương. "Tuy nhiên, do công tác thực hiện thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi rất phức tạp nên PVN cần hợp tác với các tổ chức nước ngoài có kinh nghiệm, công nghệ, nguồn vốn", ông nhìn nhận.
Với phương án chọn EVN thí điểm, ông Lâm cho biết thực tế EVN cũng có nguồn vốn và hợp tác với nhiều tổ chức nước ngoài. Nhưng dầu khí có nhiều kinh nghiệm ở ngoài khơi hơn. "Tuy nhiên, nếu EVN có nguồn lực muốn cùng tham gia thí điểm thì càng tốt, mỗi doanh nghiệp làm một vùng để thí điểm", ông Lâm nêu quan điểm.
Nguyên lãnh đạo Viện Năng lượng cho biết theo Quy hoạch điện 8, sau năm 2035, Việt Nam sẽ không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, điện khí để đảm bảo lộ trình thực hiện Net Zero. Do đó, phải thay thế bằng khí hydro hóa lỏng để đảm bảo phát thải carbon bằng 0.
"Chính vì vậy, việc sử dụng điện được tạo ra bởi các tuabin gió ngoài khơi như một phương pháp tách nước để sản xuất khí hydro sạch. Có nghĩa, phát triển điện gió ngoài khơi nhưng sẽ không chuyển điện về đất liền mà sử dụng điện được tạo ra bởi các tuabin gió ngoài khơi để điện phân nước ra khí hydro và khí oxy", ông Lâm nói.
Theo vị này, đây là công nghệ rất mới do đó rất ít quốc gia thực hiện. Hiện Trung Quốc đã thực hiện thí điểm và đã có sản phẩm.
Giải pháp nào phát triển điện gió ngoài khơi
Theo TS Dư Văn Toán, chuyên gia năng lượng tái tạo, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc xây dựng chiến lược phát triển tổng thể lĩnh vực điện gió ngoài khơi, đưa Việt Nam thành cường quốc điện gió ngoài khơi (quốc gia kinh tế biển mạnh) là rất cần thiết.
"Vì vậy, cần có giải pháp tháo gỡ đối với các vướng mắc pháp lý, chính sách. Trước hết, phải xem xét nghiên cứu xây dựng và ban hành Chiến lược quốc gia, kèm với Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi đến 2030 tầm nhìn đến 2050", vị này nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng cần lồng ghép chương về điện gió ngoài khơi vào Luật Điện lực sửa đổi, đồng thời bổ sung vào Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo các quy định về không gian biển kỹ thuật cho điện gió, hướng dẫn đánh giá tác động môi trường xã hội và quy định cấp phép khảo sát cho tổ chức trong nước, nước ngoài với các nguồn vốn ngoài ngân sách.
"Quy hoạch không gian phát triển điện gió ngoài khơi cho các dự án cụ thể gắn với Kế hoạch thực hiện và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Xác định khung pháp lý, cũng như không gian cho xuất khẩu điện gió ngoài khơi, như ký kết của Việt Nam với Singapore, Malaysia", TS Dư Văn Toán nêu quan điểm.
Ngoài ra, ông cho rằng cần nghiên cứu các chương trình, mô hình thử nghiệm kết hợp điện gió ngoài khơi với sản xuất hydrogen xanh, đảo năng lượng điện gió ngoài khơi và các dạng ngành nghề khác như năng lượng sóng biển, năng lượng mặt trời, thủy triều, nuôi biển, du lịch...
Để sớm thực hiện các dự án thí điểm về điện gió ngoài khơi đến 2030, vị này kiến nghị sớm ban hành Nghị quyết Quốc hội thí điểm phát triển dự án điện gió ngoài khơi (2024-2025). Đây cũng có thể tạo cơ sở cho việc ban hành Luật Điện gió ngoài khơi sau 2030.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận