menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Hồng Hoa

Đề xuất ngừng sử dụng hóa đơn với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm từ 6 tháng

Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên; doanh nghiệp cũng phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế), theo đề xuất tại dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ sung thêm nhiều quy định để hạn chế tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung quy định người sử dụng lao động nếu sau thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất mà không đóng, thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế).

Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên. Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.

Sau khi thực hiện các quy định trên mà người sử dụng lao động vẫn trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì tổ chức Công đoàn, cơ quan Bảo hiểm xã hội khởi kiện ra Toà án. Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan Bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội của các cơ quan, đơn vị bình quân giai đoạn 2016 — 2020 là khoảng trên 10.000 tỷ đồng. Xu hướng chậm đóng vẫn tiếp tục tăng trong các năm tới, đặc biệt là trong bối cảnh các đơn vị doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Xét theo thời gian chậm đóng bảo hiểm xã hội của các cơ quan, đơn vị thì số chậm đóng kéo dài trên 3 năm hiện chiếm tỷ trọng cao, bình quân giai đoạn 2016 -2020 khoảng trên 30%.

Đặc biệt, trong tổng số chậm đóng bảo hiểm xã hội thì số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội khó có khả năng thu hồi có xu hướng tăng nhanh, từ hơn 1.500 tỷ đồng năm 2016 (chiếm 16,3%) tăng lên đến khoảng 2.600 tỷ đồng năm 2020 (chiếm 22%). Đây là thực trạng đáng báo động đối với công tác thu bảo hiểm xã hội.

Với số chậm đóng bảo hiểm xã hội kéo dài, khó có khả năng thu hồi cùng với việc không có cơ sở dữ liệu theo dõi số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội đối với từng người lao động ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động bị chủ sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Thực trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội thời gian qua được lý giải có nhiều nguyên nhân. Đó là công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa được thường xuyên; việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội trong đó có hành vi chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội ở nhiều nơi còn chưa nghiêm.

Cùng với đó, việc thu bảo hiểm xã hội chưa đúng, đủ, kịp thời theo quy định của luật; một số địa phương triển khai các giải pháp đôn đốc thu chưa quyết liệt và hiệu quả, dẫn đến còn tình trạng chậm đóng thời gian dài dẫn đến khó thu.

Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, nhất là khu vực ngoài nhà nước; nhiều doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, ngừng hoạt động, phá sản, chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam.

Về phía người lao động còn thiếu thông tin về việc đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của mình hoặc do áp lực việc làm nên không dám đấu tranh với người sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi của mình.

Quy định của pháp luật đã có nhưng việc triển khai trên thực tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Mặt khác, yếu tố khách quan là tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh, nhiều đơn vị, doanh nghiệp thực sự khó khăn, thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, không có khả năng thực hiện đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận 1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại