Đề xuất hạn chế thu hồi đất vì mục đích kinh tế
Dự luật Đất đai sửa đổi nên hạn chế quyền thu hồi đất để phát triển kinh tế, thay bằng cơ chế thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân, theo chuyên gia Nguyễn Quang Đồng.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nêu rõ, Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trước hết là các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Các dự án do Chính phủ, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư cần thu hồi đất, gồm: Xây dựng khu công nghiệp, chế xuất, công nghệ cao, đô thị; dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức ngoại giao nước ngoài; di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng; công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công.
Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật Nhà nước cần thu hồi đất gồm: giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, năng lượng, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia; công trình thu gom, xử lý chất thải.
Ngoài dự án xây dựng trụ sở và kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các địa phương được thu hồi đất để làm công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; khu đô thị, nhà ở thương mại, dân cư nông thôn; tái định cư, nhà ở cho sinh viên; nhà ở xã hội, công vụ; công trình của tổ chức tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nhà tang lễ, nhà hỏa táng.
Địa phương được thu hồi đất làm cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; khai thác khoáng sản.
Với dự án chỉnh trang khu đô thị, dân cư nông thôn, Nhà nước được thu hồi đất để cải tạo chung cư cũ; khu dân cư bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai đe dọa tính mạng người dân; di dời công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh; bố trí tái định cư; khu dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng.
Dự án lấn biển phục vụ các mục đích nêu trên; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách từ dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì Nhà nước được thu hồi đất.
Việc thu hồi đất với các trường hợp nêu trên phải đáp ứng điều kiện là sử dụng vốn đầu tư công hoặc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Nhà nước được thu hồi đất với các dự án không dùng vốn đầu tư công thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt.
Chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng, Viện Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), cho rằng dự luật Đất đai sửa đổi cần đưa ra được giải pháp để giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan đến thu hồi đất. Ủng hộ việc Nhà nước thu hồi đất với các dự án do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, tuy nhiên ông Đồng nói luật nên hạn chế quyền thu hồi đất của các địa phương để giao cho doanh nghiệp làm dự án kinh tế.
"Nhà nước đứng ra thu hồi đất, sau đó giao doanh nghiệp thực hiện dự án như hiện nay sẽ đẩy nhanh tiến độ, nhưng thường không tạo ra được lợi ích hài hòa giữa các bên. Nhà nước thu hồi đất giá rẻ. Người dân có đất bị thu hồi thiệt thòi, dẫn đến mâu thuẫn xã hội, khiếu kiện kéo dài. Doanh nghiệp chân chính muốn tiếp cận đất đai phải trải qua quy trình phức tạp, thậm chí phải hối lộ cán bộ", ông Đồng phân tích.
Vì vậy, ông Đồng đề xuất dự thảo quy định rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phục vụ quốc phòng, an ninh; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng; chấm dứt việc thu hồi đất do chính quyền địa phương phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
"Cần xem xét bỏ các quy định trong dự thảo liên quan đến dự án cần thu hồi đất do HĐND cấp tỉnh thông qua, gồm dự án nhà ở, thương mại, cụm công nghiệp. Việc chuyển đổi quyền sử đất để thực hiện dự án kinh tế phải dựa trên nguyên tắc người dân và doanh nghiệp thỏa thuận dân sự", ông Đồng nói.
Theo chuyên gia pháp lý đất đai Nguyễn Văn Đỉnh, dự thảo dùng kỹ thuật liệt kê dự án cần thu hồi đất, tương tự Luật Đất đai 2013. Ban soạn thảo chưa làm rõ bản chất, nội hàm của thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội cũng như cách hiểu về lợi ích quốc gia, công cộng. Thực tiễn cuộc sống luôn xuất hiện các loại hình dự án mới cần thu hồi đất. Khi đó, các cơ quan sẽ phải sửa luật. "Đây là nguyên nhân khiến tuổi thọ các luật rất ngắn, chỉ 5-10 năm", ông nói.
Ngoài ra, nếu liệt kê các trường hợp thu hồi đất, khi thi hành luật sẽ phải "nắn chỉnh" dự án để phù hợp. Dự thảo chưa làm rõ tiêu chí "dự án xây dựng khu đô thị", có thể khiến các địa phương gặp khó trong việc xác định dự án Nhà nước thu hồi đất và dự án doanh nghiệp thỏa thuận với người dân.
Tại cuộc họp đầu tháng 8, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại đã được nêu trong Nghị quyết 18 của Trung ương. Tuy nhiên, tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết 18 là chủ yếu thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. "Đây là vấn đề còn nhiều ý kiến, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Xây dựng cần đánh giá thêm tác động đối với nội dung này", Phó thủ tướng chỉ đạo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận