24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hoàng Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đề xuất gói hỗ trợ mới: Gói 1 chưa xong, gói 2 có khó thực hiện?

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất gói hỗ trợ lần thứ 2 dành cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Tổng kinh phí đề xuất gói hỗ trợ mới cho doanh nghiệp và người lao động khoảng 18.600 tỷ đồng. Gói này sẽ hỗ trợ về mặt chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, người lao động được vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm. Điều xã hội đang rất quan tâm hiện nay đó là gói thứ 2 được đề xuất, trong khi gói thứ 1 mới chỉ giải ngân chưa được 1/5.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến giữa tháng 8 mới chỉ có hơn 16 triệu người nhận được hỗ trợ. Lượng giải ngân chỉ đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng, chiếm 19%.

Các nhóm nhận được hỗ trợ đã phần là nhóm lao động thuộc khối được bảo trợ, lao động là người có công, hộ nghèo. Những người chịu tác động nặng nề là những người lao động tự do, lao động phi chính thức lại không tiếp cận được với hỗ trợ này.

"Gói 1 chưa xong, gói 2 liệu có khó thực hiện?" - đây là câu hỏi lớn được tờ Nông thôn ngày nay in đậm trên trang nhất. Nói về nguyên nhân khiến các lao động tự do chưa tiếp cận được hỗ trợ, tờ báo dẫn ý kiến chuyên gia của Tổ chức Oxfarm cho rằng, do lao động tự do không có giấy tờ chứng minh. Yêu cầu phải có đăng ký thường trú hoặc tạm trú là rất khó thực hiện với khối này.

Các chuyên gia cũng nhận định, các điều kiện hỗ trợ của gói này là quá khắt khe, cơ chế thủ tục rườm rà và việc thống kê danh sách tốn nhiều thời gian.

Tờ báo cũng dẫn lời ông Lê Đình Quảng, Phó Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, vẫn nên thực hiện gói hỗ trợ lần 2. Điều này thể hiện tinh thần nhân văn của Chính phủ, góp phần tiếp tục đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt khó trong đại dịch.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ và thay đổi cách thức triển khai trong gói hỗ trợ lần 2 này. Cụ thể, gói thứ 2 này đối tượng hưởng và điều kiện hưởng đã khác gói thứ nhất những có thể vẫn là chưa đủ mà cần được mở rộng hơn.

Còn theo ông Đào Quang Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội - không cần thiết phải triển khai gói hỗ trợ thứ 2. Lý do bởi gói thứ nhất chưa giải ngân hết, do đó chỉ cần đầu tư thêm nguồn lực để làm tốt gói đó.

Ông cũng cho rằng cần phải xây dựng chính sách để các cấp ở địa phương yên tâm thực hiện. Tránh tình trạng sợ làm sai bị xử lý nên không làm. Ông cho hay, việc hỗ trợ trong bối cảnh dịch bệnh này thì cần ứng phó nhanh, không phải quá chú trọng vào an toàn. Chúng ta chỉ có thể hạn chế sai sót thất thoát chứ không thể tránh được.

Tuy nhiên, không phải cứ "bung" hết ra mà không có xem xét, rà soát cụ thể. Đây là quan điểm của tờ Thanh niên. Tờ báo phân tích ngân sách có hạn, nên hỗ trợ phải chảy đúng nơi, đúng chỗ. Quan trọng hơn, trong bối cảnh nguồn lực có hạn phải tính làm sao cho đồng vốn đi ra đạt hiệu quả cao nhất. Đơn cử như hỗ trợ những ngành nghề và doanh nghiệp mà hoạt động của họ có tính lan tỏa. Tức là một doanh nghiệp sống có thể kéo theo nhiều doanh nghiệp khác.

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Đình Cung - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng gói hỗ trợ lần 2 phải thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn tới, ưu tiên cho các ngành nghề có cơ hội chiến thắng dịch bệnh và những ngành nghề theo mô hình kinh doanh mới.

Báo Đại biểu Nhân dân nhấn mạnh điển hình như ngành Ngân hàng điện tử, hay bất động sản công nghiệp... Bên cạnh đó, thể chế, quan điểm điều hành cũng phải thay đổi, cần bỏ hệ thống thanh tra theo kế hoạch, chỉ giữ lại thanh tra chuyên ngành để không tạo rủi ro cho doanh nghiệp; việc xử lý phá sản cũng phải nhanh.

Có thể thấy, khó khăn vẫn còn ở phía trước, vì thế gói hỗ trợ thứ 2 phải khắc phục được các hạn chế của gói thứ nhất để phát huy tối đa hiệu quả cũng như chuyển tải hết sự chia sẻ của Chính phủ với người dân và doanh nghiệp.

"Chính phủ Việt Nam vẫn đang có những đối sách hợp lý khi thực hiện chiến lược vừa chống dịch, vừa giữ nền kinh tế không bị suy sụp. Đến nay cũng đã đạt được kết quả tương đối tốt" - đây là nhận định của PGS.TS.Trần Đình Thiên, thành viên, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trên tờ Đầu tư. Thông điệp về mục tiêu kép này cũng đã được người đứng đầu chính phủ nhấn mạnh trên các diễn đàn quốc tế.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả