menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Cường

Đề xuất giãn hoãn nợ, mở rộng điều kiện vay và giảm lãi cho doanh nghiệp

Tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm vẫn thấp dù nguồn vốn không thiếu. Nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận dòng tiền vì không đáp ứng đủ điều kiện vay. Ngày 30/3, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: NHNN sẽ tiếp tục vận động các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất trong thời gian tới; đồng thời đề xuất chính sách giãn hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp.

Linh hoạt trong tài sản thế chấp; giữ nguyên nhóm nợ

Ông Lê Mai Hữu Lâm - Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi than thở: “Lãi suất ngân hàng vẫn ở mức rất cao, trong khi đối với doanh nghiệp sản xuất, nếu quản lý rất tốt, lãi ròng chỉ đạt khoảng 6 - 7%”.

Theo ông Lê Mai Hữu Lâm, để phát triển nền công nghiệp phụ trợ, Nhà nước phải là “bà đỡ”. Doanh nghiệp cần được hỗ trợ về lãi suất cũng như mở rộng điều kiện cho vay. “Chẳng hạn, bên cạnh cho vay dựa vào tài sản thế chấp là nhà xưởng, ngân hàng cần xem xét cho vay dựa trên hợp đồng doanh nghiệp thuê đất dài hạn 50 năm ở các khu công nghiệp để xây nhà xưởng và sản xuất kinh doanh”, đại diện Công ty CP Sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi đề xuất.

“Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín hiện được hưởng lãi suất 8 - 8,5%/năm là tạm chấp nhận được nhưng nông dân cung ứng đầu vào rất khó tiếp cận vốn”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T nêu khó khăn.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Vina T&T chuyên xuất khẩu rau quả, hiện có thị trường, xuất khẩu được và có dòng tiền nên được hưởng lãi suất dao động 8 - 8,5%. Tuy nhiên, thực tế lãi suất chung của ngân hàng trung bình vẫn trên 10% nên đa số doanh nghiệp khó trụ được trong thời điểm này. Nhiều doanh nghiệp không có đầu ra, ngân hàng yêu cầu dòng tiền và nhiều điều kiện mới hỗ trợ.

“Khó khăn nữa của nông dân tham gia chuỗi liên kết trong việc vay vốn ngân hàng. Ở Việt Nam, người nông dân từ Bắc vào Nam đã đổ vốn vào nông nghiệp, cây trồng dài hạn rất lớn nhưng ngân hàng không xem đây là tài sản để có thể vay vốn. Mong NHNN có chính sách để định giá được tài sản trên đất bởi khi đã trồng cây xuống đất 1 - 2 năm, đã ra lứa trái cây đầu tiên thì mang lại doanh thu. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ, đừng để tình trạng người nông dân có đất nhưng không có tiền đầu tư trong khi người đi thuê không có đất cũng không vay được”, lãnh đạo Công ty Vina T&T trăn trở.

“Ngành cơ khí để có lời khi trả lãi trên 10% là không thể!”, ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc chia sẻ. Theo ông Nguyễn Văn Trí, quá trình vận hành doanh nghiệp, nguồn vốn vay ngân hàng còn phải đổ vào nhiều đầu việc khác như: Đóng thuế, trả lương, mua máy móc thiết bị… Trong khi đối với ngành sản xuất làm ra được đồng tiền để trả lãi ngân hàng là rất khó. “Để kiếm ra được đồng lãi trả lãi 10% trở lên là điều không thể. Vì doanh nghiệp không làm ra sản phẩm bán lời tới 20 - 30%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn bị áp lực trong việc cạnh tranh với thị trường Trung Quốc”, ông Nguyễn Văn Trí khẳng định.

Trong những tháng qua, ngành dệt may cũng gặp không ít khó khăn do các thị trường xuất khẩu giảm mạnh trong khi đang đối diện với các khoản vay nợ cũ đã đến hạn. Nếu không có các cơ chế để xử lý, nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển sang nợ xấu, kéo theo nhiều hệ lụy.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, Phạm Văn Việt, các doanh nghiệp hiện cần vốn ngắn hạn đề duy trì hoạt động; đồng thời cũng cần nguồn vốn đề đầu tư và tái cấu trúc. “Chúng tôi kiến nghị NHNN cũng như các ngân hàng cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp linh hoạt như giữ nguyên nhóm nợ; linh hoạt tài sản đảm bảo, điều kiện cho vay... Nếu vẫn giữ điều kiện như trong bối cảnh bình thường, doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận vốn”, ông Phạm Văn Việt đề xuất

Quy định cho vay làm khó ngành nông nghiệp

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ chia sẻ: “Hơn 30 năm làm nông nghiệp, chăn nuôi nhưng hiện là thời điểm khó khăn nhất của ngành này. Chính sách Nhà nước có, nhưng tới ngân hàng thì không vay được”.

Cụ thể, người dân mua đất làm trang trại rất cao nhưng đến khi thế chấp, ngân hàng định giá theo khung Nhà nước rất thấp. Trước kia hạn mức tín dụng cho vay cá nhân 30 tỷ đồng, từ năm 2020 giảm còn 20 tỷ đồng dù tài sản thế chấp hiện vẫn trên 30 tỷ đồng. “Chẳng lẽ chúng tôi xẻ đôi tài sản để vay ngân hàng khác? Hỏi ngân hàng thì được trả lời đó là chính sách chung, muốn thay đổi thì hỏi Trung ương”, ông Nguyễn Văn Ngọc trải lòng.

Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ đề xuất: Ngân hàng nên cho vay với tài sản hình thành trong tương lai (công nghệ máy móc nhập khẩu, đã có hợp đồng mua bán, hóa đơn), để đầu tư để đổi mới công nghệ. “Đề nghị NHNN xem xét, cho nông dân trả lãi thôi, còn chậm trả gốc vì thực tế chỉ là vấn đề sổ sách, còn tài sản đảm bảo ngân hàng vẫn đang giữ”, ông Nguyễn Văn Ngọc đề xuất.

Ông Hoàng Trọng Hiếu, Giám đốc cao cấp kinh doanh ngân hàng Techcombank cho biết: Nhờ các gói "may đo" riêng cho từng ngành hàng nên thời gian xử lý hồ sơ của Techcombank đã giảm xuống đáng kể. Ngay khi xu hướng thị trường gặp khó khăn, từ đầu năm tới nay, Techcombank đã có giải pháp, có chương trình cụ thể là Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi lãi suất tới 2% cho khách hàng doanh nghiệp.

“Không những điều chỉnh về lãi suất, mà chúng tôi phải điều chỉnh các thủ tục, giảm thiểu thời gian để doanh nghiệp tiếp cận vốn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận vốn thông qua đăng ký sử dụng các hạn mức trên nền tảng số. Với khách hàng doanh nghiệp lớn hơn, chúng tôi cấu trúc giải pháp dựa trên đặc thù ‘may đo’ của từng ngành. Chúng tôi tìm kiếm những chuyên gia từng ngành để am hiểu ngành, hiểu khó khăn nội tại, vướng mắc của quy trình vận hành của từng doanh nghiệp, từ đó cũng thiết kế tối ưu, thời gian rút ngắn trong quá trình giải quyết vay vốn cho doanh nghiệp”, ông Hoàng Trọng Hiếu chia sẻ.

Còn ông Trần Hoài Phương - Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp HDBank chia sẻ: “Trước hết, NHTM hay doanh nghiệp thì đều là doanh nghiệp, đều tham gia sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị cho xã hội. Một tháng trước đây chẳng có khái niệm ở Mỹ có các ngân hàng dễ dàng sập chỉ trong vòng một đến hai tuần. Điều này thể hiện nền kinh tế đang gặp khó khăn. Trong quá trình thẩm định, đối với HDBank, tài sản đảm bảo là yếu tố để ngân hàng quyết định cho vay, vì liên quan đến việc bảo vệ nguồn vốn, quyền lợi cổ đông, tuân thủ quy định của NHNN”.

Theo ông Trần Hoài Phương, ngân hàng cung cấp tín dụng, muốn thấy phương án tạo dòng tiền như thế nào, trên cơ sở đó mới cấp vốn vay, tài sản cứng là phần quan trọng nhưng không phải tất cả.

Hiện, ngân hàng HDBank có nhiều phương án cấp tín dụng mà không cần tài sản đảm bảo. Chẳng hạn, ngân hàng cấp tín dụng cho khách hàng trên việc thẩm định dòng tiền và khả năng thanh toán của khách hàng. Hay theo hướng 3-4 bên, nếu nhà cung ứng (bên vay) bán hàng cho doanh nghiệp lớn, thì ngân hàng sẽ xem xét cấp tín dụng dựa trên mối quan hệ này, chứ không phải chỉ tính độc lập mỗi nhà cung ứng.

Tiếp tục vận động NHTM giảm lãi suất

Trước tình hình trên, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, sẽ tiếp tục vận động các NHT giảm lãi suất trong thời gian tới; đồng thời đề xuất chính sách giãn hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Đào Minh Tú cho biết: "Mục tiêu năm 2023 là tiếp tục duy trì ổn định giá trị đồng tiền, cố gắng phấn đấu kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá. Chính sách lãi suất là chính sách khó nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó phải nền kinh tế phát triển, hài hoà nhà đầu tư, doanh nghiệp, phù hợp với nhiều lĩnh vực… Mặc dù hiện nay nhiều nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất, nhưng NHNN Việt Nam vẫn giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Vốn hiện nay đang thừa, chúng tôi khuyến khích cho vay".

"Thông điệp của NHNN là kêu gọi các NHTM giảm lãi suất cho vay thêm trong thời gian sắp tới để hỗ trợ doanh nghiệp. Từ cơ sở này, NHTM sẽ giảm lãi suất tuỳ theo năng lực tài chính của từng ngân hàng", ông Đào Minh Tú chia sẻ thêm. Bên cạnh đó, việc giãn/hoãn nợ cho doanh nghiệp là việc cần thiết, sắp tới sẽ triển khai. Tuy nhiên, việc giãn/hoãn nợ phải phù thuộc vào ngành nghề, tránh trường hợp xảy ra nợ xấu, hay dẫn đến thiếu sự ổn định an toàn về tín dụng.

Mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Nguyễn Thị Hương cũng chỉ ra những thách thức, khó khăn lớn của nền kinh tế. Đó là sự sụt giảm của ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo đối với các mặt hàng phục vụ cho xuất khẩu. Còn mặt hàng phục vụ cho tiêu dùng trong nước thì vẫn sản xuất và tiêu dùng tốt.

Theo lãnh đạo TCTK, hoạt động về đăng ký doanh nghiệp làm cho bức tranh doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn khi cả đầu vào và đầu ra đều bị tác động. Ngoài ra, chính sách tài chính, tiền tệ thắt của các nước đang đe dọa đến an ninh tài chính toàn cầu - đây cũng chính là mối đe dọa khó đoán định và là thách thức rất lớn đối với nền kinh tế trong thời gian tới...

Tín dụng tăng thấp trong 3 tháng đầu năm

Số liệu của TCTK cho thấy, tính đến thời điểm 20/3, tổng phương tiện thanh toán tăng 0,57% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,49%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,77% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,15%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 4,03%).

Trên thị trường liên ngân hàng phiên hôm qua, lãi suất chào bình quân tiền đồng tiếp tục giảm 0,04 - 0,34% ở tất cả các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất qua đêm chỉ còn 1,16%/năm. Sáng nay, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm thêm.

Năm 2023, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Tuy nhiên, nhiều khả năng tín dụng sẽ tăng thấp hơn con số này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại