24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đề xuất giảm phí trước bạ ô tô, đánh thuế VAT với phân bón: Có gây nghịch lý?

Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất giảm phí trước bạ ô tô là hỗ trợ người giàu, trong khi áp thuế VAT với phân bón là tạo gánh nặng cho nông dân vốn là những người nghèo.

Dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó đề xuất đánh thuế 5% với mặt hàng phân bón, thay vì không bị đánh thuế như hiện nay, gây những ý kiến trái chiều.

Nhiều mặt hàng được hỗ trợ, vì sao phân bón lại không?

Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) nêu quan điểm, việc đánh thuế VAT 5% đối với phân bón là không hợp lý, nhất là trong bối cảnh hiện nay nhiều mặt hàng còn được giảm 2% VAT đến hết năm 2024 để tháo gỡ khó khăn, phục hồi kinh tế. Mở rộng hơn nữa có thể thấy ngay cả mặt hàng ô tô dành cho những người có thu nhập cao cũng đang được đề xuất giảm 50% phí trước bạ.

Đề xuất thu 5% thuế VAT đối với phân bón sẽ tác động trực tiếp vào 9,1 triệu nông dân, trong khi người càng có thu nhập thấp thì càng nên được hỗ trợ. Vì thế, đây có thể tạo nên một nghịch lý khiến nhiều người không đồng tình, cần được cơ quan chức năng xem xét cẩn thận, thấu đáo.

“Vì sao nhiều mặt hàng được giảm thuế VAT, ô tô thì được giảm phí trước bạ còn phân bón thì lại nâng thuế? Nếu tăng thuế suất 5% sẽ ảnh hưởng đến những người nông dân, như thế có phải là đang tạo điều kiện cho người giàu và không tạo điều kiện cho người nghèo, người có thu nhập thấp hay không?”, đại biểu Linh nói.

Đề xuất giảm phí trước bạ ô tô, đánh thuế VAT với phân bón: Có gây nghịch lý?

Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, trong 6 tháng, từ 1/8/2024 đến 31/1/2025. (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho rằng, hiện nay chúng ta đang thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Điều này tức là đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng theo hướng tiếp tục giảm thuế (giảm thuế 2% cho đến cuối năm 2024). Đồng thời, tiếp tục sẽ có những biện pháp để kích cầu tiêu dùng và sản xuất đến cuối năm 2025, khi đó mới đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng.

Việc sửa đổi luật đưa mức chịu thuế lên 5% đối với một số mặt hàng, trong đó có phân bón sẽ làm giảm sức cạnh tranh, gây áp lực lạm phát các mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

"Việc thiết kế hai chính sách này rất dễ gây xung đột chính sách khi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng nhưng lại đưa đối tượng mới chịu thuế, sẽ làm giảm chính sách tài khóa mở rộng chúng ta đang thực hiện", ông Tuấn nói.

Vì vậy, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, cần thiết kế chính sách theo lộ trình, nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp phải tính toán lại chính sách thuế hợp lý, có thể đưa vào mức chịu thuế 0% thay vì 5% như dự thảo luật để doanh nghiệp được khấu trừ thuế. Khi đó, sản phẩm lương thực, thực phẩm đầu ra không bị áp lực tăng giá mà vẫn thực thi chính sách tài khóa mở rộng tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn.

Ngoài ra, đại biểu này còn cho rằng, từ nay đến cuối năm 2025 cần tiếp tục thực hiện những chính sách tài khóa mở rộng, trong đó chính sách tài khóa còn dư địa rất nhiều. Do đó, cần thiết kế theo hướng giao Chính phủ đưa vào đối tượng chịu thuế đúng với lộ trình cải cách thuế nhưng cần có thời gian thực hiện phù hợp với điều kiện tình hình thực tế.

Không nên thu của người nghèo trả cho người giàu

Giải thích cơ sở áp thuế VAT với phân bón, Bộ Tài chính cho rằng việc mặt hàng này không thuộc diện chịu thuế sẽ không được hoàn thuế khoảng 1.500 tỷ đồng/năm.

Còn nếu áp thuế sẽ giúp mặt hàng này được giảm chi phí do doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế, đồng thời, giúp sản phẩm phân bón trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu do mặt hàng phân bón nhập khẩu được các nước hoàn thuế.

Phân tích kỹ hơn với VTC News về nội dung này, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho biết, hiện nay với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước thuộc đối tượng không được khấu trừ thuế VAT đầu ra, do đó vật tư đầu vào sẽ không được hoàn VAT. Trong khi phân bón nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam thì lại được hoàn thuế đầu vào của nước họ.

“Như vậy trên sân nhà, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ chịu thiệt thòi. Chính vì thế mới có đề xuất chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế VAT để gỡ khó, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nội”, ông Lâm nói.

Vị đại biểu này cũng chỉ ra rằng, nếu đánh thuế VAT đầu ra phân bón trong nước sẽ được 5.700 tỷ đồng, đánh thuế VAT đầu vào 1.500 tỷ đồng, và đánh thuế VAT của phân bón nhập khẩu khoảng 2.000 tỷ đồng. Tổng tăng thu ngân sách, riêng với phân bón 6.200 tỷ đồng. Nếu cả máy móc, thiết bị vật tư khác là 6.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Lâm đặt câu hỏi: "Số tiền này lấy từ đâu, không lẽ từ doanh nghiệp? Thực tế là nông nghiệp, nông dân phải chịu".

"Việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất mặt hàng này cạnh tranh bình đẳng trên sân nhà với sản phẩm cùng loại nhập khẩu là cần thiết. Nhưng không nên đẩy trách nhiệm này cho nông nghiệp, nông dân, không nên thu của người nghèo trả cho người giàu.

Hiện nay chỉ 4 nhà sản xuất phân bón trong nước trong khi có tới gần chục triệu hộ nông dân. Việc áp thuế có nghĩa là khiến gần chục triệu nông dân này phải lo gánh thuế để hoàn thuế cho doanh nghiệp", ông Lâm nhấn mạnh.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng dẫn giải: Nếu như có thuế 5%, ngân sách sẽ thu được khoảng 5.700 tỷ đồng và để bù trừ cho các doanh nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng, ngân sách sẽ còn thu lãi khoảng 4.200 tỷ đồng. "4.200 tỷ ngân sách thu được và 1.500 tỷ đồng bù đắp cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón lấy ở đâu ra? Rõ ràng tiền này lấy từ nông dân, bà con phải trả tiền nhiều hơn, điều đấy thể hiện bất hợp lý", ông Cường đặt vấn đề.

Theo ông Cường, bây giờ chúng ta chuyển từ không được khấu trừ đầu vào của doanh nghiệp sang không được khấu trừ đầu vào của nông dân, như vậy nông dân chịu thiệt hại. Thay vào đó, nên áp dụng thuế suất VAT cho phân bón là 0% và cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Đề xuất giảm phí trước bạ ô tô, đánh thuế VAT với phân bón: Có gây nghịch lý?

Áp thuế 5% với phân bón, mỗi hộ nông dân phải trả thêm 461.000 đồng/năm, tương ứng mỗi tháng 38.000 đồng. (Ảnh minh họa)

Áp thuế với phân bón, nông dân có hưởng lợi?

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trước đây, mặt hàng phân bón từng được đưa vào diện chịu thuế, xong Quốc hội bỏ ra, nay lại đưa vào áp thuế, cơ quan soạn thảo sẽ phải đánh giá lại tác động để trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay. Dự thảo đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế 5% giúp doanh nghiệp trong nước không bất bình đẳng với doanh nghiệp nhập khẩu và được hoàn thuế, để tạo nguồn lực cho doanh nghiệp có thể đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm và phát triển bền vững.

Về số tiền hoàn thuế, Bộ trưởng nêu rõ trên cơ sở đánh giá tác động lên giá bán phân bón và ảnh hưởng tới người dân, mỗi hộ nông dân chỉ phải trả thêm 461.000 đồng/năm, tương ứng mỗi tháng 38.000 đồng.

Hơn nữa, giá bán phân bón còn chịu tác động của cung - cầu thị trường, chứ không phải chịu mỗi tác động từ thuế. Nguồn cung tăng lên thì giá bán phân bón hạ xuống và ngược lại.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng mức thuế 5% là phù hợp, bởi các doanh nghiệp sản xuất sẽ có khoản chênh lệch giảm trừ ở VAT đầu vào ở mức 7 - 8%, chi phí sản xuất phân bón sẽ giảm 2 - 3%, từ đó có cơ sở giá bán thấp hơn, có lợi cho nông dân.

Ngoài ra, các sản phẩm phân bón nhập khẩu cũng phải tính thuế VAT 5%, khiến giá bán cao lên, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi ngân sách nhà nước cũng có lợi nhờ thu được 5% của các sản phẩm nhập khẩu.

“Còn nếu áp dụng mức 0%, các sản phẩm phân bón nước ngoài lại không phải đóng thuế, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Trong khi nếu áp ở mức từ 7 - 10 % thì sẽ không thể hiện được ưu đãi của nhà nước với ngành này.

Giá thành phân bón sản xuất trong nước giảm, người nông dân sẽ được hưởng lợi lâu dài. Ngoài ra, Nhà nước sẽ dùng chính số tiền thu được từ việc đánh thuế này để tạo các chính sách ưu đãi, phục vụ trở lại cho bà con nông dân", ông Thịnh nêu.

Tuy nhiên, theo phân tích của đại biểu Hoàng Văn Cường, ngay báo cáo đánh giá của Bộ Tài chính cũng chỉ ra từ tháng 1/2015, sau khi áp thuế 0% thì lập tức giá phân bón giảm xuống 500.000 đồng, đến năm 2016 lại giảm, năm 2017 tiếp tục giảm 700.000 - 800.000 đồng, có nghĩa liên tục giảm sau khi chúng ta chuyển từ thuế 5% xuống 0%.

Ông Cường nói, đến tận năm 2018 bắt đầu giá mới tăng lên là do nhà máy phân đạm Phú Mỹ không hoạt động hết công suất; đến năm 2022 vừa qua tăng rất nhiều là do chiến tranh của Nga - Ukraine.

"Do vậy, không có lý do gì nói rằng, chúng ta tăng thuế mà lại có khả năng giảm giá, không thể nói tăng thuế như thế là bà con nông dân được hưởng lợi", ông Cường nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả