Đề xuất đầu tư 855 triệu USD xây 48 km đường vành đai 3 TP.HCM đạt chuẩn cao tốc
Hai phân đoạn thuộc tuyến vành đai 3, TP.HCM đoạn Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 và đoạn Quốc lộ 22 – Bến Lức dài 48 km sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe.
Tổng công ty Đầu tư phát triển & quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long vừa đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho phép nghiên cứu phương án đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3, TP.HCM đoạn Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 – Bến Lức theo hình thức đầu tư công, bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB, Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Theo đó, tổng chiều dài của tuyến đường thuộc Dự án là 48 km, trong đó đoạn Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 dài 19,1 km và đoạn Quốc lộ 22 – Bến Lức dài 28,9 km, đi qua địa phận các tỉnh Bình Dương, Long An và TP.HCM.
Dự án sẽ xây dựng theo quy mô cao tốc 4 làn xe, chiều rộng nền đường 24,5 m đối với giai đoạn 1; 6 – 8 làn xe, chiều rộng nền đường 67 – 74,5 m đối với giai đoạn hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Tổng công ty Đầu tư phát triển & quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long đề xuất chia Dự án làm 2 dự án thành phần, trong đó Dự án thành phần đoạn Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 dài 19,1 km có tổng mức đầu tư khoảng 9.955 tỷ đồng, tương đương 428,37 triệu USD, dự kiến huy động 198,14 triệu USD từ EDCF và 230,23 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án thành phần 2 đoạn Quốc lộ 22 – Bến Lức dài 28,9 km có tổng mức đầu tư khoảng 9.915,6 tỷ đồng, tương đương 426,66 triệu USD, dự kiến kêu gọi 260,83 triệu USD vốn vay ADB và 65,83 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Trong trường hợp được Bộ Giao thông - Vận tải chấp thuận, Tổng công ty Đầu tư phát triển & quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long sẽ trình đề xuất dự án sử dụng vốn vay đối với 2 dự án thành phần để Bộ Giao thông - Vận tải xem xét và trình Bộ Kế hoạch và đầu tư theo quy định.
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3, TP.HCM đoạn Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 – Bến Lức đã từng được nghiên cứu đầu tư theo hình thức PPP nhưng gặp nhiều vướng mắc trong đó có việc qua thăm dò các nhà đầu tư nước ngoài chưa sẵn sàng và quan tâm tới dự án khi cơ chế, chính sách trong nước liên quan đến PPP chưa rõ ràng, nhà nước chưa có hỗ trợ bảo lãnh rủi ro. Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước có năng lực tài chính thấp, khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để triển khai công trình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận