Đề xuất đấu thầu quyền thu phí cao tốc
Với các tuyến cao tốc được nhà nước đầu tư bằng ngân sách, ông Trần Chủng, Chủ tịch VARSI, cho rằng có thể đấu thầu, giao cho tư nhân quyền vận hành, khai thác.
Tại tọa đàm quản lý cao tốc theo hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M) sáng 12/5, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư công trình giao thông (VARSI), nói hiện cả nước có hơn 1.000 km cao tốc đã được xây dựng từ nguồn vốn nhà nước và vốn doanh nghiệp. Dự kiến có khoảng 5.000 km cao tốc đến năm 2030. Sau khi đầu tư xây dựng, nhà nước cần thu hồi lại vốn để đầu tư các tuyến đường khác.
Tuy nhiên, hiện chưa có khung pháp lý cho quản lý, khai thác các dự án cao tốc, gây lúng túng cho các bên tham gia. Đây là khoảng trống cần khắc phục, là cơ sở để vận hành quản lý các tuyến cao tốc Bắc Nam thời gian tới.
Ông Chủng đề xuất nhà nước lựa chọn doanh nghiệp O&M có năng lực, có thể giao cho công ty tư nhân đảm nhiệm thu phí, vận hành cao tốc. Đơn vị này không chỉ thu phí chính xác, không để thất thoát mà còn điều tiết đảm bảo trật tự giao thông, cứu nạn cứu hộ và bảo trì thường xuyên để đường không xuống cấp.
TS Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, thông tin đến năm 2025 dự kiến có thêm 1.675 km cao tốc được đầu tư từ vốn ngân sách với tổng vốn đạt hơn 315.000 tỷ đồng. Nguồn vốn lớn đặt ra yêu cầu phải có cơ chế thu hồi để hoàn trả ngân sách và tiếp tục tái đầu tư.
Ông Mười đề nghị sớm chọn đơn vị thu phí trên cao tốc TP HCM - Trung Lương để đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi triển khai đồng loạt trên các tuyến cao tốc khác. Bởi tuyến này đang dừng thu phí gây thiếu nguồn vốn bảo trì.
Để hợp đồng O&M khả thi, ông Mười cho rằng thời gian thực hiện hợp đồng phải hợp lý để đảm bảo nguồn lực tài chính của nhà đầu tư, thời gian khai thác ổn định, phù hợp, đặc biệt là nhà nước cần công khai minh bạch trong lựa chọn doanh nghiệp dự án.
Dẫn kinh nghiệm ở Nhật Bản đã nhượng quyền thành công nhiều tuyến cao tốc cho tư nhân, đại diện Công ty Taiyu Việt Nam cho rằng cách tuyển chọn là mở thầu công khai, nhận đề xuất từ nhiều ứng viên. Hội đồng tuyển chọn sẽ đánh giá hồ sơ, sau đó chọn ứng viên vào vòng đàm phán dựa theo nhiều tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm.
Các đơn vị được nhận quyền vận hành thực hiện hợp đồng trong khoảng 30 năm, trả tiền một phần cho nhà nước, số còn lại được trả góp. Các công ty đường bộ dùng số tiền này để bù đắp chi phí xây dựng cao tốc trước đó.
Công ty được nhượng quyền có thể tăng lợi nhuận từ kinh doanh trạm dừng nghỉ, tổ chức sự kiện để thu hút phương tiện lưu thông, giảm chi phí quản lý, bảo trì...
Ông Đoàn Tiến Giang, chuyên gia về PPP, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cũng khẳng định, mô hình O&M đã được nhiều nước áp dụng. Nhà nước và nhà thầu tư nhân ký kết hợp đồng trong 5-7 năm hoặc 30 năm tùy theo mô hình. Nhà đầu tư có thể không hoặc trả trước phí nhượng quyền.
Là đơn vị khai thác vận hành nhiều tuyến cao tốc, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, cho biết nhiều bất cập trong đầu tư dự án cao tốc hiện nay là chưa có khu dừng nghỉ, trạm xăng, các hạng mục này thường tách riêng do địa phương đầu tư, gây thiếu đồng bộ, khó khăn cho lái xe. Bộ Giao thông Vận tải nên bổ sung các khu dừng nghỉ là một cấu phần của cao tốc và tổ chức đấu thầu khai thác.
Ngoài ra, kinh phí bảo trì, bảo dưỡng hạn chế do tính toán đơn giá theo cách tính cũ, công nghệ cũ. Ông Huy dẫn chứng Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến cao tốc có mật độ phương tiện lớn nên đơn vị phải bố trí lực lượng ứng trực cả ngày. Tuy nhiên, quy định hiện hành chỉ tính chi phí cứu hộ cho từng vụ nên đơn vị phải thêm chi phí để duy trì lực lượng cứu hộ.
Đồng thời, ông Huy cho rằng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích áp dụng khoa học, công nghệ. Để đơn vị quản lý, vận hành cao tốc chủ động đầu tư thiết bị bảo trì đường thì cần được giao khai thác, kinh doanh trên 10 năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận