Đề xuất cơ chế đặc thù, tăng dư nợ vay vốn của Đà Nẵng lên 15.000 tỉ đồng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều cơ chế đặc thù.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Đà Nẵng.
Một trong những nội dung nổi bật cùa dự thảo Nghị quyết là việc huy động vốn đầu tư phát triển cho TP Đà Nẵng.
Cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định: "Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước."
Theo Bộ KH-ĐT, Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1-11-2016 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, chính sách, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Đà Nẵng quy định mức dư nợ vay của địa phương này không vượt quá 40% thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.
Với quy định này, theo dự toán ngân sách năm 2019 đã được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 73/2018/QH14 ngày 14-11-2018 mức dư nợ vay tối đa của Đà Nẵng là 6.577 tỉ đồng, nếu nâng mức dư nợ vay lên 60%, tính theo dự toán năm 2019 đã được Quốc hội giao, dự nợ vay tối đa của TP khoảng 9.865 tỉ đồng, tăng 3.288 tỉ đồng so với quy định hiện hành.
Dự kiến, năm 2020 mức dư nợ vay tối đa của Đà Nẵng theo quy định tại Nghị định 144/2016/NĐ-CP là 10.060 tỉ đồng, trường hợp vay lên 60% thì dư nợ vay tối đa khoảng 15.000 tỉ đồng, tăng 5.000 tỉ đồng so với quy định hiện hành.
Bộ KH-ĐT cho rằng, việc quy định tăng giới hạn mức dư nợ vay bảo đảm cho Đà Nẵng có thêm dư địa được vay và phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như hiện nay.
Đồng thời đáp ứng được nhu cầu vay lại vốn nước ngoài đã ký Hiệp định hoặc dự kiến kêu gọi vốn vay ODA và vay ưu đãi của các Nhà tài trợ định trong thời gian tới để thực hiện đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của thành phố với tổng nhu cầu vốn khoảng gần 6,3 tỉ USD .
"Việc tăng mức dư nợ vay này được kiểm soát trong giới hạn nợ công cho phép, vì tổng mức vay và bội chi ngân sách của Đà Nẵng hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định. Đồng thời, tạo điều kiện cho thành phố có thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, huy động vốn đầy đủ, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, đảm bảo an toàn, bền vững nợ công"- Bộ KH-ĐT nêu rõ.
Cơ quan soạn thảo cũng đã có đánh giá báo cáo tác động của chinh sách nêu trên. Đối với tác động về mặt xã hội, Bộ KH-ĐT cho rằng, chính sách này sẽ giúp thành phố Đà Nẵng tăng nguồn lực, đảm bảo chủ động được nguồn lực để đầu tư phát triển, trong đó tập trung nguồn vốn để đầu tư các dự án xây dựng cơ bản, dân sinh bức xúc trong lĩnh vực môi trường, cấp thoát nước, giao thông đô thị, y tế, giáo dục,...thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội hướng tới xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn khu vực duyên hải miền Trung – Tây Nguyên, của cả nước và khu vực Đông Nam Á theo mục tiêu của Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019.
Theo Bộ KH-ĐT, thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua đối với dự thảo Nghị quyết vào kỳ họp thứ 9 năm 2020 của Quốc hội khóa XIV.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận