Đề xuất cho mở các điểm bán hàng tại khu chung cư
Chiều 19/7, tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và các tỉnh phía Nam về thúc đẩy sản xuất, cung ứng nông sản trong điều kiện dịch COVID-19...
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT TP HCM cho biết, các chợ đầu mối, truyền thống chiếm 60% -70% thị phần lượng cung ứng các mặt hàng rau, củ, quả, thủy hải sản, thịt gia súc…cho thành phố. Từ khi các chợ tạm ngưng hoạt động, hoạt động cung ứng hàng hóa đang gặp rất nhiều khó khăn.
Người dân chủ yếu mua thực phẩm qua hệ thống siêu thị và cửa hàng. Song do chuỗi cung ứng bị cắt giảm gây tác động tâm lý đến người dân dẫn đến tình trạng mua tích trữ thực phẩm; một số người bán lợi dụng tình hình tăng giá thực phẩm.
Từ tháng 6 và nửa đầu tháng 7, hầu hết các sản phẩm tại TP HCM đều tăng so với các tháng trước đó. Cụ thể, giá lương thực tăng 0,46%; giá thực phẩm tăng 0,37%. Trong đó rau củ quả tăng mạnh, như bắp cải tăng 18,53%, su hào tăng 5,28%, đậu cô ve tăng 22,78%, rau muống tăng 5,38%, rau tươi khác tăng 5,63%.
Ông Hiệp cho biết, so với nhu cầu của người dân, mỗi ngày lượng thực phẩm của TP HCM đang bị thiếu hụt khoảng 1.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống, không tính thực phẩm chế biến, đồ khô; và khoảng 3 triệu quả trứng/ngày…
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho biết, từ khi TP HCM thực hiện lệnh giãn cách xã hội, các sản phẩm đóng gói, chế biến về thành phố giảm 50%. Trong đó một số nhà máy cung ứng thịt heo đã cắt giảm 30% nhân công; hoạt động cung ứng từ các tỉnh khác về bị gián đoạn gây khó khăn trong tiếp nhận hàng hóa trên toàn địa bàn thành phố.
Tại Hà Nội, bà Hậu cho biết, từ tối 18/7, người dân đã vào các siêu mua hàng nhiều hơn, lượng hàng hóa tăng lên nhiều. Hiện các hệ thống siêu thị tăng cường tiếp nhận hàng hóa từ nguồn cung cấp để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong thời gian tới.
“Trước tình hình trên, chúng tôi đề xuất các địa phương có thể mở thêm các điểm bán hàng tại các khu chung cư trong điều kiện đảm bảo phòng chống dịch; đề nghị các bộ và địa phương có những giải pháp để hàng hóa lưu thông thuận tiện, không để hàng hóa ùn nơi sản xuất, nhưng thiếu nơi bán hàng”, bà Hậu cho hay.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thành Nam cho biết, trong bối cảnh cách ly xã hội áp dụng trên diện rộng tại 19 tỉnh, thành, các địa phương cần rà soát hoạt động cung ứng hàng hóa của các thương nhân kinh doanh mặt hàng chủ lực.
Tại TPHCM, các quận, huyện cần rà soát, tổ chức địa điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời. Các đơn vị quản lý chợ đầu mối tổ chức, thông tin và triển khai đăng ký, tạo điều kiện cho thương nhân chủ động giao dịch, mua bán trở lại.
Đối với vấn đề các địa phương lân cận, cần thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, tổ chức khử khuẩn phương tiện, thay đổi tài xế… bàn giao phương tiện để tiếp tục vận chuyển, lưu thông hàng hóa, đặc biệt không để dịch COVID-19 lây lan trong các nhà máy, doanh nghiệp chế biến.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận