menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy Hạnh

Đề xuất chỉnh sửa hoàn thiện pháp luật về Phòng chống rửa tiền

Cơ chế phòng, chống rửa tiền (PCRT) vẫn còn nhiều bất cập, cần sớm hoàn thiện cơ chế này để Luật PCRT đi vào cuộc sống.

PCRT thường được xem xét dưới góc độ 04 trụ cột chính, bao gồm: Hệ thống pháp luật về PCRT; Thực hiện các biện pháp PCRT tại các đối tượng báo cáo; Cơ chế quản lý, điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền và Hợp tác quốc tế về PCRT. Trong đó, việc triển khai thực hiện các biện pháp PCRT tại đối tượng báo cáo giữ vai trò quan trọng giúp đối tượng báo cáo phòng ngừa việc bị tội phạm lợi dụng để rửa tiền.

Thực hiện các biện pháp PCRT ở Việt Nam

Luật PCRT quy định hai nhóm đối tượng báo cáo có nghĩa vụ phải thực hiện các biện pháp PCRT, gồm nhóm các tổ chức tài chính (các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm…) và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính được chỉ định (luật sư, kế toán, công chứng…).

Đối tượng báo cáo phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa rửa tiền gồm: Nhận biết, xác minh và cập nhật thông tin khách hàng; phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền; Xây dựng quy định nội bộ về PCRT; Rà soát, phát hiện và báo cáo giao dịch đáng ngờ và các giao dịch vượt ngưỡng giá trị phải báo cáo; Lưu trữ và bảo mật thông tin; Áp dụng biện pháp tạm thời; Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ PCRT cho cán bộ, nhân viên; Kiểm toán nội bộ việc tuân thủ các chính sách, quy định, quy trình và thủ tục liên quan đến hoạt động PCRT.

Hiện nay, hầu hết các đối tượng báo cáo như ngân hàng, công ty chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm và một số nhóm đối tượng báo cáo khác đã triển khai thực hiện các biện pháp PCRT tại tổ chức mình. Các đối tượng báo cáo đã gửi hàng nghìn báo cáo giao dịch đáng ngờ và hàng triệu giao dịch gửi rút tiền mặt có giá trị lớn và giao dịch chuyển tiền điền tử quốc tế cho Cơ quan PCRT (NHNN Việt Nam).

>>> Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền khắc phục những bất cập, hạn chế

Trên cơ sở các nguồn thông tin này, Cơ quan PCRT đã xử lý, phân tích và chuyển giao thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền như: cơ quan công an, cơ quan thuế và các đơn vị thanh tra các bộ, ngành. Từ nguồn thông tin này, các cơ quan thực thi pháp luật đã đạt được những kết quả nhất định trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và các hoạt động tội phạm khác.

Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền của đối tượng báo cáo hiện còn một số hạn chế nhất định. Các biện pháp PCRT chưa được triển khai thực hiện đồng đều giữa các nhóm đối tượng báo cáo và giữa các tổ chức báo cáo trong cùng nhóm. Các biện pháp PCRT hầu hết mới được triển khai thực hiện ở nhóm đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính trong khi các biện pháp này chưa được triển khai thực hiện hoặc thực hiện hạn chế ở nhóm đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính chỉ định. Việc chưa triển khai thực hiện đồng bộ và đầy đủ các biện pháp PCRT có thể sẽ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động của các đối tượng báo cáo cũng như sẽ tạo ra lỗ hổng trong công tác đấu tranh PCRT và tội phạm nguồn của tội rửa tiền.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong việc triển khai thực hiện các biện pháp PCRT của đối tượng báo cáo như: đối tượng báo cáo chưa quan tâm, chú trọng đến công tác PCRT để triển khai thực hiện công tác đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các đối tượng báo cáo còn mới được tiến hành ở nhóm đối tượng báo cáo hạn chế; công tác thanh tra giám sát về PCRT chưa được triển khai đồng bộ đến tất cả các đối tượng báo cáo, dẫn đến ý thức tuân thủ còn kém

Bên cạnh nguyên nhân từ quá trình thực thi, tuân thủ pháp luật, nội tại các quy định pháp luật PCRT vẫn còn một số bất cập cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến hiệu quả việc triển khai thực hiện các biện pháp PCRT của đối tượng báo cáo còn hạn chế.

Sớm hoàn thiện quy định pháp luật về các biện pháp PCRT

Trước những bất cập về qui định trong PCRT, NHNN Việt Nam hiện đang đệ trình Chính phủ xem xét, thông qua dự án Luật PCRT (sửa đổi) để trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội trong thời gian tới.

Đề xuất chỉnh sửa hoàn thiện pháp luật về Phòng chống rửa tiền

NHNN đề xuất sửa đổi quy định bao gồm bổ sung quy định về nghĩa vụ và cách thức báo cáo các giao dịch có giá trị lớn vượt ngưỡng (giao dịch tiền mặt giá trị lớn, chuyển tiền điện tử trong nước, quốc tế).

Tại dự án Luật PCRT (sửa đổi) này, NHNN Việt Nam đã đề xuất một số nội dung cần sửa đổi nhằm giải quyết được các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi các biện pháp PCRT, đảm bảo tính khả thi của các quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức báo cáo triển khai trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống rửa tiền. Một số đề xuất sửa đổi pháp luật về PCRT liên quan đến nội dung này gồm:

Quy định về việc nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng, phân loại khách hàng: đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi (cách xác định, các yêu cầu thu thập thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi); quy định về cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEPs) trong nước và nước ngoài... .
Quy định về việc thực hiện các nghĩa vụ báo cáo: đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về báo cáo giao dịch đáng ngờ, mở rộng các dấu hiệu cảnh báo về giao dịch đáng ngờ đến các lĩnh vực hoạt động khác của đối tượng báo cáo (ví dụ, đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, kế toán, luật sư,...); sửa đổi, bổ sung quy định về nghĩa vụ và cách thức báo cáo các giao dịch có giá trị lớn vượt ngưỡng (giao dịch tiền mặt giá trị lớn, chuyển tiền điện tử trong nước, quốc tế).
Quy định về việc thực hiện cơ chế kiểm soát nội bộ phòng, chống rửa tiền: đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định trách nhiệm và cơ chế kiểm soát nội bộ giữa các chi nhánh, công ty con, công ty liên kết trong cùng tập đoàn về hoạt động PCRT; quy định về chia sẻ, cung cấp thông tin về PCRT của đối tượng báo cáo với các chi nhánh, công ty con trong cùng tập đoàn nhằm mục đích PCRT.
Quy định về việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời: đề xuất quy định theo hướng cụ thể hơn về cách thức, thẩm quyền áp dụng; bổ sung hướng dẫn rà soát giao dịch liên quan tới danh sách đen.

Việc thực thi cơ chế PCRT giúp đối tượng báo cáo có thông tin, cơ sở để hiểu về khách hàng của mình cũng như các giao dịch khách hàng thực, qua đó, có thể kịp thời ngăn chặn việc tổ chức mình bị tội phạm lợi dụng để thực hiện các các hành vi, giao dịch nhằm che dấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản có được từ hoạt động tội phạm. Đồng thời, đối tượng báo cáo có thể phát hiện và báo cáo các giao dịch đáng ngờ liên quan đến rửa tiền và hoạt động tội phạm khác cho cơ quan chức năng để điều tra, truy tố, xét xử và kết án tội phạm rửa tiền và các tội phạm nguồn khác của tội rửa tiền. Quy định về các biện pháp PCRT cho đối tượng báo cáo tại Luật PCRT được sửa đổi, bổ sung phù hợp sẽ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCRT ở Việt Nam trong thời gian tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại