Đề xuất Chính phủ giảm thuế nhập khẩu để bình ổn giá thép
Chiều 11.8, Bộ Tài chính cho biết, đang chuẩn bị trình Chính phủ xem xét giảm một số mức thuế suất thuế nhập khẩu thép xây dựng để bình ổn giá thép trong nước.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, ngày 8.6, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP, trong đó giao Bộ Tài chính và Bộ Công thương nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị phương án phù hợp về thuế nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định đối với một số mặt hàng, nguyên vật liệu tăng giá mạnh; xác định rõ nguyên nhân và dự báo xu hướng giá trong thời gian tới, đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp.
Tiếp đó, ngày 29.6, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giảm thuế MFN (thuế tối huệ quốc - thuế ưu đãi giữa các quốc gia) ở mức độ phù hợp đối với một số mặt hàng nhập khẩu có thuế MFN chênh lệch lớn so với mức thuế theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là những mặt hàng trong nước không có hoặc ít có nhu cầu bảo hộ để tạo môi trường cạnh tranh; điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng, nguyên vật liệu, góp phần ổn định mặt bằng giá cả trong nước.
Thực hiện 2 nghị quyết nêu trên, Bộ Tài chính đã dự thảo dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25.5 của Chính phủ. Trên cơ sở phân tích hiện trạng ngành thép trong nước hiện nay cũng như diễn biến của thị trường thép thời gian qua và dự báo cho thời gian tới, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép nhằm góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, hạn chế việc xuất khẩu phôi thép để giữ lại cho sản xuất trong nước, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế nhập khẩu một số mã hàng thép xây dựng đang có mức thuế suất thuế nhập khẩu cao (15%, 20%, 25%) để bình ổn giá cả mặt hàng thép trong nước, trong bối cảnh giá thép xây dựng liên tục tăng trong giai đoạn vừa qua, ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất trong nước.
“Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, trên cơ sở đó sẽ có phương án cụ thể báo cáo Chính phủ về vấn đề này”, Bộ Tài chính cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận