Đề xuất cấm môi giới bất động sản hoạt động độc lập gây tranh cãi
Đề xuất các cá nhân làm nghề môi giới bất động sản không được hoạt động độc lập đang gây nên một làn sóng tranh cãi trong cộng đồng môi giới nhà đất.
Các cá nhân làm nghề môi giới bất động sản sẽ không được hoạt động độc lập, riêng lẻ như hiện nay. Thay vào đó, họ sẽ phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới và phải có chứng chỉ hành nghề. Đây là một trong những nội dung đề xuất sửa Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 do Bộ Xây dựng đưa ra.
Theo Bộ Xây dựng, khoảng 80% giao dịch mua bán nhà đất thành công trên thị trường hiện nay đều thông qua môi giới. Với một thị trường tỷ đô như bất động sản, có thể thấy vai trò của các môi giới là rất lớn.
Hiện nay, thị trường môi giới đang hoạt động theo 2 hình thức: Một là các môi giới là nhân viên chịu sự quản lý của các công ty, sàn giao dịch bất động sản; Hai là các môi giới hành nghề tự do, không chịu sự ràng buộc của bất cứ tổ chức nào.
Theo đề xuất mới đây của Bộ Xây dựng, các môi giới đang hoạt động tự do này sẽ phải vào khuôn khổ, phải có chứng chỉ hành nghề, làm việc trong các sàn giao dịch.
Phản hồi của Bộ Xây dựng về việc cấm môi giới hoạt động độc lập
Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, tổng kết từ các đợt sốt đất náo loạn thị trường, nguyên nhân lớn xuất phát từ các môi giới tung tin, thổi giá. Trong khi các quy định về dịch vụ môi giới trong Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quá dễ dàng, chưa bắt buộc các cá nhân này có trách nhiệm phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về các hoạt động của họ. Điều này đã khiến nhiều môi giới làm ăn "chụp giật", tư vấn cho xong để kiếm tiền.
"Vừa qua tình trạng sốt đất tại một số địa phương có nguyên nhân từ môi giới không chuyên nghiệp, gây tác động xấu đến thị trường. Bộ Xây dựng sẽ mạnh dạn đề xuất quản lý hoạt động, giao dịch bắt buộc qua sàn, các môi giới hoạt động phải thông qua các tổ chức", ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản trong nước sau khi thành lập doanh nghiệp, phải cung cấp thông tin của đơn vị mình đến Sở Xây dựng địa phương để được đăng tải công khai trên hệ thống quản lý của địa phương.
Thực tế, ngay sau khi đề xuất được đưa ra, đã có nhiều quan điểm trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyên nghiệp hóa các môi giới bất động sản, xóa sổ các "cò đất" hoạt động bát nháo là cần thiết, nhưng làm thế nào để việc quản lý này đi vào thực chất, tránh hình thức đang là vấn đề có nhiều băn khoăn.
Băn khoăn về đề xuất cấm cá nhân môi giới bất động sản độc lập
Anh Đỗ Phi Hùng là môi giới nhà đất hoạt động tự do hàng chục năm nay. Theo anh, dù là làm việc tự do hay nhân viên của sàn giao dịch đều có thể có người "chụp giật", nhưng có người cũng rất tận tâm. Bởi vậy, anh khá buồn lòng khi nhiều người suy nghĩ, cứ làm môi giới tự do là sẽ có hành vi xấu. Khi mua bán, họ đều tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
"Người mua và người bán đều phải ra văn phòng công chứng đất đai. Khi chủ đầu tư có thông tin chính xác, đầy đủ, việc giao dịch tại sàn hay độc lập cơ bản đều giống nhau, ngoại trừ một số trường hợp nhân viên kinh doanh, môi giới bất động sản mới vào nghề, chưa đủ kinh nghiệm thì có thể có thiếu sót, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành nghề này. Khi quy định này được áp dụng, chúng tôi sẽ có điều chỉnh cho phù hợp", anh Đỗ Phi Hùng, môi giới bất động sản, cho hay.
Trong khi đó, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nơi có hàng nghìn thành viên, cho rằng việc đưa các môi giới vào quản lý tại các sàn giao dịch là cần thiết.
"Quản lý môi giới bất động sản theo luật cũ đã lạc hậu so với sự phát triển của loại hình này. Việc phải thay đổi, quản lý các môi giới bằng quy định pháp luật là cần thiết", Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định.
Cùng với việc cấm môi giới hoạt động tự do, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các đơn vị phải báo cáo hoạt động. Một số ý kiến cho rằng, đây là điều khó khả thi.
Các chuyên gia cũng cho rằng, tránh biến đề xuất tạo thành một hình thức trung gian mới. Bởi để đáp ứng theo quy định của Nhà nước, môi giới độc lập sẽ hợp thức hóa bằng cách cộng tác với sàn giao dịch, nhưng bản chất vẫn là việc ai nấy làm, có thể lâm vào tình trạng "bình mới rượu cũ".
Ngoài ra, cũng cần làm rõ việc cấm môi giới hoạt động tự do sẽ chỉ áp dụng đối với các dự án bất động sản hay là tất cả các giao dịch liên quan tới nhà đất. Bởi thực tế, nhiều giao dịch bán nhà đất riêng lẻ, người môi giới lại chính là bạn bè, người thân, hàng xóm.
Nhiều ý kiến cho rằng, môi giới tốt hay xấu sẽ bị chính thị trường thanh lọc. Khách hàng sẽ tẩy chay với các môi giới vụ lợi, thậm chí môi giới còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm.
Thực tế từ các đợt sốt đất ảo cho thấy, ngoài nguyên nhân do các môi giới, cò đất "thổi giá", trách nhiệm quản lý, công khai rõ ràng các quy hoạch, tránh đồn thổi thất thiệt của các địa phương cũng đóng vai trò quan trọng. Bởi vậy để ngăn chặn sốt đất, hay các hoạt động bán hàng bát nháo trên thị trường, nếu chỉ siết chặt hoạt động của môi giới tự do được cho là chưa đầy đủ. Tuy nhiên, ở các nước phát triển, các môi giới bất động sản đều được quản lý rất chặt chẽ và bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận