menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dung Phạm

Đề xuất “biệt đãi” thuế với ngành ô tô: Cần xem xét kỹ lưỡng

Việc tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, gia hạn chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ cho ngành ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ giúp kích cầu tiêu dùng, đồng thời khuyến khích sản xuất.

Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng, vì Chính phủ cần cân đối ngân sách trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay.

Đồng loạt kiến nghị gia hạn, miễn nộp thuế, phí

Đề xuất “biệt đãi” thuế với ngành ô tô: Cần xem xét kỹ lưỡng
Sản xuất ô tô tại Nhà máy Vinfast. Ảnh: Phạm Hùng

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường tháng 1/2023 đạt 17.314 xe, bao gồm 14.036 xe du lịch; 3.174 xe thương mại và 104 xe chuyên dụng. Như vậy, doanh số xe du lịch đã giảm 49%; xe thương mại giảm 59% và xe chuyên dụng giảm 62% so với tháng 12/2022.

Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước cũng chỉ đạt 8.086 xe, giảm 54% so với tháng 12/2022, còn doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.228 xe, giảm 48% so với tháng trước. Mức doanh số này so với tháng 12/2022 đã giảm sút mạnh trên tất cả các phân khúc.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Công Lê Ngọc Đức đưa ra dự báo, với diễn biến của thị trường những tháng đầu năm 2023, doanh số toàn thị trường xe ô tô cả năm 2023 (bao gồm cả xe du lịch và thương mại) bị cảnh báo sụt giảm xấp xỉ 17,5% so với năm 2022, tương đương với hơn 85.500 xe.

Trong trung hạn, việc sụt giảm trong năm 2023 sẽ kéo theo tốc độ ô tô hóa tại Việt Nam chậm lại so với dự kiến. Thị trường xe ô tô (bao gồm xả xe du lịch và thương mại) có nguy cơ mất 37% sản lượng bán ra trong 5 năm tới (tương đương khoảng 1.807.000 xe).

Ông Lê Ngọc Đức cũng đưa ra cảnh báo, xu hướng này nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời trong giai đoạn ngắn hạn 2023, trung hạn 2027, sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong dài hạn.

Nếu được giảm thuế trước bạ, người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên. Vì vậy, cả người dân và DN đều mong muốn giảm càng lâu càng tốt nhưng vấn đề là Chính phủ cần cân đối ngân sách để chọn giải pháp tốt nhất.

Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TP Hồ Chí Minh Đỗ Phước Tống

Kết quả là mục tiêu xuất khẩu khoảng 90.000 xe và thu được 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu linh kiện phụ tùng vào năm 2035 (như nêu tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035) không hiện thực được.

Trước khó khăn trên, mới đây, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), cùng một số địa phương có nhà máy sản xuất ô tô đã kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiếp tục gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% phí trước bạ với ngành sản xuất ô tô trong nước.

Hiệp hội Cơ khí Việt Nam kiến nghị Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan bổ sung các chính sách có tính đột phá, hỗ trợ DN ô tô như gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với DN ô tô năm 2023; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp.

VAMI cho rằng, do đặc thù độ trễ chính sách, đề xuất cần ban hành ngay từ quý II/2023 để phát huy hiệu quả. Cùng với đề xuất trên, VAMA đề nghị xem xét tiếp tục hỗ trợ DN thông qua việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ tháng 1 đến hết tháng 6/2023.

Trong đơn kiến nghị vừa được gửi các bộ ngành, VAMA chỉ ra, từ cuối quý IV/2022, thị trường ô tô chịu ảnh hưởng của lãi suất ngân hàng tăng, hạn mức tín dụng thấp.

Tình hình dự báo còn khó khăn, nên khả năng duy trì sản lượng và doanh số bán hàng khó đạt được đã gây áp lực lên thanh khoản của DN, chi phí tài chính tăng cao. Dẫn chứng, doanh số bán hàng toàn thị trường tháng 1/2023 giảm tới 60% so với tháng trước và 54% so với cùng kỳ năm 2022.

Đây cũng đồng thời là đề xuất của UBND tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam, nơi mà nguồn thu từ ô tô đóng góp 60 – 70% ngân sách hàng năm. Báo cáo của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho hay, nhiệm vụ thu thuế trên địa bàn 2 tháng có những khó khăn nhất định và có thể ảnh hưởng hết nửa đầu năm 2023.

Cụ thể, số thuế phát sinh trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023 chỉ xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, giảm khoảng 1.6000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước đó do thị trường ô tô có sức mua kém.

Trong khi đó, UBND tỉnh Ninh Bình cũng cho biết, sản xuất và tiêu thụ ô tô của Công ty CP Tập đoàn Thành Công có sự giảm sút lớn. Trong tháng 1/2023, sản lượng tiêu thụ ô tô chỉ đạt 2.957 xe, giảm 4.939 xe (tương đương 62%) so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 3.732 xe (tương đương 55,8%) so với tháng 1/2022.

Tỉnh Ninh Bình đề nghị các bộ, ngành tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường trong nước, gia tăng sản lượng lắp ráp ô tô trong nước, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Cần cân đối lợi ích doanh nghiệp, người dân

Đề xuất “biệt đãi” thuế với ngành ô tô: Cần xem xét kỹ lưỡng
Sản xuất ô tô tại Nhà máy Vinfast. Ảnh: Phạm Hùng

Mới đây tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, để tăng cường sức mua nhằm phục hồi thị trường ô tô, duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trên cơ sở đề xuất của các DN trong ngành và một số địa phương, đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu, tiếp tục trình ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2023.

Đồng thời tiếp tục ban hành chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô ô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời hạn nhất định (6 tháng hoặc đến hết năm 2023).

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc tiếp tục giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm phí trước bạ với ngành ô tô cần phải được xem xét kỹ lưỡng.

Bởi, trước đó, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành này và giúp ngành phục hồi sau dịch. Tính chung cả năm 2022, thị trường ô tô đã có sự tăng trưởng tốt và đạt qua mốc 500.000 xe để thoát khỏi mác thị trường nhỏ.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đã làm sản xuất, kinh doanh là phải đóng thuế, các DN không thể lúc nào cũng đòi hỏi miễn giảm thuế. Bởi, trong bối cảnh khó khăn chung, ngành nào cũng muốn giảm, miễn thuế, thì ngân sách Nhà nước không thể “gánh” nổi.

Chính phủ cần phải cân đối ngân sách, để xem xét mức giảm, gia hạn cho phù hợp, phải cân đối lợi ích DN, Nhà nước và người dân. Trước mắt cần xem xét ưu tiên miễn giảm cho một số ngành sản xuất khó khăn đặc biệt trước.

Cũng không hoàn toàn ủng hộ đề xuất trên, Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe – Học viện Quốc tế Trương Đăng Tân phân tích: Khi giảm 50% thuế phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước, người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên, giúp kích cầu, đồng thời khuyến khích sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước. Song, việc giảm thuế phí với xe xăng cần được cân nhắc kỹ lưỡng vì Chính phủ cần cân đối ngân sách để chọn giải pháp tốt nhất.

Theo ông Trương Đăng Tân, ở trong thời điểm hiện tại, mọi thứ trở lại bình thường, cho nên cần cân nhắc việc giảm phí trước bạ với xe xăng trong nước.

Nên chăng, giảm thuế phí tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ với xe hybrid, xe điện sản xuất trong nước hoặc giảm thuế cho các nhà sản xuất linh kiện xe sản xuất trong nước, để vừa phát triển công nghiệp trong nước, vừa giảm giá thành xe đến tay người tiêu dùng. Điều đó sẽ tốt hơn là việc chỉ giải quyết một vài yêu cầu của các nhà lắp ráp ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Thu ngân sách có thể bị ảnh hưởng vì các chính sách trên nhưng ô tô là mặt hàng chịu thuế cao và tỷ trọng lệ phí trước bạ so với các khoản thuế phải nộp khác phát sinh từ tiêu dùng xe không đáng kể. Vì thế, tổng thu ngân sách Nhà nước vẫn được đảm bảo bởi các khoản thuế, phí và lệ phí phát sinh khi người mua đăng ký sở hữu xe (thuế VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí cấp biển, đăng kiểm lần đầu). Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại