24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Duyên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đề xuất 2 phương án phân cấp làm cao tốc trọng điểm

Quyết định phân cấp cơ quan chủ quản các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế vừa được trình Thủ tướng.

Cấp thiết phân cấp, giảm tải áp lực cho ngành Giao thông vận tải

Theo nguồn tin của Báo Giao thông, Bộ Kế hoạch & Đầu tư (Bộ KH-ĐT) vừa trình Thủ tướng ban hành quyết định phân cấp cơ quan chủ quản thực hiện các dự án, dự án thành phần (DATP) đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đề xuất 2 phương án phân cấp làm cao tốc trọng điểm

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất 2 cơ chế phân cấp để triển khai các dự án cao tốc trong chương trình phục hồi & phát triển kinh tế.

Theo đề xuất, việc phân cấp sẽ được thực hiện trong các năm 2022 và 2023.

Tại Tờ trình, Bộ KH-ĐT cho biết sau khi tổng hợp ý kiến và báo cáo về năng lực, kinh nghiệm, có 11/14 địa phương liên quan tự đánh giá Ban QLDA thuộc địa phương mình đủ năng lực kinh nghiệm để tổ chức thực hiện các dự án, DATP khi được phân cấp, đồng ý nhận làm cơ quan chủ quản và cam kết đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Có 3/14 địa phương gồm: Đắk Lắk, An Giang, Hậu Giang tự đánh giá Ban QLDA chưa đủ năng lực, kinh nghiệm nhưng vẫn thống nhất làm cơ quan chủ quản khi được giao và cam kết kiện toàn nhân sự, đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý để thực hiện DATP phân đoạn qua địa phận tỉnh hoặc lựa chọn tư vấn QLDA để triển khai đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và các quy định hiện hành.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, tính trung thực, chính xác tại các văn bản cam kết của 14 địa phương, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng hai phương án phân cấp thực hiện các dự án giao thông.

Cụ thể, phương án 1, quyết định phân cấp cho 14 UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản của 14/16 dự án/DATP; 2/16 DATP còn lại do Bộ Giao thông vận tải.

Các địa phương chưa đủ năng lực tại thời điểm hiện nay có thể thành lập ban QLDA đối với một dự án, tăng cường nhân sự hoặc thuê tư vấn QLDA theo quy định.

Phương án 2, quyết định phân cấp cho 11 UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản của 11/16 dự án; 5/16 DATP còn lại do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản.

Để đảm bảo hiệu quả của việc phân cấp, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn quy trình triển khai dự án; hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tăng cường năng lực chuyên môn (kinh nghiệm chung của tổ chức, kinh nghiệm riêng của cá nhân và chứng chỉ cần thiết...) cho các địa phương.

Đề cập đến lý do cần phải thực hiện việc phân cấp, phân quyền trên, theo Bộ KH-ĐT, trong vòng 5 năm (2021-2025), Chính phủ sẽ phải hoàn thành trên 2.000 km (gấp gần 2 lần so với giai đoạn trước) với tổng mức đầu tư khoảng 605.667 tỷ đồng.

Mặt khác, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông vận tải với số vốn đầu tư công rất lớn, khoảng 304.000 tỷ đồng. Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội dự kiến bố trí thêm khoảng 87.430 tỷ đồng, tạo ra áp lực lớn về quản lý, tổ chức thực hiện với Bộ Giao thông vận tải trong 4 năm tới.

Nếu không có có giải pháp điều hành giảm tải, Bộ Giao thông vận tải sẽ vượt quá năng lực hiện có, ảnh hưởng đến tiến độ chung và không đảm bảo mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần của Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Làm gì để phát huy cơ chế phân cấp?

Ủng hộ chính sách phân cấp, phân quyền cho địa phương trong quản lý đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc trọng điểm, theo GS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN, khi cơ chế phân cấp được thực hiện, việc quan trọng nhất là phải kiểm soát công tác tổ chức thực hiện sự phân cấp ấy để đảm bảo yêu cầu về điều kiện năng lực tương ứng.

Muốn vậy, mỗi địa phương cần nghiên cứu thành lập Ban chỉ đạo. Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy có thể là người đứng đầu.

Ban QLDA ở địa phương sẽ đóng vai trò giúp việc, có trách nhiệm tập hợp lực lượng chuyên môn hiểu biết về luật pháp, quản lý liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh tế.

Để đảm bảo hiệu quả quản lý, Ban QLDA ở địa phương phải được tổ chức cấu trúc như một Ban QLDA chuyên nghiệp của Bộ Giao thông vận tải để có đủ năng lực quản lý về tiến độ, khối lượng, tài chính, đơn giá định mức, kỹ thuật.

“Đặc biệt, để có thể thực hiện hiệu quả vai trò giám sát, quản lý kỹ thuật phức tạp khi triển khai dự án, Ban QLDA địa phương có thể thành lập một hội đồng chuyên gia cố vấn các vấn đề kỹ thuật về: cầu, đường, vật liệu.

Tổ chức ấy không phải mang tính chất hình thức mà phải chọn những người có trách nhiệm, thiết lập quy chế hoạt động và phải chịu trách nhiệm những vấn đề tư vấn cho Ban QLDA”, GS. Trần Chủng gợi ý.

Trong khi đó, một chuyên gia thuộc Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường VN cho rằng, hiện nay, đối với hệ thống hạ tầng giao thông của Việt Nam, mạng đường cao tốc là các công trình trọng điểm quốc gia, có những đặc thù riêng từ thiết kế, giám sát, tổ chức xây dựng,… chịu sự chi phối nghiêm ngặt của toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật của nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng. Các Luật và Nghị định đều nêu rất rõ từng loại công trình sẽ có tiêu chuẩn về chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu tham gia.

Vì vậy, bất cứ địa phương nào được phân cấp quản lý đều phải thực hiện thật nghiêm các văn bản pháp luật đó, tính tuân thủ pháp luật phải hết sức chặt chẽ. Không bao giờ vì giao quyền chủ đầu tư dự án cho đơn vị này, cơ quan khác mà giảm nhẹ những quy định của pháp luật (trừ trường hợp được cấp thẩm quyền ban hành văn bản quy pháp pháp luật đồng ý).

Trường hợp giao cho địa phương là cơ quan chủ quản các dự án/DATP cao tốc như tờ trình của Bộ KH-ĐT, tất cả các bộ, ngành đặc biệt Bộ Giao thông vận tải là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về xây dựng hạ tầng giao thông cần phải rà soát, đối chiếu xem bản thân địa phương còn thiếu những tiêu chuẩn, điều kiện gì? Làm thế nào bổ sung điều kiện đó để tham mưu cho Chính phủ.

Bản thân địa phương được giao quyền chủ đầu tư cao tốc cũng phải có một bộ máy đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành xem mình còn thiếu điều kiện gì, có đủ năng lực làm không? Nếu làm được cần được châm trước hoặc được hạn chế gì?

Tất cả các yếu tố trên phải được đánh giá năng lực dựa trên việc tham chiếu vào các quy định pháp luật để có sự nhất quán quy trình quy phạm về thiết kế, thi công, không để trên cùng một tuyến cao tốc lại “đẻ” ra những đứa con khác biệt.

Các địa phương có 16 dự án/DATP đi qua được đưa vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gồm: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu); An Giang, TP Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng (dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng); Khánh Hòa, Đắk Lắk (Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột); Đồng Tháp, Tiền Giang (dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh); Tuyên Quang (Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1); Hòa Bình (Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua tỉnh Hòa Bình); Nam Định, Thái Bình (Dự án đầu tư cầu vượt sông Đáy nối hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định trên tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả