24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trọng Vinh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi với miền xuôi

Một trong những mục tiêu quan tọng của các chiến lược phát triển đất nước là đảm bảo công bằng xã hội, xích gần trình độ phát triển của miền núi và các dân tộc thiểu số với đồng bằng và dân tộc đa số.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 định hướng xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế bao trùm, kinh tế số, không để bất cứ ai và vùng miền nào bị bỏ lại sau, đang đòi hỏi phải có cách tiếp cận khoa học theo hướng đổi mới và sáng tạo để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi.

Khoảng cách vẫn còn xa

Từ khi nước ta chuyển sang kinh tế thị trường, Đảng đã ban hành Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, Nghị quyết số 24/NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc, Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Quan điểm, chủ trương của Đảng về miền núi và côn gtác dân tộc được thể chế hóa trong nhiều bộ luật, nghị định, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, thông tư của cá ccơ quan có thẩm quyền. Tính đến tháng 10/2020, có 118 chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 21 chương trình mục tiêu có nội dung gián tiếp tác động đến vùng này.

Nhà nước đã đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2003 -2008 khoảng 250 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 690 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 998 nghìn tỷ đồng để xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi, hệ thống điện, nước sạch, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trung tâm cụm xã; hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vay vốn phát triển sản xuất cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số.

Ngày 16/10/2021 Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia của miền núi đến năm 2025 với nhiều dự án quy mô lớn có vốn đầu tư khoảng 7 tỷ USD, trong đó 1/3 là vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, 2/3 là tín dụng ưu đãi và phần còn lại là vốn xã hội.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2019 của các tỉnh miền núi đạt 7%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm, huyện nghèo giảm 4 - 5%, có nơi giảm trên 5%; đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; có 1.052 xã (chiếm 22,3%) và 27 huyện (chiếm 6%) đạt chuẩn nông thôn mới; đã có 98,4% số xã có đường ô tô đến trung tâm, hơn 98% số hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 90% số xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% số xã có hạ tầng viễn thông; 100% số xã có trường lớp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% số xã có trạm y tế. Tuy vậy, sau gần 35 năm đất nước phát triển theo kinh tế thị trường, khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập và đời sống của miền núi và các dân tộc ít người không những không xích gần mà còn doãng ra so với các tỉnh miền xuôi. Chúng ta nhìn thẳng vào thực trạng đó để tìm được lời giảicho bài toán phát triển kinh tế - xã hội miền núi và các dân tộc thiểu số trong chiến lược phát triển 2021 - 2030.

Có phải vì miền núi, vùng cao có nhiều hạn chế, khó khăn không thể khắc phục được, hay vì chúng ta chưa phát huy hết tiềm năng to lớn của các tỉnh miền núi về đất đai, rừng, tài nguyên khoáng sản, di sản văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số?

Tư duy mới về phát triển giao thông

Sau hơn ba thập kỷ đổi mới, một vài tuyến đường bộ cao tốc nối miền xuôi với miền núi đã được xây dựng như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn; một số địa phương như Tuyên Quang, Cao Bằng đã được Chính phủ cho khởi động dự án đường cao tốc; nhưng nhiều tỉnh như Điện Biên, Lai Châu vẫn trong tình trạng“ đường lên Tây Bắc xa xôi”.

Từ năm 2004 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020, trong đó quy định cần tập trung đầu tư để kết nối các tỉnh trong vùng với các vùng khác của cả nước thông qua các đường quốc lộ, đường giao thông nông thôn và đường biên giới.

Ngày 16/10/2019, tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-TW, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết: đã đầu tư xây dựng 354 km các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác; nâng cấp Quốc lộ 2, 3, 6, 32 đạt tiêu chuẩn đường cấp III các đoạn có lưu lượng xe lớn, cấp IV các đoạn lưu lượng xe thấp; đầu tư cơ bản thông tuyến đường Hồ Chí Minh đến Cao Bằng; từng bước đầu tư các tuyến Quốc lộ 4A, 4B, 4C, 4D, 4E, 46, 34, 37, 279 và các tuyến đường đến cửa khẩu.

Không thể phủ nhận kết quả đã đạt được nhưng cũng cần nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá đúng thực trạng đường giao thông miền núi phía Bắc. Trạng thái phổ biến là cứ đến mùa mưa là tắc đường do sạt lở từ các dốc núi, gây ra biết bao tai nạn chết người, ách tắc giao thông, tác động tiêu cực đến an ninh, quốc phòng.

Vấn đề đặt ra là làm gì để khắc phục cơ bản tình trạng đó trong mùa mưa lũ (?).

Giải pháp cơ bản là đầu tư có hiệu quả để bảo đảm bền vững các tuyến đường giao thông.

Trên thế giới ít có những quốc gia không phải giải quyết vấn đề đường lên miền núi, do đó có khá nhiều kinh nghiệm thành công khi lựa chọn chủ trương đầu tư.

Bungari từ những năm 80 của thế kỷ trước đã quyết định thay thế những đoạn đường chạy ven sườn núi vì vừa dài, tốc độ chậm, nguy hiểm cho người và phương tiện, bằng làm cầu bê tông nắn thẳng các khúc cua từ mõm núi này sang mõm núi khác, đào hầm xuyên núi dù tốn chi phí hơn nhưng chỉ cần làm một lần sử dụng lâu dài, rút ngắn khoảng cách, gia tăng tốc độ phương tiện, giảm thiểu tai nạn giao thông, hàng năm không phải chi phí duy tu, bão dưỡng, giải tỏa ách tắc do mưa lũ gây ra.

Vân Nam, Quảng Tây - hai tỉnh của Trung Quốc giáp giới với Việt Nam từ năm 2005 đã bắt đầu xây dựng đường cao tốc đồng bằng và miền núi. Địa bàn hai tỉnh này hiểm trở có lẽ hơn miền núi phía bắc nước ta. Chỉ trong vòng 7 năm mỗi tỉnh đã xây dựng khoảng 1.000 km đường bộ cao tốc, khắc phục về cơ bản ách tắc giao thông, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.

Câu chuyện “đường lên Tây Bắc xa xôi” gắn với vốn đầu tư, do đó cần nghiên cứu kinh nghiệm của Bungari và Trung Quốc, với cách tiếp cận khoa học và thực tế, không chỉ là chi phí xây dựng đường, mà còn phải tính cả chi phí duy tu, bảo dưỡng, thiệt hại do ách tắc giao thông, tạo điều kiện để các tỉnh miền núi phát triển kinh tế- xã hội với tốc độ cao hơn, xích gần và đuổi kịp các tỉnh đồng bằng, bảo đảm công bằng xã hội.

Một ví dụ điển hình là dự án đường cao tốc Lào Cai - Sa Pa do nắn thẳng những khúc cua nên đã rút ngắn được gần ½ chiều dài, từ hơn 30km xuống còn 17 km, trong đó có một chiếc cầu cạn với độ cao trụ cầu hơn 70 m, dài 640 m, đã hay thế đoạn đường cũ dai 2,4 km (giảm gần ¾), tốc độ nhanh hơn nhiều lần.

Giả dụ nước ta cần xây dựng thêm 1.000 km đường cao tốc miền núi phía Bắc với chi phí 10 triệu USD/km thì cần 10 tỷ USD vốn đầu tư; nếu đặt ra mục tiêu 5 năm phải hoàn thành thì mỗi năm cần 2 tỷ USD. Con số đó không phải quá sức của ngân sách trung ương, cũng có thể phát hành trái phiếu dự án, huy động sức dân khi giải phóng mặt bằng, huy động nguồn vốn của một số tập đoàn đã, đang và sẽ có dự án đầu tư tại các tỉnh này; lựa chọn những nhà thầu có năng lực đã được thể hiện qua các dự án đường bộ đã hoàn thành.

Với cách tiếp cận như vậy cho phép chúng ta đặt niềm tin vào cuối năm 2025 câu hát mới sẽ là “đường lên Tây Bắc êm ru” để thúc đẩy phát triển các công trình công nghiệp, dịch vụ, dân sinh hiện đại.

Tư duy mới về cơ cấu kinh tế

Có thể khẳng định rằng, nút thắt chính hiện nay đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi là đường giao thông để rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương đó với đồng bằng và các trung tâm kinh tế lớn, nhằm thu hút vốn đầu tư của các địa phương khác, của nước ngoài, xây dựng nhiều khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao, tạo thành chuỗi cung ứng với logistics hợp lý, phát triển du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, vãn cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử và tự nhiên.

Cùng với thay đổi cách tiếp cận về đường giao thông, vấn đề cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, đào tạo nguổn nhân lực chất lượng cao, du nhập công nghệ mới, hiện đại phải đáp ứng được quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng để có cơ cấu kinh tế hiện đại của từng tỉnh và của cả vùng, góp phần thực hiên các định hướng và mục tiêu của chiến lược kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030.

Có tới 52 trong số 63 tỉnh, thành phố của nước ta có các huyện miền núi và dân tộc thiểu số, trong đó có hai vùng lớn nhất là miền núi phía bắc và Tây Nguyên. Miền núi phía bắc có 14 tỉnh, dân số khoảng 12,2 triệu người, mật độ dân số 128 người/km2 trong khi đồng bằng Sông Hồng có 11 tỉnh và thành phố, dân số khoảng 21,5 triệu người, mật độ dân số 1004 người/km2. Khi bàn về vùng miền núi phía Bắc thì cần lưu ý rằng, bên kia biên giới là Vân Nam và Quảng Tây, dân số khoảng 100 triệu người, kinh tế phát triển với tốc độ nhanh từ vài thập niên gần đây, mỗi tỉnh có hàng ngàn km đường bộ, đường sắt cao tốc, có tàu điện ngầm, vừa là cơ hội lớn để tận dụng lợi thế là cửa ngõ của Trung Quốc với ASEAN nhằm tăng nhanh kim ngạch thương mại hai chiều và thu hút FDI có chọn lọc của nhà đầu tư Trung Quốc, vừa là thách thức lớn về kinh tế - xã hội đối với các tỉnh miền múi phía Bắc và cả miền Bắc. Hơn nữa lịch sử cận đại cũng luôn buộc chúng ta phải gắn phát triển kinh tế với an ninh - quốc phòng.

Tây Nguyên có 5 tỉnh, dân số gần 5,8 triệu người, mật độ dân số 106 người/km2. Bên kia biên giới là Lào và Campuchia, mỗi nước có quan hệ với nước ta theo cách tiếp cận riêng, vì thế đòi hỏi phải có đối sách thích hợp trong quá trình hợp tác song phương và trong khung khổ Cộng đồng ASEAN.

Cả hai vùng kinh tế này cần phải tham gia tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng để vừa gia tăng tốc độ tăng trưởng, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, kinh tế xanh, kinh tế bao trùm, chuyển đổi sang nền kinh tế số, xã hội số, trên cơ sở tận dụng lợi thế về sự khác biệt của từng tỉnh, từng vùng trong mối liên kết với các địa phương khác, trong đó có các trung tâm kinh tế lớn trong từng vùng.

Định hướng chiến lược đó đòi hỏi phải đổi mới tư duy khi xây dựng nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022, cũng như triển khai kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Xin lưu ý một số định hướng lớn;

Một là khai thác có hiệu quả hơn lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhất là diện tích rừng nguyên sinh và rừng trồng có thể khai thác hàng năm, diện tích nông nghiệp có thể hình thành cánh đồng hàng chục, hàng trăm ha để trồng cây lương thực, cậy ăn quả gắn với chế biến thành sản phẩm hàng hóa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi gia súc quy mô lớn nhất là bò, dê, ngựa, lợn gắn với chế biến để tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Coi trọng hơn việc tổng kết thực tiễn những mô hình thành công của từng địa phương, tuyên truyền vận động, tập huấn để triển khai rộng khắp tại các địa phương khác nhằm đạt mục tiêu “làm giàu cho gia đình,góp phần làm giàu cho cộng đồng dân cư và quê hương”.

Khuyến khích và đổi mới sự hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi giữa nông dân, hợp tác xã kiểu mới, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu và nhà khoa học với sự hướng dẫn và điều chỉnh lợi ích giữa các bên của nhà nước.

Hai là xây dựng các khu công nghiệp sinh thái theo hướng kinh tế tuần hoàn, ít phát thải khí nhà kính để tận dụng nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công thấp, từng bước tiếp cận kinh tế số để chuyển lên cung bậc phát triển cao hơn, có hiệu quả hơn.

Tận dụng các lợi thế tự nhiên để phát triển nhanh khách du lịch quốc tế và trong nước đến nghỉ dưỡng, tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, di sản thiên nhiên theo hướng du lịch số đáp ứng đòi hỏi cao hơn của khách; hình thành các tua du lịch với những địa điểm tham quan đa dạng, được hướng dẫn viên chuyên nghiệp, nhiệt tình tiếp đón, vừa chú trọng xây dựng các khách sạn, resort với quy mô thích hợp, vừa phát triển mạng lưới du lịch tại nhà được quy hoạch và đầu tư bài bản.

Ba là ngoài việc tận dụng vốn đầu tư công của trung ương và địa phương, vốn ODA, hết sức coi trọng vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước, nhất là của các tập đoàn kinh tế lớn, vốn đầu tư quốc tế. Trên cơ sở luật pháp, chính sách chung và chính sách đặc thù cho miền núi để ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đối với từng ngành, từng lĩnh vực, trong đó có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với những dự án quy mô lớn, làm động lực phát triển của từng vùng, từng địa phương.

Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng tiếp cận đúng đối tượng với từng dự án, cung cấp thông tin cập nhật, theo dõi quá trình phát triển quan hệ để tiến tới thương thảo và cấp phép đầu tư; tiếp đó hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án và tham gia thị trường.

Bốn là từ chủ trương của nhà nước về cải cách nền hành chính quốc gia, cần tinh giản bộ máy hành chính theo hướng gọn, nhẹ, có hiệu năng với đội ngũ công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để đáp ứng đòi hỏi của chính phủ kiến tạo, chính phủ số.

Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân và cộng đồng dân cư tham gia quá trình hình thành, giám sát triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, tạo lập nhiều mô hình mới thích ứng từng địa phương.

Các tỉnh miền núi cần đổi mới tư duy và hành động khi chuẩn bị và triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội năm 2022 để tạo nên bước đột phá theo hướng tăng trưởng với tốc độ cao và bền vững, làm tiền đề cho mục tiêu xích gần và đuổi kịp trình độ phát triển của đồng bằng, nâng cao mức sống vật chất và văn hóa của các dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện khát vọng thịnh vượng của Việt Nam.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả