menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trương Huy Hoàng

Để tạo "cú hích" cho du lịch: Cần có những chính sách linh hoạt và mạnh dạn hơn

Cần thiết kế chính sách thu hút khách du lịch một cách thông minh, làm sao có ý nghĩa 'rải thảm đỏ' để đón khách du lịch.

Sau hơn 20 tháng “đóng băng” vì Covid-19, cuối cùng Việt Nam cũng đã đón thành công những du khách quốc tế đầu tiên. Đây được xem là nền tảng quan trọng để ngành du lịch phục hồi và phát triển.

Thực tế, việc mở cửa đón khách quốc tế an toàn chỉ thực sự bền vững khi du khách được an toàn, điểm đến an toàn và cần “du lịch xanh”. Cái khó trong việc mở cửa du lịch ở nước ta hiện nay theo ông là gì?

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2020, ngành du lịch Việt Nam chỉ đón được khách quốc tế trong 3 tháng đầu tiên với 3,7 triệu lượt khách, giảm 80% so với năm 2019.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.

Như vậy, tăng trưởng du lịch Việt Nam hai năm qua ở mức “chạm đáy”, bức tranh ảm đạm và gần như bị tê liệt.

Cái khó hiện nay của du lịch Việt Nam nằm ở chỗ cân bằng, vừa làm sao đảm bảo an toàn trong việc phòng chống dịch lại vừa đảm bảo được nhiệm vụ kinh tế của du lịch, vừa đón được du khách.

Việt Nam là một quốc gia có “nền công nghiệp không khói”, nhiều tiềm năng về du lịch nhưng trong thời điểm Covid-19 không “cựa” được gì. Điều đó làm thiệt hại về kinh tế rất lớn cho ngành du lịch.

Điểm bất cập lớn nhất cản trở ngành du lịch hiện nay là giá vé đến Việt Nam và chi phí cho cách ly rất cao. Nếu so sánh từ Đức về Việt Nam và Thái Lan, thì đi Thái Lan chi phí chỉ bằng 1/3-1/5 đi Việt Nam. Sự đắt vô lý này không những cản trở du khách tiếp cận dịch vụ du lịch của Việt Nam, mà còn hạn chế việc công dân Việt Nam ở nước ngoài muốn về thăm quê hương, gia đình.

Vấn đề quan trọng là mở cửa du lịch như thế nào, hẳn là không thể nửa vời, không thể kiểu “mở hé cửa”?

Theo tôi, nên có một chính sách rõ ràng và mang tính cạnh tranh trong việc mở cửa du lịch mới hấp dẫn được du khách. Tôi có nhiều bạn đồng nghiệp là người Đức, họ có nhu cầu đi du lịch rất cao nhưng do sự cản trở của dịch bệnh nên bị “bó chân” trong suốt gần 2 năm qua.

Nếu đến châu Á, họ có rất nhiều lựa chọn, trong đó Thái Lan là một điểm đến hấp dẫn. Thái Lan vốn là nước có nền tảng về du lịch, họ có nhiều cách làm hay để phát triển ngành kinh tế này.

Thái Lan có chính sách rất hay là ngay cả thời điểm dịch bùng phát cao, họ vẫn chấp nhận cho du khách nước ngoài vào, miễn là có chứng nhận tiêm chủng đầy đủ, và test PCR ngay khi đến. Sau đó, những du khách này được yêu cầu trải nghiệm ở một thời gian ngắn ở một vị trí cách ly. Sau đó xét nghiệm âm tính thì du khách có thể đi du lịch, trải nghiệm, khám phá ở mọi địa điểm trong đất nước này. Đây được xem là một điểm cộng của du lịch Thái Lan trong đại dịch.

Tôi nghĩ, đây là chính sách rất hay để thu hút du khách mà nước ta có thể áp dụng được thành công và hiệu quả.

Thứ hai, cần thiết kế chính sách thu hút khách du lịch một cách thông minh, có sự thống nhất và cạnh tranh về giá vé máy bay, thiết kế các chuyến bay như thế nào cho hợp lý. Tất cả các chính sách đó làm sao có ý nghĩa “rải thảm đỏ” để thu hút du khách trong giai đoạn khó khăn này.

Có thể nói, sau 2 năm chống chọi và bị hạn chế bởi dịch Covid-19, đây là thời điểm du khách muốn được đi đây đó nghỉ ngơi, xả stress. Nói một cách nôm na, sau 2 năm không biết tiêu tiền vào đâu, đây là thời điểm họ muốn chi tiền cho việc tái tạo năng lượng và thưởng thức cuộc sống qua những chuyến du lịch.

Do đó, những người làm chính sách về du lịch phải “đi trước đón đầu”, nhìn được những động cơ, nắm bắt được tâm lý của du khách, mới có thể thiết kế hoặc đề xuất chính sách hiệu quả hơn. Qua đó, từng bước chữa lành những “vết thương” của ngành du lịch do đại dịch gây ra.

Để tạo "cú hích" cho du lịch: Cần có những chính sách linh hoạt và mạnh dạn hơn
Đà Nẵng, "thành phố của những cây cầu" đón khách du lịch nội địa tăng cao trở lại sau thời gian giãn cách vì Covid-19. (Ảnh: Tổng cục Du lịch)

Chính phủ đã xác định chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. Những điểm cần lưu ý khi mở cửa du lịch để không nghẽn? Có phải nếu chậm chân thì chúng ta sẽ bị bỏ lỡ cơ hội so với các nước?

Trước hết, phải khẳng định nếu chậm chân sẽ lỡ cơ hội so với các nước. Du lịch phải nhanh nhạy, linh hoạt và thích ứng nhanh trong trạng thái bình thường mới.

Với người đi du lịch lúc này sẽ có tâm lý tìm hiểu về chính sách chống dịch rồi sau đó mới “check” giá vé máy bay. Do đó, tôi nghĩ cần phải giảm các cản trở, để thu hút du khách đến nước ta.

Muốn vậy, phải có chính sách rõ ràng trong phòng, chống dịch, trong đó ngành du lịch cần phải làm gì, thích ứng ra sao, thay đổi mình thế nào? Trong đó, nên để độ mở nhất định cho ngành du lịch ứng biến, tự thiết kế chính sách linh hoạt hơn, mềm dẻo hơn.

Ví dụ, trong trường hợp xuất hiện chủng mới chẳng hạn, ngành du lịch nên làm gì để nền kinh tế du lịch không bị quá sốc, bị hụt hơi trong việc điều chỉnh kế hoạch. Đồng thời, làm sao để khách du lịch cũng không bị sốc, không bị tạo ấn tượng xấu.

Đặc biệt, ngành phải đẩy mạnh việc xúc tiến quảng bá du lịch trong tình hình dịch, đặc biệt là ở các nước có nhu cầu và khả năng chi trả cho du lịch lớn như châu Âu.

Lưu ý, việc xúc tiến và quảng bá du lịch cần phải hoạt động mạnh mẽ và chủ động hơn, tự tìm kiếm cơ hội cho mình, cần tiếp cận với khách hàng, chứ không thể “nằm yên” chờ đợi.

Tôi ủng hộ phương án phải thí điểm đón khách quốc tế tại một hòn đảo nào đó có thế mạnh du lịch, chẳng hạn như Phú Quốc. Tôi nghĩ, đây là cách hữu hiệu để từng bước phục hồi ngành du lịch.

Nhìn ra thế giới, nhiều nước có chính sách chống dịch khá linh hoạt nhưng vẫn mở cửa đón khách du lịch, tất nhiên không phải kiểu ồ ạt như trước dịch. Thực tế, dịch thì nước nào cũng sợ nhưng không phải vì quá sợ sệt để làm triệt tiêu động cơ phát triển kinh tế của mình.

Ngay bản thân ngành du lịch phải thay đổi ra sao, làm “cuộc cách mạng”, làm mới mình thế nào để thực sự thích ứng với tình hình mới, theo anh?

Rõ ràng, họ phải thay đổi tư duy về làm du lịch trong thời điểm dịch, không thể như trước nữa. Bây giờ là thời kỳ bình thường mới. Bình thường mới đòi hỏi tư duy về làm du lịch cũng mới.

Do đó, phải hiểu, nắm bắt được tâm lý của người sẵn sàng chi tiền cho việc đi du lịch. Cần phải làm thế nào để thu hút được nguồn du khách này, từng bước thúc đẩy ngành du lịch tăng trưởng khả quan hơn thay vì “đóng băng” như 9 tháng vừa qua.

Việt Nam có thể học được gì từ kinh nghiệm mở cửa du lịch ở các nước, đặc biệt là của nước Đức, nơi anh đang sống?

Không thể nói không với khách du lịch. Mở cửa du lịch thời kỳ này đòi hỏi những tiêu chí an toàn nên mình có thể học hỏi từ các nước. Thực tế cũng không có tiêu chí nào cố định mà phải ứng biến linh hoạt tùy thuộc vào mức độ, tình hình dịch của từng địa phương.

Quan trọng là chính sách mở cửa du lịch của chúng ta cũng phải linh hoạt và công khai để du khách biết tình hình, hình dung được trước bối cảnh.

Trong chính sách thu hút khách du lịch, nếu du khách đáp ứng được tất cả các điều kiện như: đã tiêm chủng đủ, đã từng nhiễm và khỏi bệnh, test âm tính… chứng minh họ không bị Covid-19, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng thì nên mở cửa để đón những dòng khách này. Tôi nghĩ đó là cách cần thiết ở thời điểm hiện nay trong việc thu hút khách du lịch nói chung.

Anh nhận định như thế nào về cơ hội và tính khả thi của du lịch Việt Nam thích ứng an toàn với dịch bệnh?

Cơ hội là rất lớn. Nếu chúng ta không đón cơ hội này thì sẽ chẳng khác nào tự nhường cho các nước khác.

Việt Nam đang trong giai đoạn “sống chung với dịch”, ngành du lịch cũng không nằm ngoài xu hướng, thậm chí phải tiên phong, đón đầu cơ hội mở cửa để từng bước phục hồi và phát triển. Không còn cách nào khác, bản thân ngành du lịch phải tự cứu mình, tự vực mình dậy.

Đồng thời, chính sách về du lịch cần mở hơn, linh hoạt hơn, thuận tiện hơn để “rải thảm” đón khách quốc tế. Đặc biệt, ngành cần nắm bắt tâm lý, động cơ, nhu cầu của họ, tạo ra những chính sách hấp dẫn hơn đối với du khách.

Xin cảm ơn anh!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại