Để “sống sót”, thương hiệu cao cấp “xuống đường”
Khi người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng” thì các thương hiệu phải “năng nhặt, chặt bị”.
Highlands bán từ khoảng 7h sáng để phục vụ dân văn phòng với giá cà phê rẻ hơn khá nhiều trong cửa hàng.
Sự xuất hiện của nhiều thương hiệu cao cấp trong “đại chiến vỉa hè” đang cho thấy những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, khi người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng” thì các thương hiệu phải “năng nhặt, chặt bị”.
Chắc hẳn sự xuất hiện của những quầy kệ cà phê nhỏ mang thương hiệu Highlands mang ra bán ở vỉa hè gần đây khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc với một chuỗi cà phê lớn đã có tới 240 cửa hàng trên toàn quốc và thị phần lớn nhất trong top 5 chuỗi cà phê tại Việt Nam.
“Năng nhặt, chặt bị”
Tuy nhiên hoàn toàn không phải “xuống đường” để cạnh tranh với cà phê quán cóc vỉa hè, Highlands chỉ bán hàng quầy kệ trước cửa hàng của mình, mô hình các quầy kệ này cũng đang trong quá trình thử nghiệm. Điểm đặc biệt, phương thức bán hàng này của Highlands được bắt đầu từ rất sớm, khoảng 7h sáng để phục vụ dân văn phòng với giá cà phê rẻ hơn trong cửa hàng.
Không chỉ Highland coffee, ông vua đồ ăn nhanh McDonalds cũng đã mang một kiosk nhỏ có hambuger và cà phê ra bán trước cửa hàng của mình. Câu chuyện tương tự với Vinacafe và Otoke Chicken, Coffee Bike.
Ông Nguyễn Bá Ngọc - Công ty tư vấn truyền thông NBN Media cho rằng, sự xuất hiện của các chuỗi phân khúc giá trung bình trên đường phố cho thấy “sự tỉnh ngộ” của các nhà kinh doanh. Phân khúc trung bình và cao cấp ngày càng chật hẹp thì phân khúc giá rẻ lại là sân chơi mới đầy hấp dẫn. Thị trường khá lớn lại dễ tính, chi phí đầu tư không quá cao là những yếu tố thu hút nhà đầu tư.
Chủ động phòng thủ thương hiệu
Theo số liệu của Euromonitor, thị trường chuỗi cà phê và trà tại Việt Nam có doanh số khoảng 1 tỉ USD mỗi năm. Nhưng các chuỗi trung và cao cấp hiện chỉ chiếm khoảng 15-20%, điều này cho thấy dư địa còn lại đủ sức cho mọi người tung hoành.
Tuy nhiên, trao đổi với DĐDN, Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhận định, “xuống đường” không phải mô hình mới. Xu hướng năng động đa dạng hình thức và tối đa hoá nguồn thu là xu hướng tất yếu của các ngành khi cạnh tranh lên cao. Ở riêng mảng cà phê, các thương hiệu đều phát triển ở nhiều phân khúc cao – trung- thấp cấp.
“Trong nhiều lĩnh vực bán lẻ đại chúng sự tiện lợi là xu hướng tất yếu, nhiều chuỗi cà phê như Passion phát triển rất mạnh với chuỗi bán mang đi là phần lớn. Khi một thương hiệu nhảy ra làm các thương hiệu khác cũng chạy theo, đây là cuộc cạnh tranh lý thú có lợi cho cả thương hiệu và khách hàng. Đặc biệt, xu hướng này có sức bật mạnh hơn sau dịch COVID-19, các thương hiệu đang tạo dấu ấn cho mình. Các thương hiệu cần phòng thủ từ xa, phòng thủ chủ động”, ông Võ Văn Quang chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận