Để nhìn thấy 'ánh sáng cuối đường hầm', nhiều khi nhà đầu tư phải trả thêm tiền
Tại chương trình “Bí mật đồng tiền” của VTV Digital, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng, để nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm", nhiều khi nhà đầu tư phải trả thêm tiền.
Trên thế giới, khi nói về thị trường, ngoài poker còn có một môn thể thao hay được so sánh với thị trường chứng khoán là tennis, nhưng với người châu Á thì chứng khoán khá giống bóng bàn. Bởi theo ông Hưng điều quan trọng khi giao dịch chứng khoán là giữ được quả bóng ở trên bàn và luôn luôn có chiến lược để tấn công hay phòng thủ.
Trong bộ môn bóng bàn bạn phải nhìn ra được nếu quả bóng xoáy xuống thì phải tìm cách để đánh bóng lên, thay vì tấn công ngay sẽ khiến bóng có thể rúc lưới luôn thời điểm đó. Phiên giao dịch hôm nay sau phiên hồi hôm qua thể hiện ra việc nhà đầu tư phải luôn luôn hiểu thị trường đang ở giai đoạn nào để có những ứng xử phù hợp, không phải cứ thấy thị trường xuống mạnh là chạy hùa theo mà phải có chiến lược tấn công, phòng thủ phù hợp.
Theo vị chuyên gia, việc đầu tư có rất nhiều quan điểm và mỗi người có thể theo một phong cách khác nhau. Những người theo trường phái phân tích kỹ thuật hay trading ngắn hạn sẽ phải ưu tiên xem bảng giá hằng ngày. Còn những nhà đầu tư dài hạn thường sẽ không cần xem bảng thường xuyên và không quan tâm nhiều đến những biến động ngắn hạn.
“Tôi sẽ không bị ảnh hưởng bởi chuyện giá cổ phiếu giảm 5 - 10% và mức độ chịu đựng rủi ro của tôi sẽ tốt hơn. Không nhất thiết phải nhìn các câu chuyện biến động ngắn hạn. Việc bắt buộc phải sử dụng phân tích kỹ thuật để chọn điểm ra vào, đối với tôi là không khó, nhưng nhiều hơn tôi quan tâm đến việc có thấy cơ hội được mua cổ phiếu với giá rất rẻ không. Và khi ra quyết định bán phần lớn tôi không cần phải nhìn bảng hay biểu đồ mà chủ yếu nhìn xem triển vọng của doanh nghiệp như thế nào, nếu không còn như kỳ vọng sẽ bán”, Kinh tế trưởng của Chứng khoán SSI chia sẻ.
Chia sẻ về câu chuyện những cổ phiếu có P/B về 1 có đáng để đầu tư, câu trả lời của chuyên gia là có hoặc không tùy vào trường hợp cụ thể.
Về mặt định giá, ông Hưng cho rằng, nhiều khi các chỉ số chúng ta phải nhìn trong điều kiện thị trường tài chính đang như thế nào. Thời điểm tiền rẻ thì định giá sẽ ở mức khác còn hiện nay, trong bối cảnh lãi suất tăng, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, ngay cả việc phát hành thêm cũng có thể gặp trở ngại, mức độ định giá sẽ khác. Chúng ta cũng không nên so sánh định giá giữa các thời kỳ khác nhau.
Với P/B, tùy theo từng nhóm ngành sẽ có các quan điểm khác nhau. Như với nhóm ngân hàng, về mặt dài hạn khi chúng ta tính B gần đúng được kết quả P/B nhỏ hơn 1 đối với một ngành với khả năng gia nhập thị trường rất kém như ngân hàng thì P/B nhỏ hơn 1 là hấp dẫn. Nhưng đối với các ngành khác điều này chưa chắc đúng vì với những ngành kinh doanh mang tính chu kỳ như thép, nhiều khi định giá cao mới là lúc cần phải mua, không phải khi định giá thấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận