24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vy Lam
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đề nghị người dân bị bão lũ được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ

Đại biểu Quốc hội đề nghị ngoài hoãn tăng lương thì có thể giảm cả phụ cấp của các cấp các ngành kể cả đại biểu Quốc hội, để dồn nguồn lực cho ứng phó với thiên tai, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống.

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 chiều 4/11, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) thể hiện quan điểm đồng tình với nhiều ý kiến đã phát biểu về vấn đề rất được quan tâm hiện nay, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, nhất là hoạt động cứu trợ và tái thiết sau thiên tai.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết đây cũng là vấn đề cử tri miền Trung nói riêng và cử tri cả nước nói chung đề nghị Quốc hội đặc biệt quan tâm và đầu tư thoả đáng cho công việc này.

"Với cá nhân tôi, ngay trong kỳ họp này của Quốc hội, tôi đã trải qua những cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt nhất trong gần 10 năm làm đại biểu Quốc hội, đó là khi tham gia trực tiếp chỉ đạo cứu nạn tại đợt lũ lụt khủng khiếp vừa qua tại Quảng Trị", ông Đồng chia sẻ.

Nguồn vốn bố trí dân cư phòng tránh thiên tai chỉ đáp ứng 15 - 20% thực tế

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, từ ngày 6 - 21/10/2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra dồn dập các đợt mưa rất lớn, ngập lụt trên diện rộng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gió mạnh, sóng lớn trên biển gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng về người, tài sản, công trình cơ sở hạ tầng và sản xuất.

Trước sự mất mát đó đã được sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và người dân cả nước, người dân vùng gặp thiên tai của Quảng trị đã bước đầu vượt qua khó khăn, nhưng để ổn định cuộc sống lâu dài cho dân thì không chỉ dựa vào nguồn lực của địa phương và không giải quyết được một sớm một chiều.

Hiện nay tại xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa đã xảy ra hiện tượng sạt lở núi làm sập nhà, vùi lấp cầu Khe Ta Bang gây chia cắt đường giao thông từ xã Hướng Phùng về Hướng Sơn đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Với cá nhân tôi, ngay trong kỳ họp này của Quốc hội, tôi đã trải qua những cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt nhất trong gần 10 năm làm đại biểu Quốc hội, đó là khi tham gia trực tiếp chỉ đạo cứu nạn tại đợt lũ lụt khủng khiếp vừa qua tại Quảng Trị.Đại biểu Hà Sỹ Đồng

Đặc biệt sau cơn bão số 9, nhân dân đã phát hiện trên núi có nhiều vết nứt có chiều dài từ 150- 200m, độ rộng từ 40-50cm, có nguy cơ sạt lở rất cao ảnh hưởng đến 45 hộ, 171 nhân khẩu thôn Raly Rào xã Hướng Sơn. Nếu tiếp tục mưa lớn kéo dài thì sạt lở núi sẽ xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng.

"Hiện tại, địa phương đã di dời người dân đến nơi an toàn, tuy nhiên để ổn định đời sống lâu dài cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để tỉnh khảo sát, xây dựng dự án di dời dân tập trung", Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, tỉnh đã rà soát bổ sung, số hộ cần di dời toàn tỉnh đến năm 2025 là 1.530 hộ (bình quân 280 hộ/năm).

Trước diễn biến bất thường của thiên tai, nhu cầu bố trí dân cư phòng tránh thiên tai đặc biệt là các hộ ven biển, vùng ngập lụt và vùng sạt lở đất còn rất nhiều trong khi nguồn vốn bố trí của nhà nước hàng năm quá thấp (vốn sự nghiệp 5 năm 2016-2020: chỉ có 14 tỷ đồng, bình quân khoảng 2,8 tỷ đồng/năm), chỉ đáp ứng 15%-20% so với nhu cầu thực tế.

Việc huy động các nguồn lực khác cùng tham gia vào chương trình ở một số nơi đã làm, song hầu hết các khu vực miền núi là các huyện nghèo chủ yếu vẫn trông chờ vào ngân sách đầu tư của Trung ương.

Thời gian qua, chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình di dân mặc dù đã được Nhà nước nhiều lần thay đổi theo hướng điều chỉnh sự hỗ trợ cao hơn (vùng đồng bằng 20 triệu đồng/hộ, vùng miền núi 30-35 triệu đồng/hộ), song vẫn còn ở mức thấp, khó thực hiện, chưa giải quyết được những khó khăn cơ bản của dân đến định cư.

"Ngoài vấn đề nhu cầu về nhà ở thì phát triển sản xuất bền vững cho người dân là vấn đề cần được quan tâm hơn cả, giúp người dân ổn định tư tưởng để định cư lâu dài tại nơi ở mới. Chính vì vậy, cần phải có các chính sách riêng đối với khu vực miền núi về đào tạo nghề, hỗ trợ cây con giống, vật tư thiết yếu giúp người dân có tư liệu sản xuất", Đại biểu Phạm Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là người dân bị ảnh hưởng bởi bão, lũ

Tại phiên họp, cũng theo Đại biểu Phạm Sỹ Đồng, trong khi cả nước đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì người dân vùng thiên tai đang gặp khó khăn kép, đại dịch chưa qua, bão lũ lại hoành hành.

Tuy nhiên Dự thảo nghị quyết Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 phục vụ phiên thảo luận này có nêu rõ yêu cầu Chính phủ chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền (bao gồm cả các giải pháp về tín dụng, thuế, phí, lệ phí…) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhất là trong một số ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không… và người lao động, người dân mất việc, thiếu việc làm, bị giảm sâu thu nhập.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là người dân bị ảnh hưởng bởi đợt bão, lũ lịch sử vừa qua, bởi mức độ khó khăn của họ rất nặng nề hơn cả những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là người dân bị ảnh hưởng bởi đợt bão, lũ lịch sử vừa qua, bởi mức độ khó khăn của họ rất nặng nề hơn cả những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.Đại biểu Hà Sỹ Đồng

Ông Đồng cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ khi xem xét dự toán năm 2021 cần dành một khoản đầu tư thích đáng cho công tác dự báo, cảnh báo chính xác hơn phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai hiệu quả, kịp thời,nghiên cứu địa hình địa chất, xác định vùng nguy hiểm, ẩn chứa nguy cơ thiên tai để nhằm giảm thiểu các tác động đến một số điểm dân cư, dự báo trước nguy cơ để di dời dân kịp thời.

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng cần ưu tiên cho mua sắm trang thiết bị phục vụ cứu hộ cứu nạn và xây dựng hạ tầng các huyện, xã vùng sâu đồng vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

"Cử tri rất đồng tình thời gian qua Chính phủ đã tiết kiệm nhiều khoản chi tiêu, không chỉ lúc này và cả năm sau, năm sau nữa, tôi đề nghị đặt ra mục tiêu cao hơn trong tiết kiệm chi thường xuyên, ngoài hoãn tăng lương thì có thể giảm cả phụ cấp của các cấp các ngành kể cả đại biểu Quốc hội, để dồn nguồn lực cho ứng phó với thiên tai, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống", ông Đồng nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả