Đề nghị cơ quan đại diện VN ở nước ngoài cùng chống gian lận thương mại
Trong thời đại công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp không thiếu thông tin về thị trường, đối tác nhưng doanh nghiệp muốn các cơ quan ngoại giao VN ở nước hỗ trợ xác minh thông tin, có cảnh bảo kịp thời, tránh hợp đồng ma, gian lận thương mại.
Đây là một trong nhiều ý kiến được các doanh nghiệp TP.HCM gửi đến đoàn trưởng các cơ quan đại diện VN tại nước ngoài nhiệm kỳ 2019-2022 được Sở Ngoại vụ TP.HCM tổ chức hôm 4-10 tại TP.HCM.
Bà Lê Thị Giàu, chủ tịch Công ty thực phẩm Bình Tây, cho biết vừa trở về từ thị trường Đông Âu và thấy tiềm năng phát triển thị trường cho mặt hàng nông sản VN rất tốt. Hiện nay, hàng hoá "Made in Vietnam" đang rất có uy tín và được chào đón ở nhiều thị trường.
Vấn đề với những thị trường mới, xa xôi các doanh nghiệp VN lại rất thiếu thông tin nên khó tránh được những hợp đồng thương mại “ma” từ những công ty có biểu hiện gian lận thương mại. "Trong thời đại 4.0 hiện nay, các thông tin thị hiếu, thị trường hay doanh nghiệp đối tác không khó kiếm. Nhưng khi buôn bán qua nước lạ với số đơn hàng giao dịch lớn từ hơn 100.000 USD trở lên, chúng tôi rất cần được hỗ trợ xác thực thông tin doanh nghiệp. Mong các đại sự quán sẽ hỗ trợ điều này", bà Giàu nói.
Đại diện Hội Cơ khí TP.HCM cũng cho biết từ trước đến nay khi đi xúc tiến, các tham tán thương mại thường tập trung vào những nhóm hàng có thế mạnh như gạo, cà, phê, nông sản và nông sản chế biến. Thế nhưng, cơ quan đại diện VN ở nước ngoài cũng lưu ý ngành cơ khí máy móc thiết bị, gia công phụ trợ của VN cũng rất tiềm năng. Do đó, khi tổ chức xúc tiến thị trường, tổ chức hội chợ có thể đưa thêm ngành nghề này vào.
Các doanh nghiệp khác cũng cho biết cái khó của các doanh nghiệp là rất cần thông tin về pháp lý, nguồn khách hàng ở thị trường nước ngoài. Ngoài ra, với một số ngành nghề VN có thế mạnh xuất khẩu, những cảnh báo kịp thời về thị trường cũng rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại toàn cầu, nguy cơ gian lận nguồn gốc xuất xứ, tận dụng ưu đãi thuế... xảy ra khá phổ biến.
Ông Phạm Thiết Hoà, giám đốc ITPC thừa nhận thời gian qua, nhiều doanh nghiệp VN khi làm ăn với đối tác châu Phi đã bị lừa hợp đồng, mất tiền tỉ. Do đó, nếu có sự hỗ trợ kịp thời từ các thương vụ, doanh nghiệp VN sẽ giảm được rủi ro, mạnh dạn đi ra thị trường mới, lạ.
Ông Phạm Sao Mai, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết cơ quan đại diện VN ở nước ngoài xem việc hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thị trường xa, cung cấp một số thông tin thị trường là nhiệm vụ. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không chỉ có nhiệm vụ đối ngoại, ngoại giao văn hóa mà mục tiêu kết nối giao thương phát triển kinh tế cũng rất quan trọng
Tuy nhiên, với một số địa bàn lớn, cần xác minh thông tin quan trọng, chính xác cao, cơ quan đại diện ở nước ngoài mong muốn các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm xác minh thông tin để làm sao có kết quả chính xác.
"Các doanh nghiệp mong muốn thông tin nhưng ngược lại, phía đại diện cơ quan ngoại giao cũng mong doanh nghiệp nêu yêu cầu cụ thể và đặt đầu bài rõ ràng. Đây là quan hệ phục vụ, hỗ trợ nên yêu cầu càng cụ thể sẽ giúp cơ quan tham tán hỗ trợ doanh nghiệp được tốt hơn", đại sứ Phạm Sao Mai nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận