Đề nghị cơ chế đền bù riêng khi thu hồi đất làm dự án thương mại
Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội đề xuất chia ba nhóm trường hợp thu hồi đất và có cơ chế đền bù riêng nếu làm dự án thương mại, dịch vụ.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chiều 7/3 tại Hà Nội. Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội, bày tỏ băn khoăn với Điều 78 nêu các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Theo bà, dự thảo cần quy định rõ ba nhóm thu hồi đất. Nhóm 1 gồm đất xây dựng công trình hạ tầng công cộng, phúc lợi xã hội. Nhóm 2 là đất để xây dựng các công trình, dự án có tính thương mại. Nhóm 3 là đất để xây dựng các công trình vừa phục vụ phúc lợi vừa có hoạt động kinh doanh thương mại.
Nếu Nhà nước thu hồi đất để giao nhà đầu tư thực hiện dự án thương mại, dịch vụ, giá đất phải có thỏa thuận với người bị thu hồi. Việc này khắc phục tình trạng lúc thu hồi thì bồi thường giá thấp, nhưng khi xây dựng hạ tầng cho thuê thì giá gấp 5-7 lần, gây bức xúc trong nhân dân và xã hội.
Đối với hỗ trợ tái định cư, bà Hoa cho rằng hiện chưa có quy định phải hoàn thành khu tái định cư bao nhiêu ngày trước khi thu hồi đất, nếu không hoàn thành thì phải có phương án bồi thường thay thế.
Bà đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung điều kiện trước khi thu hồi đất phải xây dựng khu tái định cư. Khu tái định cư phải đáp ứng tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phù hợp với phong tục, tập quán của từng vùng, miền và thứ tự ưu tiên địa điểm tái định cư càng gần nơi ở cũ càng tốt.
Cũng quan tâm đến nội dung này, ông Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay, nhìn nhận thực trạng thu hồi đất để làm dự án công cộng đang dễ bị lợi dụng. Dẫn quy định Luật Đất đai từ năm 1987 đến 2013, ông nói quy định thu hồi đất vì lợi ích quốc gia mới có từ năm 2003 và 10 năm sau mới được phát triển thành khái niệm thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Song, việc này cũng trở thành "nỗi sợ hãi" của nông dân khi giá đền bù quá thấp trong khi việc tạo sinh kế, tái định cư quá khó khăn.
"Vấn đề đất đai tiếp tục phát sinh mâu thuẫn vì lợi ích của người bị thu hồi đất thường thấp và nhỏ hơn chủ dự án và tập đoàn kinh tế", ông Thủy nói, đề nghị hạn chế thu hồi đất nông nghiệp, làm rõ khái niệm chỉnh trang đô thị để thu hồi đất, tránh bị lợi dụng.
PGS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội khoa học đất Việt Nam, đề nghị bỏ từ "hỗ trợ" khi Nhà nước thu hồi đất của người dân. Bởi chính sách khi thu hồi đất là đền bù, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường mang tính pháp lý. Còn hỗ trợ có thể là ít nhiều, có hoặc không.
Dẫn thực tế 70% đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đặc biệt là việc bồi thường khi thu hồi đất và tài sản trên đất, ông Dũng cho rằng cần nghiên cứu mô hình tòa án chuyên biệt, hoặc tòa án các cấp bố trí một bộ phận riêng chuyên xử lý các vụ này.
GS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đề nghị dự thảo nêu cụ thể cơ quan nào có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư; bộ tiêu chí cần có là gì. Bên cạnh bảo đảm việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với đất thu hồi, cần bổ sung giá trị thửa đất được giao phải tương đương với giá trị thửa đất thu hồi.
Ngày 15/3, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ hết hạn lấy ý kiến người dân. Dự luật sẽ được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội lần 2 tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc tháng 5) và xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận