Đề nghị bỏ ngay Quỹ Bảo trì đường bộ, tiến tới bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
Đoàn giám sát của UB Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ ngay 6 quỹ, trong đó có Quỹ Bảo trì đường bộ, có lộ trình bãi bỏ với 3 quỹ khác, trong đó có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá…
Chiều 13/8, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 – 2018. Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải thông tin, báo cáo giám sát được xây dựng dựa trên 119 báo cáo từ các cơ quan, các quỹ, từ hoạt động giám sát tại các địa phương, từ các cuộc làm việc với 19 quỹ, 8 địa phương, các bộ, ngành chức năng.
Đánh giá về các tồn tại, hạn chế của các quỹ tài chính ngoài ngân sách, đoàn giám sát nhận định trước hết, nguồn tài chính hình thành các quỹ còn nhiều bất cập. Nguồn thu của một số quỹ còn phụ thuộc vào ngân sách hoặc có nguồn thu trùng với nguồn thu của ngân sách trong khi các nguồn thu khác không đáng kể, chưa phù hợp với quy định tại luật ngân sách 2015.
Nhiều quỹ được ngân sách cấp vốn điều lệ chưa đảm bảo theo yêu cầu khi thành lập quỹ và kéo dài trong nhiều năm. Trong điều kiện các quỹ còn phụ thuộc lớn vào ngân sách, việc không đủ vốn điều lệ để hoạt động đã gây rất nhiều khó khăn và không đảm bảo thực hiện có hiệu quả việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các quỹ.
Đoàn giám sát cũng chỉ rõ vấn đề, tỷ lệ thu so với kế hoạch đạt thấp ở một số quỹ. Như Quỹ Bảo trì đường bộ (không thu được đối với xe máy); Quỹ Phòng chống thiên tai (chỉ đạt từ 10-40% tùy từng địa phương), có địa phương đã tạm dừng thu phí phòng chống thiên tai (TPHCM).
Hạn chế khác là vấn đề thu chi quỹ. Một số quỹ có nguồn thu từ đóng góp bắt buộc của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định. Các khoản đóng góp được tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu sản xuất kinh doanh hoặc trên thu nhập của người lao động, đây có thể được coi là một khoản thuế doanh thu đánh trên các sản phẩm hàng hóa dịch vụ hoặc giá trị tài sản mà người sử dụng, người mua phải trả tạo thêm khoản đóng góp cho người dân và doanh nghiệp.
Về hiệu quả của các quỹ, đánh giá chung của đoàn giám sát là chưa cao. Nhiều quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách hoặc các quỹ trùng nhau về đối tượng. Nhiều quỹ được thành lập có chức năng, nhiệm vụ (có thể toàn bộ hoặc một phần) trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách. Một số quỹ khác có các đối tượng hỗ trợ trùng nhau và trùng với các đối tượng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội. Điều này tạo ra sự thiếu thống nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ cũng như không đảm bảo sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn lực, tăng số lượng tổ chức bộ máy, biên chế, cùng một nhiệm vụ nhưng có quá nhiều đầu mối.
Một số quỹ trong quá trình thực hiện các chức năng nhiệm vụ không mang lại hiệu quả kỳ vọng hoặc rất khó đánh giá hiệu quả một cách tích cực, không đạt được mục tiêu hoặc phải thay đổi mục tiêu, hoặc chỉ thực hiện được một số nhiệm vụ đặt ra theo quy định.
Một số quỹ có các nội dung chi thực hiện nhiệm vụ không hợp lý, quá chú trọng vào các mục chi cho hoạt động truyền thông, báo chí, quảng cáo chiếm tỷ lệ rất lớn, trong khi nhiệm vụ tuyên truyền thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên ngành của Chính phủ. Một số quỹ có các nội dung chi không đúng với bản chất Quỹ; việc chia sẻ nguồn thu giữa các địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan ở một số quỹ chưa thực sự hợp lý, còn nhiều bất cập.
Thậm chí, nhiều quỹ còn dư nguồn lớn, đặc biệt là các quỹ có nguồn thu từ các cá nhân và doanh nghiệp có nguồn thu ổn định hàng năm lớn, trong khi hoạt động chưa hiệu quả hoặc chưa đúng với chức năng nhiệm vụ dẫn đến dư nguồn rất lớn tại một số quỹ. Trong khi ngân sách bố trí cho đầu tư phát triển kinh tế còn khó khăn, nguồn lực đầu tư chủ yếu là vốn vay… thì việc dư nguồn rất lớn tại các quỹ này, theo đoàn giám sát, là sự lãng phí nguồn lực tài chính rất lớn.
Một số trường hợp, các quỹ sử dụng nguồn dư để gửi các ngân hàng thương mại hoặc Chính phủ thu một phần quỹ về ngân sách là chưa đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.
Vấn đề khác, chi phí quản lý chưa hợp lý so với hoạt động của quý. Trong khi có nhiều quỹ không phát sinh chi phí quản lý, thì tại một số quỹ ở cả trung ương và địa phương cho thấy chi phí quản lý còn lớn so với nội dung chi hoạt động của quỹ.
Đoàn giám sát nhận định, có quá nhiều quỹ tại địa phương làm phát sinh nhiều chi phí quản lý và tổ chức biên chế. Dù chưa có thống kê đầy đủ, mức trung bình được xác định là mỗi địa phương có khoảng 10-15 quỹ. Việc thành lập quá nhiều quỹ như vậy làm phân tán nguồn lực, tăng chi phí quản lý và phát sinh thêm tổ chức, bộ máy, biên chế.
Trong khi đó, bộ máy quản lý nhiều quỹ lại yếu kém. Thực tế hiện nay, trừ một số quỹ tài chính quy mô lớn có tổ chức bộ máy tương đối hoàn chỉnh, thì tại đa số quỹ, thành viên hội đồng quản lý chủ yếu là kiêm nhiệm. Trình độ và năng lực cán bộ quản lý, điều hành còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả hoạt động của một số quỹ tài chính còn thấp. Có quỹ đã đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa thành lập ban kiểm soát theo đúng quy định của pháp luật, dẫn đến hoạt động của quỹ thiếu sự kiểm tra, kiểm soát, chưa đảm bảo công khai, minh bạch.
Đoàn giám sát đề nghị trình cấp có thẩm quyền để bãi bỏ ngay 6 quỹ: Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương; Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; Quỹ Hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và Quỹ Hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, Quỹ phòng chống thiên tai.
Báo cáo giám sát cũng nêu đề nghị xác định rõ lộ trình bãi bỏ đối với Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận