Để năng lượng tái tạo phát huy hiệu quả
Để phát huy hết giá trị năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, chuyên gia khuyến nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và kịp thời làn sóng đầu tư này, nhất là việc đầu tư quá mức vào một khu vực gây khó khăn trong truyền tải điệ
Năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ điện phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giảm mạnh. Cụ thể, tổng điện năng tiêu thụ năm 2020 là 217 tỷ kWh, tăng 3,42% so với năm trước đó. Tính riêng 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện thương phẩm cả nước đạt 71 tỷ kWh, tăng 6,74% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đây là mức tăng trưởng thấp so với những năm trước (trung bình 9-10%/năm). Năm 2021, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, dự báo nhu cầu sử dụng điện còn thấp.
Dù nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng thấp nhưng nguồn điện lại tăng đột biến trong 2 năm vừa qua do các nhà đầu tư đã hưởng ứng tích cực các cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ. Do phụ tải tiêu thụ điện giảm thấp, đồng nghĩa trong năm 2020, hầu hết các nguồn điện như điện khí, điện than, điện dầu đều khai thác thấp hơn kế hoạch. Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo tuy có sự bùng nổ, gia tăng mạnh, đến hết năm 2020 đạt gần 20.000 MW, chiếm tỉ trọng công suất khoảng 30% toàn hệ thống điện nhưng sản lượng chỉ chiếm khoảng 12% toàn hệ thống.
Điều đáng nói là sự sụt giảm này đang đặt ra khá nhiều thách thức với công tác vận hành hệ thống điện quốc gia. Thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (NLDC) cho thấy, hiện tỷ trọng năng lượng tái tạo đóng góp lên tới 60% phụ tải đỉnh vào khung giờ trưa từ khoảng 10, 11 giờ đến 14, 15 giờ chiều và được ưu tiên huy động tối đa. NLDC gần như phải dừng mua từ các nhà máy thủy điện vào khoảng thời gian trưa. Các thủy điện ở miền Trung và miền Nam (gần 8.000 MW) cũng phải dừng hoạt động để ưu tiên mua điện năng lượng tái tạo.
Ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc NLDC chia sẻ, tính đến tháng 4/2021, trong tổng công suất nguồn điện, Việt Nam có 7.700MW điện mặt trời áp mái, nguồn điện từ điện mặt trời trang trại khoảng 9.200MW. Công suất các dự án điện gió hiện mới có 612MW, song dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có 4.500-5.400MW từ nhiều dự án công suất lớn đi vào hoạt động. Song, trên thực tế, hệ thống điện vẫn dựa vào nguồn điện truyền thống than - khí và cân bằng cung cầu để tối thiểu hóa chi phí khi vận hành. Ở chiều ngược lại, hiện tượng thừa nguồn năng lượng tái tạo đang ảnh hưởng lớn đến việc điều hành hệ thống điện, như gây quá tải đường dây nội miền, đường dây liên kết 500kV; phụ tải chênh lệch giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm lớn... Do vậy, để giữ an toàn cho hệ thống lưới điện truyền tải, việc tiết giảm khả năng phát các nguồn năng lượng tái tạo là bắt buộc phải thực hiện.
Vì lẽ đó, trong 4 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Điều độ đã buộc phải cắt giảm gần 470 triệu kWh điện năng lượng tái tạo. Dự kiến trong năm 2021 sẽ cắt giảm khoảng 1,68 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo. Đơn cử với Ninh Thuận có tỷ lệ năng lượng tái tạo lớn nhất nước với hàng nghìn MW điện. Thực tế nhu cầu sử dụng tại địa phương lại rất thấp và bắt buộc phải truyền lên đường dây 500kV để chuyển sang các địa phương khác.
Nhìn vào công suất cắt có vẻ nhiều nhưng sản lượng thực tế phát so với tổng công suất của các dự án thì lại rất thấp. Vì vậy, do tính chất bất định của năng lượng tái tạo nên các tổ máy điện truyền thống như than, khí, dầu phải điều chỉnh rất nhiều gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Với một dự án điện than, khí, dầu, mỗi lần tắt máy và khởi động lại như vậy chi phí lên tới cả chục tỷ đồng, chưa kể gây nguy cơ hỏng hóc, sự cố tổ máy (như từng xảy ra với nhà máy Phú Mỹ 2.2; nhà máy Bà Rịa…), làm giảm tuổi thọ máy.
Có hiện tượng này là bởi theo quy định, việc cấp phép đầu tư các dự án năng lượng tái tạo do UBND cấp tỉnh quản lý. Ngành điện chỉ là bên mua và chỉ được tiến hành đàm phán với nhà đầu tư về hợp đồng mua bán điện, về giá... Thêm nữa, khi phê duyệt các dự án năng lượng mặt trời, các UBND tỉnh không tham khảo ý kiến của bên bán điện về những khó khăn trong việc vận hành, đấu nối. Điều này không chỉ dẫn đến quá trình thiếu kiểm soát trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo, mà cao hơn sẽ ảnh hưởng đến cả an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng.
Để phát huy hết giá trị năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, chuyên gia khuyến nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và kịp thời làn sóng đầu tư này, nhất là việc đầu tư quá mức vào một khu vực gây khó khăn trong truyền tải điện, giải tỏa công suất các nhà máy điện, đặc biệt ảnh hưởng đến công tác vận hành hệ thống điện quốc gia và quyền lợi các nhà đầu tư.
Hướng giải quyết thấu đáo những vấn đề trên, EVN đã đề xuất với Bộ Công thương về cơ chế phát triển hệ thống pin tích trữ; xây dựng hệ thống điện liên kết đa quốc gia, từ đó giải quyết bài toán thừa/thiếu nguồn linh hoạt hơn. Đồng thời bổ sung, điều chỉnh các thông tư, quy trình, quy định nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý cho sự xuất hiện của loại hình pin tích trữ năng lượng này, ông Nguyễn Đức Ninh cho biết thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận