menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phan Đức

Để giảm vấn nạn “chặt chém”

Điều cần làm ngay, là nên có một Bộ tiêu chí chấm điểm quản trị và phát triển du lịch cho các tỉnh thành.

Năm 2018, du lịch Việt Nam đón 15,6 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ hơn 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt hơn 620.000 tỷ đồng; được Tổ chức Du lịch Thế giới xếp thứ 6/10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet, tỷ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam rất thấp do vấn nạn đeo bám, chặt chém, lừa đảo du khách và mất vệ sinh ở rất nhiều điểm đến.

Chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Đạt dẫn chứng, tại thị trấn Sa Pa – điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất khu vực miền núi phía Bắc, chỉ cần bước ra đường, du khách sẽ bị những người bán hàng rong và trẻ con đeo bám. Ở đó, đáng ra các “thượng đế” có thể thỏa sức khám phá và trải nghiệm văn hóa bản địa, nhưng khi đưa máy lên chụp ảnh một đứa trẻ con trong bộ quần áo dân tộc, họ có thể bị xin tiền. Trong khi đó, tại những thành phố ven biển, nơi có những con người hào sảng vẫn tồn tại những quán ăn tính tiền với giá “trên trời”! Ngay cả tại Thủ đô Hà Nội, du khách cũng có thể bị người đánh giày nào đó lừa tới hàng trăm nghìn đồng để "chuộc giày". Thậm chí, khách nước ngoài có thể bị những tài xế lừa ngay khi bước xuống sân bay...

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không và du lịch, ông Đạt cho rằng, du khách nước ngoài là một nhóm yếu thế vì không thuộc đường, không biết tiếng bản địa nên dễ dàng trở thành nạn nhân của những kẻ lưu manh. Chuyện đã như vậy hàng chục năm qua. Chính những tồn tại này mà mặc dù Việt Nam luôn tự hào có lịch sử văn hóa lâu đời và tài nguyên du lịch phong phú nhưng rất nhiều du khách nước ngoài phải mang tâm trạng xấu khi rời Việt Nam. Tỷ lệ khách quay lại Việt Nam cũng rất thấp.

Theo Phó giám đốc Công ty Du lịch TransViet, việc phát triển du lịch và quản lý điểm đến phụ thuộc rất nhiều vào các địa phương. Minh chứng như Sầm Sơn từng có thời gian dài bị khách tẩy chay vì bãi biển bẩn, hàng quán lộn xộn, du khách thường xuyên bị lừa đảo. Nhưng khoảng 3 năm gần đây, chính quyền đã cùng với các nhà đầu tư xây dựng lại bãi biển văn minh, sạch đẹp, không còn hiện tượng bán hàng lộn xộn, du khách bị lừa đảo. Du lịch Sầm Sơn đã lấy lại lòng tin và đã thu hút lượng khách rất đông.

Theo ông Đạt, sở dĩ các địa phương khác chưa làm được như Sầm Sơn là bởi họ chưa có áp lực chính trị để các nhà quản lý địa phương phải hành động quyết liệt. “Với du lịch, khi mà tăng trưởng vẫn đang ở mức hai chữ số, không dễ nhìn thấy vấn đề "du khách không quay trở lại". Bởi, vấn đề này sẽ chỉ thể hiện hậu quả sau 5 hay 10 năm nữa, tức là nhiệm kỳ sau. Còn ngay lúc này, thì những ý kiến phản hồi rất ít bởi du khách nước ngoài không biết tiếng Việt, họ cũng ngại các thủ tục trình báo, và hầu hết chấp nhận tâm trạng tồi tệ khi về nước”, ông Đạt nói.

Điều cần làm ngay, là nên có một Bộ tiêu chí chấm điểm quản trị và phát triển du lịch cho các tỉnh/thành. Việc chấm điểm này sẽ được thực hiện bởi chính khách du lịch thông qua hạ tầng số, các công ty du lịch thông qua hiệp hội của họ và cả các chuyên gia du lịch. Với công nghệ ngày nay, có rất nhiều cách để chấm điểm như: Làm phiếu điều tra thông qua các công ty du lịch; hoặc wifi miễn phí ở sân bay đi kèm với việc điền phiếu chấm điểm;...

“Khi chấm điểm một cách trực diện, chúng ta sẽ không bị "lừa" bởi các con số thống kê về lượt khách và GDP, Bộ tiêu chí này sẽ tạo ra áp lực chính trị trực tiếp lên các nhà quản lý điểm đến. Các tiêu chí có thể bao gồm: Quản lý an ninh, trật tự, an toàn dành cho khách du lịch; Quản lý môi trường vệ sinh điểm đến và nhà vệ sinh công cộng; Bảo vệ và tôn tạo tài nguyên du lịch; Phát triển cơ sở hạ tầng: giao thông, điện, nước, bến bãi...; Chất lượng và sự hấp dẫn của sản phẩm và dịch vụ”, ông Đạt nói.

Mặt khác, việc công bố kết quả xếp hạng năng lực quản trị và phát triển du lịch cho các tỉnh sẽ được thực hiện hàng năm. Kết quả này có thể là căn cứ để Chính phủ khen thưởng hoặc khiển trách các tỉnh trong việc quản trị và phát triển du lịch của địa phương mình. Đồng thời, giúp các tỉnh nhìn nhận lại bản thân để cố gắng. Kết quả cũng sẽ định hướng du khách ủng hộ các tỉnh có điểm xếp hạng cao.

Ông Đạt nhấn mạnh: “Khi Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được thực hiện, đã tạo ra một cơ chế phản hồi rất hữu hiệu từ phía DN đến chính quyền địa phương. Tôi tin rằng, một chỉ số như thế với ngành du lịch sẽ phát huy hiệu quả không kém. Và đó là thứ nên được làm ngay”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả