Để đi qua các “khe cửa hẹp”, vào thị trường lớn
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm xây dựng và ban hành hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho các nhóm sản phẩm trang thiết bị y tế để ngành hàng này phát triển bền vững, lâu dài.
Đại dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng, tác động lớn đến toàn bộ đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh của hầu hết các nước trên toàn thế giới, dẫn đến nhu cầu về trang thiết bị phòng chống dịch tăng đột biến, đặc biệt là khẩu trang, găng tay và trang phục bảo hộ…
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia tại khu vực châu Âu và Mỹ phải đẩy mạnh việc nhập khẩu khẩu trang và các trang thiết bị bảo hộ y tế. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, EU và Mỹ có thể cho phép nhập khẩu sản phẩm phòng chống dịch bệnh chưa có dấu CE và FDA - những tiêu chuẩn bắt buộc với mặt hàng khẩu trang và các trang thiết bị bảo hộ y tế tại đây. Tuy nhiên, đó chỉ là những quy định tạm thời, khi dịch bệnh bớt “nóng”, thì chứng chỉ CE, FDA là điều kiện tiên quyết để sản phẩm phòng dịch của Việt Nam được xuất khẩu vào các thị trường này.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cần quan tâm đáp ứng các tiêu chuẩn, tạo tấm “hộ chiếu” giúp sản phẩm khẩu trang của Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường EU và Mỹ, tránh tình trạng sản xuất đại trà mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào, chẳng những sẽ không xuất khẩu được mà còn có thể gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế cho chính doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2020 tổng lượng khẩu trang xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 1 tỷ chiếc, với kim ngạch khoảng 130 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu chủ lực là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc). Song số lượng khẩu trang y tế 3 – 4 lớp chỉ chiếm 5% trong số đó dù lượng cầu đang rất lớn. Theo đại diện Bộ Công thương, nhu cầu khẩu trang cũng sẽ giảm khi dịch bệnh qua đi. Doanh nghiệp cần hết sức thận trọng khi quyết định đầu tư, còn nếu đã đầu tư, sản xuất lâu dài thì phải chú trọng nghiêm ngặt đến chất lượng qua đó mới kỳ vọng duy trì được doanh số xuất khẩu.
Thực tế là thời gian qua, việc thiếu thông tin đã khiến nhiều doanh nghiệp thông qua các tổ chức môi giới để làm chứng nhận, nhưng lại không đảm bảo được tính xác thực.
Hiện rất ít doanh nghiệp trong nước đạt được các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu từ EU, ông Hải cho biết thêm.
Vừa qua, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Việt Nam đã phổ biến tới doanh nghiệp dệt may các tiêu chuẩn, chất lượng cũng như quy trình xin chứng nhận CE (sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường của EU) và tiêu chuẩn FDA (quy định giám sát độ an toàn những sản phẩm thuộc danh mục quản lý lưu hành trên thị trường Mỹ).
Điều này đặc biệt quan trọng vì Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết và đang chờ Quốc hội Việt Nam phê chuẩn. Thực hiện tốt quy trình xin chứng nhận CE cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tận dụng triệt để các cơ hội từ EVFTA để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Về phía Cục Xuất nhập khẩu, không chỉ cung cấp thông tin mà còn triển khai nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu mặt hàng này, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa ổn định sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu đã được nêu rõ tại Chỉ thị số 19 của Thủ tướng.
Bà Dương Phong Hiền - Trưởng đại diện Eurofins tại Hà Nội còn ví CE như “hộ chiếu thương mại” giúp sản phẩm khẩu trang cũng như các thiết bị phòng hộ cá nhân có thể lưu thông tại thị trường EU. Một sản phẩm được gắn nhãn CE cũng tức là nhà sản xuất đó đáp ứng mọi yêu cầu về mặt pháp lý để có được tiêu chuẩn CE Marking.
Tương tự là chứng nhận FDA khi xuất khẩu các sản phẩm này vào thị trường Hoa Kỳ, Trưởng đại diện Eurofins khẳng định, yêu cầu về kỹ thuật cũng như chất lượng sản phẩm của chứng nhận này rất cao. Hiện xác suất sản phẩm đạt yêu cầu của các doanh nghiệp Việt thường không cao.
Theo đó, quy trình đăng ký để gắn mác FDA phải trải qua 5 bước cơ bản: xác định, phân loại sản phẩm; xuất trình tài liệu cần thiết; thiết lập và duy trì hệ thống tuân thủ quy định chất lượng của FDA; đăng ký số DUNS; đăng ký doanh nghiệp; đánh giá...
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần sớm xây dựng và ban hành hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho các nhóm sản phẩm trang thiết bị y tế để ngành hàng này phát triển bền vững, lâu dài. Về dài hạn, để “rộng cửa” vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ, trước hết các doanh nghiệp cần thận trọng nghiên cứu về quy trình nghiêm ngặt theo quy định của nước muốn xuất khẩu trước khi quyết định sản xuất, lưu hành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận