Để đạt mục tiêu xuất khẩu 25 tỷ USD năm 2030, ngành gỗ cần chính sách hỗ trợ
Các doanh nghiệp kiến nghị nhà nước cần hỗ trợ về nguồn vốn để đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất, đào tạo lao động và nguồn nguyên liệu rừng trồng trong nước…
Nhằm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, chiều nay (25/3), Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Chính phủ) phối hợp cùng Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam và các Hội gỗ địa phương tổ chức hội thảo góp ý cho báo cáo “Ngành Gỗ Việt Nam: Vấn đề và các giải pháp đảm bảo định hướng chiến lược đến 2030”.
Đây là báo cáo do các chuyên gia và DN chủ động đánh giá hiện trạng ngành gỗ và chế biến gỗ. Trên cơ sở đó, Hiệp hội sẽ đề xuất với Chính phủ có giải pháp chiến lược và các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy ngành gỗ - chế biến gỗ.
10 năm qua, ngành gỗ tăng trưởng rất tốt với 2 con số. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, ngành chế biến gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu cả nước đạt hơn 15,8 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xuất khẩu 25 tỷ USD vào năm 2030, cần có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho ngành gỗ phát triển hơn nữa trong tình hình mới.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng hiện nay, sự liên kết giữa các DN trong ngành và năng lực sản xuất, kiểm soát chất lượng của các DN nhỏ còn nhiều hạn chế. Chi phí gỗ nhập khẩu và chi phí hàng hoá xuất khẩu làm tăng giá thành, giảm năng lực cạnh tranh của DN.
Hiện nay, nguyên liệu gỗ trong nước mới đáp ứng được hơn 70% nhu cầu sản xuất, trong khi diện tích rừng trồng đạt chứng chỉ rất thấp. Các địa phương nên dành diện tích đất trồng rừng nhiều hơn, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước. Còn nguồn cung gỗ hợp pháp từ nước ngoài chưa kiểm soát được nên có nguy cơ tiềm ẩn rủi ro.
Với những hạn chế đó, các DN kiến nghị nhà nước cần hỗ trợ về nguồn vốn để DN đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất, đào tạo lao động và nguồn nguyên liệu rừng trồng trong nước.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn Kkinh tế của Thủ tướng, công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ còn ít, thiết kế mẫu mã còn yếu, các chính sách khuyến khích chưa đủ mạnh để DN tận dụng cơ hội phát triển.
“Ngành gỗ lâu nay chưa được đầu tư nhiều. Nếu như Chính phủ quan tâm hơn sẽ tạo sức đẩy cho ngành này phát triển mạnh hơn nữa và đây cũng chính là vấn đề cần xem xét. Hiện trình độ công nhân ngành gỗ còn thấp, hệ thống công nghiệp hỗ trợ cho ngành gỗ rất yếu. Chúng ta làm sao để có hệ thống chính sách hỗ trợ, cơ chế khuyến khích để ngành gỗ phát triển, đi vào quỹ đạo, hiện đại và phù hợp hơn trong tình hình mới”, PGS.TS. Trần Đình Thiên chỉ rõ./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận