Dè chừng xu hướng lạm phát đi lên
Việt Nam những năm gần đây đã kiểm soát lạm phát khá tốt. Như năm 2023 vừa qua, lạm phát bình quân chỉ tăng 3,25% so với năm 2022, dưới ngưỡng mục tiêu mà Quốc hội đặt ra và là năm thứ 9 liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát thành công dưới ngưỡng 4%. Dù vậy, đang dần xuất hiện những rủi ro gây áp lực lên biến số này.
Xu hướng đi lên
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân bốn tháng đầu năm 2024 tăng 3,93% so với cùng kỳ năm 2023, tiếp nối đà đi lên trở lại kể từ tháng 8 năm ngoái đến nay. Nguyên nhân CPI tăng là do giá nhà ở và vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép, cát, giá thuê nhà ở) tăng tới 5,54%, làm CPI chung tăng 1,04 điểm phần trăm. Ngoài ra, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,84%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,74% cũng đẩy CPI bốn tháng đầu năm nay tăng.
Nếu tính riêng tháng 4, CPI đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái và đánh dấu đà tăng liên tục kể từ tháng 7-2023 đến nay. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có tới tám nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, trong đó giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới đẩy nhóm hàng hóa dịch vụ như giao thông tăng đến 1,95%, được xem là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng cao. Đặc biệt, giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng đến 10,42% so với tháng trước. Ngoài ra, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,92%; hàng hóa dịch vụ khác tăng 0,27%; nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 0,21% (tăng theo giá xăng dầu, điện tăng).
Điện và xăng dầu là hai nhiên liệu đầu vào cho hầu hết ngành sản xuất, hai mặt hàng này tăng giá có thể đẩy giá hầu hết các mặt hàng tăng, đặc biệt là hàng hóa và các dịch vụ thiết yếu. Cụ thể, chỉ số giá điện sinh hoạt cứ tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI chung của nền kinh tế tăng thêm 0,33 điểm phần trăm.
Đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây cho rằng áp lực lạm phát đến từ phía cầu (yếu tố tiền tệ) là không lớn, mà chủ yếu đến từ phía cung (chi phí sản xuất). Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để chủ động có giải pháp điều hành giá. Thực tế các dữ liệu cũng cho thấy trong năm 2023 và bốn tháng đầu năm nay, chi phí sản xuất của nền kinh tế tiếp tục tăng, do chi phí của hầu hết các đầu vào sản xuất đều tăng tương đối, kéo theo lạm phát chi phí đẩy.
Đơn cử như chỉ số giá cước container thế giới tổng hợp của Drewry tuần 20/2024 tiếp tục tăng mạnh 11% so với tuần trước, lên mức 3.511 đô la Mỹ. Chỉ số giá cước này tăng 104% so với cùng thời điểm năm ngoái và cao hơn 147% so với mức trung bình của năm 2019 trước đại dịch Covid-19 (1.420 đô la). Đây là hệ quả của căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông với các cuộc tấn công vào tàu hàng trên Biển Đỏ từ cuối năm ngoái. Diễn biến này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá cả hàng hóa, nguyên, nhiên liệu nhập vào Việt Nam.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày giao dịch đầu tuần này (20-5), có đến 25 trên tổng số 31 mặt hàng nguyên liệu đồng loạt tăng giá, hỗ trợ chỉ số hàng hóa MXV-Index chốt ngày tăng mạnh 1,33% lên 2.376 điểm, mức cao nhất kể từ giữa tháng 2 năm ngoái. Đơn cử như giá lúa mì đã lên mức cao nhất 10 tháng qua, giá đồng thiết lập kỷ lục mới còn giá bạc cũng tăng theo giá vàng và hiện đang ở vùng đỉnh cao 11 năm qua.
Trước đó, dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy giá mặt hàng lương thực bình quân bốn tháng đầu năm nay tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2023, ảnh hưởng bởi đà tăng của các mặt hàng lương thực trên thế giới. Theo đó, đưa nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bốn tháng đầu năm tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, ảnh hưởng đáng kể đến mức tăng của CPI chung. Trong rổ hàng hóa tính lạm phát hiện nay, nhóm lương thực, thực phẩm chiếm khoảng 25% tổng giá trị rổ hàng hóa.
Những rủi ro
Không ít ý kiến cho rằng áp lực lạm phát trong năm nay vẫn sẽ khó lường, trong bối cảnh một số yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát kỳ vọng như giá vàng hay ngoại tệ có xu hướng tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Cụ thể giá vàng trong nước đã liên tục đi lên và thiết lập các đỉnh cao mới trong những tuần gần đây, song hành với đà tăng mạnh của giá vàng thế giới.
Trong khi đó, là nền kinh tế có độ mở lớn, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tác động lớn đến chỉ số giá nhập khẩu, từ đó gây áp lực lên lạm phát, khi các hoạt động sản xuất của Việt Nam đều phải nhập khẩu nguồn nguyên, vật liệu từ nước ngoài. Nếu như các doanh nghiệp nội địa chưa thể chủ động được đầu vào sản xuất, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại chủ yếu sử dụng nguồn nguyên, vật liệu từ tập đoàn mẹ hoặc các công ty liên kết ở các quốc gia khác, như là một trong những cách để tối ưu hóa lợi nhuận.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, bốn tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 115 tỉ đô la, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm đến 94%, vào khoảng 108,33 tỉ đô la. Đáng lưu ý, không chỉ giá thành các mặt hàng sản xuất có nguyên, vật liệu nhập khẩu bị đẩy lên, mà giá các mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu cũng sẽ tăng.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố sẽ tác động mạnh đến lạm phát trong giai đoạn tới là việc điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, trong đó giá dịch vụ công sau gần bốn năm trì hoãn hoặc chưa thực hiện hết trong năm 2023 sẽ được tiếp tục điều chỉnh trong năm 2024-2025. Đơn cử như giá dịch vụ khám, chữa bệnh hiện hành và giá dịch vụ khám, chữa bệnh khác được triển khai khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực thi hành kể từ đầu năm nay.
Hay trong các mặt hàng tăng giá mạnh bốn tháng đầu năm nay, một số nhóm hàng dịch vụ công do Nhà nước quản lý như giá giáo dục, y tế thực hiện điều chỉnh tăng giá theo lộ trình khiến chỉ số giá dịch vụ giáo dục và y tế đều tăng đáng kể lần lượt là 9,4% và 8,5% so với cùng kỳ. Xu hướng này có thể tiếp tục trong giai đoạn tới.
Tương tự, giá điện cũng từng bước thực hiện lộ trình giá điện theo cơ chế thị trường với việc tính đủ các chi phí đầu vào trong cấu phần giá. Cụ thể, giá điện được Bộ Công Thương kiến nghị tiếp tục xem xét điều chỉnh tăng trong năm 2024, sau hai lần điều chỉnh tăng trong năm ngoái. Theo đó, cùng với việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ sáu tháng xuống ba tháng, các đợt điều chỉnh giá điện có thể diễn ra ngay từ giữa quí 2-2024. Hiện EVN đang đề xuất cho nới quyền tự quyết tăng giá điện từ dưới 5% lên mức dưới 10%, điều này dẫn tới khả năng giá điện có thể được điều chỉnh tăng mạnh hơn trong thời gian tới.
Những căng thẳng tại Trung Đông cũng đang đẩy giá dầu tăng mạnh. Sau khi Tổng thống Iran bị thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay vào ngày 19-5, giá dầu thế giới đã bật tăng lên cao hơn. Cần biết rằng điện và xăng dầu là hai nhiên liệu đầu vào cho hầu hết ngành sản xuất, hai mặt hàng này tăng giá có thể đẩy giá hầu hết các mặt hàng tăng lên, đặc biệt là hàng hóa và các dịch vụ thiết yếu. Cụ thể, chỉ số giá điện sinh hoạt cứ tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI chung của nền kinh tế tăng thêm 0,33 điểm phần trăm(1).
Cuối cùng, việc thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024 có thể gây hiệu ứng dây chuyền kéo theo nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường tăng theo, điều đã từng diễn ra trong quá khứ. Dù vậy, giới chuyên gia tin rằng kỳ vọng tăng giá hiện nay không mạnh vì đời sống người dân còn khó khăn, người dân dè chừng trong chi tiêu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận