menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dũng Bùi

Đế chế y dược của bà Nguyễn Thị Loan: Những ‘gót chân Asin’ của Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex

Có vốn chủ sở hữu hơn 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản gần 7.000 tỷ đồng, song hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex lại không như mong đợi. Thậm chí, chất lượng tài sản của doanh nghiệp này còn ẩn chứa những dấu hiệu bất ổn.

Như đã thông tin tại bài viết ‘Soi’ đế chế y dược Vimedimex của bà Nguyễn Thị Loan, bà Nguyễn Thị Loan là một đại gia thực thụ trong lĩnh vực y dược phẩm khi sở hữu nhiều doanh nghiệp lớn như: Y dược phẩm Vimedimex (HoSE: VMD), Dược phẩm Vimedimex 2 hay Dược phẩm Y tế Vime Sait Paul…

Tuy nhiên, doanh nghiệp đáng chú ý bậc nhất trong đế chế của bà Nguyễn Thị Loan phải kể đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex.

Doanh nghiệp này thành lập tháng 4/2009, có trụ sở chính tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính là nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm hóa dược từ các hợp chất thiên nhiên.

Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này là ông Lê Tiến Dũng (người dân tộc Mường), sinh năm 1984, trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.

Tài liệu của VietnamFinance cho thấy danh sách cổ đông sáng lập của Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Hồ Gươm (21%), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hòa Bình (người đại diện góp vốn là ông Phạm Ngọc Quân 11%), Công ty Cổ phần BV Pharma (đại diện góp vốn là ông Nguyễn Tiến Hùng 4,24%), VMD (đại diện góp vốn là ông Nguyễn Tiến Hùng 4%), Công ty TNHH Bất động sản Vimedimex Hòa Bình (đại diện góp vốn là bà Nguyễn Thị Loan) và các cá nhân: Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Tiến Hùng, Trần Văn Kỳ.

Trong các cổ đông cá nhân, bà Nguyễn Thị Loan và ông Trần Văn Kỳ đều đã rút lui, chỉ còn ông Nguyễn Tiến Hùng nắm tỷ lệ sở hữu 10,76%.

Phải thu ngắn hạn chiếm 90% tổng tài sản, dòng tiền kinh doanh âm hàng nghìn tỷ đồng

Là doanh nghiệp có quy mô vốn rất lớn, tổng tài sản của Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex đã gia tăng liên tục với tốc độ rất nhanh trong giai đoạn 2016 – 2019.

Cụ thể, năm 2016, tổng tài sản công ty đạt 1.209 tỷ đồng, sang năm 2017 vọt lên 3.366 tỷ đồng (tức tăng gấp 2,7 lần), năm 2018 tiếp tục tăng lên 3.901 tỷ đồng và đến năm 2019 leo lên mốc 6.877 tỷ đồng (tức tăng gấp 1,7 lần). Tính ra, trong 4 năm, tổng tài sản của công ty đã tăng gấp 5,7 lần.

Để đạt được quy mô tài sản rất lớn này, các cổ đông của công ty đã thực hiện màn tăng vốn ấn tượng từ 1.200 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, đưa vốn chủ sở hữu của công ty cán mốc 3.035 tỷ đồng khi kết thúc năm 2019.

Song song với đó, nợ phải trả của công ty cũng được phình ra với tốc độ vô cùng chóng mặt, từ 7,4 tỷ đồng (2016) tăng 51 lần lên 380 tỷ đồng (2017), tăng tiếp 2,5 lần lên 906 tỷ đồng (2018) rồi đột ngột tăng dựng đứng lên 3.841 tỷ đồng (2019).

Xem xét cơ cấu tài sản của Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex, có thể nhận ra trong sự tăng trưởng nhanh chóng nói trên có ẩn chứa những dấu hiệu bất ổn.

Một là các khoản phải thu ngắn hạn nở ra ngày một lớn. Nếu như năm 2016, các khoản phải thu ngắn hạn của công ty chỉ chiếm 35% tổng tài sản thì sang năm 2017 đã “nở ra” thành 70%, đến năm 2019 thì vọt lên tới 90% (6.184 tỷ đồng/6.858 tỷ đồng) – một tỷ lệ cực kỳ báo động!

Hai là sự phình to của khoản nợ vay. Giai đoạn 2016 – 2018, nhờ nguồn vốn chủ sở hữu dày dặn, công ty không bị áp lực vay mượn. Tuy nhiên, đến năm 2019, nợ vay dài hạn đã “đột khởi” từ 192 tỷ đồng lên 3.352 tỷ đồng, tức tăng gấp 17 lần! Điều này khiến hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu lần đầu vượt qua ngưỡng 1,1 lần và đưa công ty bước vào giai đoạn lệ thuộc vào vốn vay.

Ba là dòng tiền kinh doanh. Dưới áp lực của các khoản phải thu ngắn hạn đang nở ra ngày càng mạnh mẽ, dòng tiền kinh doanh của công ty Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex rơi vào tình trạng âm triền miên với những mức âm cực nặng: -639 tỷ đồng (2016), -1.027 tỷ đồng (2017), -2.787,8 tỷ đồng (2019). Đây cũng chính là lý do khiến công ty bắt buộc phải tăng cường vay mượn để bù đắp dòng tiền, khiến số nợ vay “đột khởi” như đã trình bày ở trên.

Kết quả kinh doanh đáng thất vọng

Về kinh doanh, với lợi thế vốn lớn, những tưởng Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex sẽ phải ăn nên làm ra, tuy nhiên, những kết quả ghi nhận được lại cho thấy sự thất vọng không nhỏ.

Giai đoạn 2016 – 2017, dù sở hữu vốn rất lớn và được bơm “căng phồng” từ 1.200 tỷ đồng lên tới 3.000 tỷ đồng, nhưng doanh thu của công ty là một sự “xấu hổ” khi chỉ đạt lần lượt 29,7 tỷ đồng và… 19,9 triệu đồng.

Qua năm 2018, công ty mới gượng lại được với doanh thu 66 tỷ đồng trước khi tăng mạnh lên 726 tỷ đồng vào năm 2019.

Tuy nhiên, doanh thu không đồng thời với lợi nhuận. Lãi sau thuế của công ty là một câu chuyện “buồn hơn cả buồn” trong giai đoạn 2016 – 2018 khi ghi nhận thua lỗ hoặc chỉ đạt mức lãi lẹt đẹt, lần lượt là: -2,6 tỷ đồng (do kinh doanh dưới giá vốn!), 8,1 triệu đồng, 283 triệu đồng. Phải tới năm 2019, công ty mới có lãi 18,8 tỷ đồng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại